Khó khăn trong xử lý tài sản của hộ gia đình

Luật Thi hành án dân sự (THADS) sau thời gian thi hành đã tạo nhiều thuận lợi cho người dân, tuy nhiên cũng phát sinh nhiều vấn đề gây khó khăn cho cơ quan THADS. Lâu dài theo các cơ quan THADS, cần sửa đổi, bổ sung trong quá trình hoàn thiện thể chế.

Một cuộc cưỡng chế thi hành án.

Một cuộc cưỡng chế thi hành án.

Có cần phân chia tài sản chung của hộ gia đình?

Vấn đề kê biên, xử lý tài sản của hộ gia đình đang thế chấp để đảm bảo thực hiện nghĩa vụ thi hành án của thành viên hộ gia đình hiện nhiều địa phương đang gặp vướng mắc. Trong một số trường hợp có một hoặc một số thành viên trong hộ gia đình phải thi hành nghĩa vụ thanh toán theo bản án, quyết định của Tòa án nhưng tài sản duy nhất của hộ gia đình đang thế chấp vay tiền tại Ngân hàng (các thành viên trong hộ gia đình đều ký đồng ý thế chấp), tài sản đủ điều kiện cưỡng chế kê biên theo Điều 90 Luật THADS.

Tuy nhiên, pháp luật chưa quy định rõ cần phân chia tài sản chung của hộ gia đình trước để kê biên hay cần phải cưỡng chế kê biên, xử lý tài sản theo Điều 90 Luật THADS để trả cho Ngân hàng trước rồi mới hướng dẫn đương sự phân chia số tiền còn lại để thi hành án.

Theo Tổng cục THADS, do tài sản của người phải thi hành án trong khối tài sản chung với các thành viên hộ gia đình đang thế chấp hợp pháp cho Ngân hàng nên cơ quan THADS cần làm việc với Ngân hàng để kê biên tài sản khi có đủ điều kiện quy định tại Điều 90 Luật THADS mà không cần hướng dẫn phân chia tài sản chung của hộ gia đình.

Khi thanh toán tiền thu được từ việc xử lý tài sản thì ưu tiên thanh toán cho Ngân hàng nhận thế chấp theo quy định tại khoản 3 Điều 47 Luật THADS. Đối với số tiền còn lại thì thực hiện theo quy định tại điểm c khoản 2 Điều 24 Nghị định số 62/2015/NĐ-CP (để trả cho các thành viên trong hộ gia đình), sau đó, thu tiền của người phải thi hành án để thi hành án.

Trường hợp Ngân hàng nhận thế chấp tiến hành xử lý để thu hồi nợ vay theo quy định của pháp luật về xử lý tài sản bảo đảm thì chấp hành viên không thực hiện việc kê biên, xử lý đối với tài sản đó nhưng phải có văn bản yêu cầu Ngân hàng thông báo ngay kết quả xử lý tài sản cho cơ quan THADS, giữ số tiền còn lại (nếu có) để cơ quan THADS giải quyết theo quy định của pháp luật.

Bảo đảm quyền có chỗ ở hợp pháp

Theo quy định tại khoản 5 Điều 115 Luật THADS: Trường hợp cưỡng chế giao nhà là nhà ở duy nhất của người phải thi hành án cho người mua được tài sản bán đấu giá, nếu xét thấy sau khi thanh toán các khoản nghĩa vụ thi hành án mà người phải thi hành án không còn đủ tiền để thuê nhà hoặc tạo lập nơi ở mới thì trước khi làm thủ tục chi trả cho người được thi hành án, chấp hành viên trích lại từ số tiền bán tài sản một khoản tiền để người phải thi hành án thuê nhà phù hợp với giá thuê nhà trung bình tại địa phương trong thời hạn 01 năm. Nghĩa vụ thi hành án còn lại được tiếp tục thực hiện theo quy định của Luật này.

Tuy nhiên, pháp luật chưa quy định việc có trích tiền thuê nhà cho người thứ ba đã dùng nhà ở duy nhất của mình để đảm bảo cho người phải thi hành án vay tài sản đã được Tòa án tuyên trong bản án, quyết định. Do đó, một số cơ quan THADS đề nghị hướng dẫn để thống nhất thực hiện.

Tổng cục THADS cho rằng, quy định nói trên nhằm đảm bảo quyền có chỗ ở hợp pháp, đảm bảo an ninh chính trị, trật tự - an toàn xã hội tại địa phương. Với nguyên tắc được quy định tại khoản 5, trường hợp xử lý tài sản là nhà ở duy nhất để thi hành án, kể cả trường hợp tài sản là thuộc quyền sở hữu, sử dụng của bên thứ ba bảo lãnh cho người phải thi hành án mà sau khi thanh toán họ không còn đủ tiền để thuê nhà hoặc tạo lập nơi ở mới thì trước khi làm thủ tục chi trả cho người được thi hành án, chấp hành viên có thể áp dụng quy định tại khoản 5 Điều 115 Luật THADS để trích lại từ số tiền bán tài sản một khoản tiền phù hợp với giá thuê nhà trung bình tại địa phương trong thời hạn 01 năm để họ tạo lập nơi ở mới.

Duy Hưng

Nguồn Pháp Luật VN: http://baophapluat.vn/tu-phap/kho-khan-trong-xu-ly-tai-san-cua-ho-gia-dinh-332182.html