Khó khăn trong tuyển chọn vận động viên thi đấu chuyên nghiệp

Hiện nay việc tuyển chọn, luyện tập và giữ chân các vận động viên chuyên nghiệp của tỉnh Nghệ An gặp rất nhiều khó khăn, nhiều bộ môn thi đấu vẫn thiếu chỉ tiêu.

Nghệ An đang xây dựng Đề án Phát triển thể thao thành tích cao với mục tiêu đến năm 2020 nằm trong tốp 10 tỉnh, thành, ngành có phong trào thể thao mạnh nhất cả nước. Tuy nhiên, hiện nay việc tuyển chọn, luyện tập và giữ chân các vận động viên chuyên nghiệp gặp rất nhiều khó khăn.

Trung tâm đào tạo và huấn luyện thể dục thể thao tỉnh Nghệ An mỗi năm tuyển 315 vận động viên cho 19 bộ môn. Tuy nhiên, trong hai năm trở lại đây, trung tâm không tuyển đủ vận động viên và số lượng vận động viên tập luyện thường xuyên chỉ giao động từ 242 - 277 người.

Trong số này, có nhiều môn thiếu khá đông như: Wushu 13/18 vận động viên, điền kinh 29/35 vận động viên, đá cầu 11/15 vận động viên. Riêng hai bộ môn kickboxing, vovinam hiện vẫn chưa tuyển được vận động viên.

Trong khi vận động viên mới chưa tuyển được, số vận động viên xin nghỉ hoặc chuyển đơn vị cũng khá nhiều với các lý do khác nhau. Đơn cử như vận động viên Ngô Minh Thơm, thành phố Vinh (Nghệ An) từng có nhiều năm tập luyện ở đội tuyển karatedo và đã tốt nghiệp ngành Thể dục – Trường Đại học Vinh. Tuy nhiên sau khi tốt nghiệp đại học, Thơm đã quyết định nghỉ tập luyện.

Vận động viên Ngô Minh Thơm chia sẻ: “Vận động viên là một nghề có tuổi đời rất ngắn và khi tuổi càng lớn thì cơ hội để chiến thắng càng ít. Việc trở thành một vận động viên thi đấu chuyên nghiệp hay tham gia công tác huấn luyện đều không dễ dàng. Vì vậy, trước khi bị đào thải, vận động viên phải sớm tìm đường đi khác cho mình để ổn định cuộc sống”.

Thực tế trong công tác tuyển chọn vận động viên tại Trung tâm đào tạo và huấn luyện thể dục thể thao tỉnh Nghệ An vẫn còn nhiều bất cập. Đơn cử như cơ sở để tuyển chọn vận động viên là qua các giải thể thao, Hội khỏe Phù đổng và qua các giải trẻ do tỉnh Nghệ An tổ chức. Tuy nhiên, ở Nghệ An chỉ mới có 2/19 bộ môn thi đấu tổ chức được các giải trẻ để thi đấu hàng năm (đó là bơi lội và karatedo) do đó cơ hội để tuyển chọn vận động viên không nhiều.

Ngoài ra, việc tuyển chọn vận động viên còn qua các lớp bồi dưỡng nghiệp dư ở cơ sở. Tuy nhiên, tại tỉnh Nghệ An, các lớp bồi dưỡng được mở một cách gián đoạn, không liên tục. Bên cạnh đó, với mức hỗ trợ 3 ngàn đồng tiền nước/vận động viên/buổi tập thì việc thu hút người theo tập cũng không dễ...

Ông Nguyễn Văn Huệ, Phó Giám đốc Trung tâm đào tạo và huấn luyện thể dục thể thao tỉnh Nghệ An cho biết: Tình trạng không tuyển đủ vận động viên chuyên nghiệp đã diễn ra nhiều năm nay. Mặc dù những năm gần đây, Trung tâm đã nâng tiền hỗ trợ tập luyện và tiền phụ cấp cho các vận động viên lên khá cao nhưng việc tuyển chọn vận động viên vào các đội tuyển vẫn rất khó khăn.

Nguyên nhân là do khi đã vào nghiệp thể thao thì vận động viên phải tập luyện căng thẳng, phải hy sinh rất nhiều nhưng cơ hội gắn bó với nghề lâu dài không cao. Bên cạnh đó, độ tuổi để tuyển chọn vào đội tuyển thường rất trẻ (từ 9 - 10 tuổi) nên nhiều phụ huynh băn khoăn, không muốn con sống tập trung ở Trung tâm.

Theo ông Nguyễn Văn Huệ, để giải quyết vấn đề này, thời gian tới, Nghệ An cần có nhiều chính sách mới để thu hút, động viên các vận động viên. Bên cạnh đó, cần tiếp tục đầu tư cơ sở vật chất, trang bị dụng cụ tập luyện, thi đấu và xây dựng đội ngũ huấn luyện viên có trình độ chuyên môn để đáp ứng yêu cầu của công tác đào tạo, huấn luyện nâng cao.

Đồng thời, cần xác định địa bàn đào tạo vận động viên các môn thể thao dựa trên cơ sở xem xét điều kiện, truyền thống, khả năng, thế mạnh và phong trào thực tế của mỗi địa phương để đầu tư mở các lớp năng khiếu nghiệp dư, tiến tới tổ chức đào tạo lực lượng vận động viên để bổ sung các tuyến tập trung ở tỉnh.

Tá Chuyên (TTXVN)

Nguồn Tin Tức TTXVN: http://baotintuc.vn/the-thao/kho-khan-trong-tuyen-chon-van-dong-vien-thi-dau-chuyen-nghiep-20170404094743912.htm