Khó khăn trong triển khai thủ tục hải quan điện tử

Có thể khẳng định tới thời điểm này những lợi ích mà thủ tục hải quan điện tử (TTHQĐT) mang lại là điều không cần phải bàn cãi. Thực hiện thành công TTHQĐT đã mang lại nhiều lợi ích thiết thực cho doanh nghiệp (DN) và hải quan. Đối với DN, lợi ích được thể hiện qua việc tiết giảm thời gian, chi phí cho việc đi lại, chi phí về mặt giấy tờ (in ấn tờ khai)...

Đối với cơ quan hải quan, việc giải quyết thủ tục cũng được đảm bảo trong bối cảnh khối lượng công việc tăng nhanh trong khi biên chế chưa theo kịp, vấn đề hiệu quả quản lí cũng được nâng cao. Hiện tại thời gian thông quan của luồng xanh trung bình là 3-15 phút; luồng vàng từ 10-60 phút và luồng đỏ phụ thuộc vào thời gian kiểm tra thực tế hàng hóa.

Vướng mắc cần tháo gỡ

Tuy nhiên trong quá trình triển khai TTHQĐT, bản thân cơ quan hải quan cũng gặp không ít khó khăn, vướng mắc như: Chưa có sự chỉ đạo quyết liệt đối với cơ quan quản lý nhà nước chuyên ngành trong việc chuẩn hóa danh mục quản lý hàng hóa chuyên ngành dẫn tới khó thực hiện quản lý chính sách mặt hàng đối với TTHQĐT. Bên cạnh đó, việc đầu tư còn mất cân đối giữa đầu tư trang thiết bị phần cứng và đầu tư phần mềm, hiện tại đầu tư công nghệ thông tin (CNTT) cho ngành Hải quan khoảng 10% phần mềm và 90% phần cứng. Tỷ trọng đầu tư cho lĩnh vực đầu tư CNTT thường chiếm khoảng 35% tổng toàn bộ đầu tư hàng năm.

Các hệ thống liên quan đến TTHQĐT còn phân tán, do đó, cần đẩy nhanh tốc độ triển khai các hệ thống theo mô hình xử lý tập trung cấp cục và tổng cục trong ngành Hải quan nhằm tăng hiệu quả quá trình đầu tư giảm bớt vướng mắc phát sinh, giảm chi phí bảo hành, bảo trì.

Ngoài ra, việc đáp ứng của hệ thống CNTT đối với những thay đổi còn chậm và chưa đầy đủ. Chưa có sự đồng bộ trong triển khai TTHQĐT với các chương trình hải quan khác như thanh toán điện tử, hệ thống khai báo lược khai hải quan điện tử...

Trong một số văn bản hướng dẫn về quy trình nghiệp vụ vẫn tồn tại sự thiếu thống nhất giữa TTHQĐT và thủ tục hải quan truyền thống. Nguồn lực triển khai tại một số cục hải quan tỉnh, thành phố thực hiện TTHQĐT còn thiếu dẫn tới một số khó khăn nhất định khi vừa triển khai thủ tục hải quan truyền thống và TTHQĐT.

Thêm vào đó, một số doanh nghiệp chưa nắm được đầy đủ các quy định về thủ tục hải quan nói chung và TTHQĐT nói riêng, trình độ ứng dụng CNTT còn thấp nên cũng gặp nhiều khó khăn trong triển khai. Chưa có một hệ thống tài liệu hướng dẫn chi tiết nghiệp vụ hải quan sử dụng trên hệ thống CNTT và giải pháp đào tạo tổng thể cho công chức hải quan và doanh nghiệp dẫn tới việc thực hiện TTHQĐT tại một số địa bàn thực hiện chưa đúng quy định.

Đẩy mạnh ứng dụng chữ ký số trong TTHQĐT

Đó là một trong những giải pháp mà Tổng cục Hải quan đề ra nhằm đưa TTHQĐT lên tầm cao mới. Bên cạnh đó, Tổng cục Hải quan cũng đề ra một số giải pháp khác như: Tăng cường hợp tác với các bộ, ngành để chuẩn hóa và trao đổi thông tin giấy phép, quản lý chính sách mặt hàng... phục vụ TTHQĐT. Đồng thời, nghiên cứu sửa đổi, bổ sung Thông tư 222/2009/TT-BTC và các văn bản liên quan đảm bảo việc triển khai TTHQĐT có hiệu quả cho cả cơ quan hải quan và doanh nghiệp và các bên liên quan. Hoàn thiện các quy định về nghiệp vụ theo hướng đảm bảo sự thống nhất về quản lý giữa TTHQĐT và thủ tục hải quan truyền thống.

Xây dựng kế hoạch, nội dung triển khai TTHQĐT đồng bộ với việc triển khai các hệ thống tiếp nhận và xử lý thông tin hàng hóa, hệ thống thanh toán thuế bằng phương thức điện tử với các ngân hàng thương mại, hệ thống cơ chế một cửa hải quan quốc gia, hệ thống trao đổi và xử lý thông tin xuất xứ hàng hóa.

Hoàn thiện cơ sở hạ tầng CNTT rà soát và nâng cấp hệ thống mạng, trang thiết bị đảm bảo về băng thông, tính ổn định và mức độ an toàn, an ninh; tăng cường triển khai các hệ thống dự phòng mạng, trung tâm dữ liệu đảm bảo mức độ an toàn cao khi triển khai các hệ thống xử lý dữ liệu tập trung; rà soát, tính toán tỷ lệ đầu tư hợp lý trong lĩnh vực CNTT. Xây dựng cơ chế cho phép thuê nguồn lực bên ngoài trong việc triển khai, vận hành và bảo trì hệ thống CNTT. Tích hợp và nâng cấp các ứng dụng hiện tại theo mô hình xử lý tập trung cấp cục và tổng cục thành một hệ thống thống nhất.

Chuẩn hóa dữ liệu và các quy tắc nghiệp vụ hải quan nhằm nâng cao mức độ tự động của hệ thống. Xây dựng và tổ chức triển khai các hệ thống chỉ số đo lường làm cơ sở cho việc giảm thời gian thông quan và đơn giản hóa thủ tục hành chính. Phát triển hệ thống đại lý làm TTHQĐT. Hoạt động của đại lý làm thủ tục hải quan được điều chỉnh theo các văn bản pháp lý hiện hành, tuy nhiên để xây dựng được hệ thống đại lý TTHQĐT đủ mạnh theo đúng nghĩa cần phát triển theo hướng đảm bảo sự hài hòa lợi ích của cả 3 đối tượng là người thuê đại lý - đại lý - hải quan.

Triển khai hoạt động quản lý rủi ro trong tất cả các khâu nghiệp vụ hải quan bao gồm trước, trong và sau thông quan. Xây dựng các văn bản hướng dẫn, tổ chức thực hiện công tác kiểm tra sau thông quan trong môi trường điện tử theo hướng tập trung kiểm tra những đối tượng đã được ưu tiên tại khâu trước và trong thông quan, áp dụng quản lý rủi ro trong kiểm tra sau thông quan.

(Khánh Huyền)

Nguồn eFinance: http://www.taichinhdientu.vn/home/kho-khan-trong-trien-khai-thu-tuc-hai-quan-dien-tu/20125/123047.dfis