Khó khăn trong thực hiện mục tiêu 90-90-90 về phòng, chống HIV/AIDS

Thực hiện mục tiêu 90-90-90 để kết thúc dịch AIDS tại Việt Nam là chủ đề của Tháng hành động quốc gia phòng, chống HIV/AIDS trong 3 năm liên tục từ 2014 đến nay. Hà Tĩnh đã có nhiều nỗ lực cho mục tiêu này nhưng vẫn còn gặp nhiều khó khăn.

Nhân ngày Thế giới phòng, chống HIV/AIDS (1/12)

Đảm bảo bệnh nhân HIV/AIDS được điều trị liên tục

Chương trình phối hợp của Liên hợp quốc về HIV/AIDS (UNAIDS) phát động toàn cầu hưởng ứng các mục tiêu 90-90-90 (90% người nhiễm HIV biết được tình trạng nhiễm HIV của mình, 90% người nhiễm HIV chẩn đoán nhiễm HIV được điều trị bằng thuốc kháng vi-rút và 90% người nhiễm HIV đã được điều trị bằng thuốc kháng vi-rút kiểm soát được số lượng vi-rút ở mức thấp để sống khỏe mạnh và làm giảm nguy cơ lây truyền HIV cho người khác) và hướng tới kết thúc dịch HIV/AIDS ở Việt Nam vào năm 2030.

Tất cả các bệnh nhân nhiễm HIV đến lấy thuốc đều được bác sỹ Trung tâm Phòng, chống HIV/AIDS tỉnh tư vấn mua thẻ BHYT.

Tại Hà Tĩnh, tính đến 31/10/2016, toàn tỉnh đã phát hiện 1.596 ca nhiễm HIV, trong đó có 615 ca chuyển sang giai đoạn AIDS và 335 ca tử vong do AIDS. Số ca nhiễm HIV mới hàng năm được ghi nhận với khoảng 90-100 trường hợp. Toàn tỉnh có 13/13 huyện, thành phố, thị xã và 188/262 xã, phường thị trấn có người nhiễm HIV/AIDS. Mô hình lây nhiễm HIV có sự chuyển đổi, đối tượng có xu hướng trẻ hóa, với hơn 85,3% tổng số người nhiễm mới nằm trong độ tuổi 20-39; lây nhiễm HIV qua tiêm chích ma túy có chiều hướng giảm rõ rệt nhưng qua đường tình dục không an toàn có xu hướng tăng.

Để phòng, chống HIV/AIDS, cùng với đẩy mạnh truyền thông can thiệp, thời gian qua, Trung tâm Phòng, chống HIV/AIDS tỉnh đã thực hiện tốt chương trình tư vấn, điều trị. Hiện trung tâm duy trì hoạt động hiệu quả 2 phòng khám ngoại trú ở Trung tâm Phòng, chống HIV/AIDS và Trung tâm Y tế dự phòng huyện Hương Sơn. Hiện đang điều trị ARV cho 263 bệnh nhân; điều trị dự phòng HIV cho 5 phụ nữ mang thai nhiễm HIV, hiện đã có 2 trẻ sinh ra được tư vấn điều trị dự phòng bằng thuốc ARV; điều trị dự phòng lao bằng thuốc Isoniazid cho 11 bệnh nhân; điều trị dự phòng phơi nhiễm nghề nghiệp cho 4 cán bộ có liên quan đến công tác phòng, chống HIV/AIDS.

Phó Giám đốc Trung tâm Phòng, chống HIV/AIDS tỉnh Nguyễn Anh Tuấn cho biết: “Lâu nay, bệnh nhân nhiễm HIV/AIDS đều được điều trị miễn phí. Tuy nhiên, theo thông báo của Cục Phòng, chống HIV/AIDS - Bộ Y tế, đến hết năm 2016, các nguồn tài trợ này đều bị cắt. Đa số bệnh nhân bị nhiễm HIV/AIDS đều có hoàn cảnh khó khăn và phải điều trị suốt đời. Vì vậy, để đảm bảo điều kiện cho bệnh nhân được điều trị liên tục, chúng tôi triển khai các giải pháp để thực hiện khám chữa bệnh BHYT cho bệnh nhân. Trung tâm thành lập phòng khám gồm 3 bác sỹ và 5 điều dưỡng, đã được Sở Y tế cấp giấy phép hoạt động. Mặt khác, trung tâm tăng cường tuyên truyền bệnh nhân tham gia BHYT. Nếu như trước đây, tỷ lệ bệnh nhân nhiễm HIV có BHYT chỉ chiếm từ 30-40% thì nay đã có 100%, trừ 14 bệnh nhân ở Trại giam Xuân Hà chưa có thẻ BHYT.

Nhiều khó khăn trong thực hiện mục tiêu 90-90-90

Cam kết hưởng ứng mục tiêu này, năm 2016, Việt Nam tiếp tục tập trung vào chủ đề “Hướng tới mục tiêu 90-90-90 để kết thúc dịch AIDS tại Việt Nam”. Tại Hà Tĩnh, để thực hiện mục tiêu này còn gặp rất nhiều khó khăn. Phó Giám đốc Trung tâm Phòng, chống HIV/AIDS tỉnh cho biết, đến thời điểm này, mục tiêu 90% người nhiễm HIV biết được tình trạng nhiễm HIV của mình chưa thể thực hiện được. Con số tích lũy và phát hiện mới hàng năm có thể chỉ là “tảng băng nổi”, còn “tảng băng chìm” trong cộng đồng vẫn chưa thể kiểm soát được. Việc xét nghiệm HIV chỉ được phép trên tinh thần tự nguyện, bình quân mỗi năm, trung tâm chỉ thực hiện được từ 3.000-3.500 xét nghiệm. Mặt khác, sự kỳ thị, phân biệt đối xử vẫn còn là rào cản trong thực hiện mục tiêu này. Và đương nhiên, khi mục tiêu 90 đầu tiên khó thực hiện thì chưa thể đánh giá hiệu quả của 2 mục tiêu tiếp theo.

Phó Giám đốc Sở Y tế Đường Công Lự cho biết: Hà Tĩnh đặt mục tiêu đến năm 2020 và tầm nhìn đến 2030 là: “Khống chế tỷ lệ nhiễm HIV trong cộng đồng dân cư dưới 0,12% vào năm 2020, giảm tác động của HIV/AIDS đối với sự phát triển KT-XH, an ninh trật tự và an toàn xã hội”.

Để đạt được mục tiêu đề ra, rất cần sự chung tay của cả hệ thống chính trị và cộng đồng. Cần tăng cường tuyên truyền nâng cao nhận thức của các tầng lớp nhân dân; giảm kỳ thị và phân biệt đối xử với người nhiễm HIV; tăng cường sự hỗ trợ của gia đình, xã hội; mở rộng độ bao phủ, nâng cao chất lượng, tính dễ tiếp cận của các dịch vụ dự phòng, chăm sóc và điều trị HIV/AIDS đến mọi người dân; huy động và đầu tư các nguồn lực từ địa phương, đơn vị cho công tác phòng, chống HIV/AIDS, nhất là trong những năm tới, khi nguồn lực hỗ trợ của các tổ chức quốc tế bị cắt giảm và ngân sách trung ương có nhiều khó khăn.

Về phía ngành Y tế, chủ trì, phối hợp với các đơn vị liên quan tăng cường giới thiệu, quảng bá rộng rãi về lợi ích của việc tiếp cận sớm các dịch vụ dự phòng, chăm sóc, điều trị HIV/AIDS; mở rộng độ bao phủ và nâng cao chất lượng các dịch vụ y tế, dịch vụ xã hội, chăm sóc sức khỏe, đặc biệt là dịch vụ cung cấp các phương tiện dự phòng lây nhiễm HIV và chương trình điều trị Methadone.

Thục Chi

Nguồn Hà Tĩnh: http://baohatinh.vn/xa-hoi/kho-khan-trong-thuc-hien-muc-tieu-90-90-90-ve-phong-chong-hiv-aids/125000.htm