Khó khăn trong phát triển giao thông ở Điện Biên

Thời gian qua, với nỗ lực của các cấp, ngành, tỉnh Điện Biên đã đạt được nhiều thành tựu trong phát triển kết cấu hạ tầng giao thông. Tuy nhiên, để thực hiện mục tiêu xây dựng hệ thống giao thông hoàn chỉnh, đáp ứng tốt nhu cầu đi lại của người dân cũng như phát triển kinh tế - xã hội và nhất là công tác bảo đảm quốc phòng an ninh thì Điện Biên còn gặp rất nhiều khó khăn, trong đó trở ngại lớn nhất chính là vấn đề vốn.

Xã Nà Nhạn (huyện Điện Biên), một huyện đặc biệt khó khăn của tỉnh Điện Biên với dân số phần đông là đồng bào dân tộc Thái và Mông, chủ yếu sống bằng nghề nương rẫy. Trong số 23 bản trên địa bàn, có đến chín bản chưa có điện và đường giao thông. Tại bản Nà Ngám 3, từ bao đời nay, phương tiện được người dân dùng để qua lại sông, suối chính là cây cầu đơn sơ được ghép từ tre, nứa. Anh Lường Văn Hiến, Trưởng bản Nà Ngám 3 chia sẻ: Cứ mưa lũ là cầu lại bị cuốn trôi, việc đi lại của người dân hoàn toàn bị chia cắt, nông sản không vận chuyển ra được, còn các cháu nhỏ phải nghỉ học dài ngày. Người dân chỉ mong muốn được Đảng, Nhà nước hỗ trợ xây cho cây cầu qua suối để đi lại thuận tiện hơn, nhất là vào mùa mưa lũ.

Không chỉ đường xã, đường thôn,… mà cả những tuyến quốc lộ qua địa bàn tỉnh Điện Biên cũng xuống cấp trầm trọng. Quốc lộ 279B đoạn xã Nà Tấu đi xã Mường Phăng (huyện Điện Biên) với tổng chiều dài 10,45 km vốn là tuyến đường huyết mạch dẫn vào khu di tích Điện Biên Phủ. Tuy nhiên, tuyến đường giờ đây đã bị xuống cấp, không còn đáp ứng được nhu cầu phát triển kinh tế - xã hội của địa phương, nhất là du lịch. Được biết, Chính phủ đã chấp thuận chủ trương đầu tư, cải tạo nâng cấp quốc lộ 279B và đồng ý bố trí vốn trong kế hoạch đầu tư trung hạn giai đoạn 2016-2020. Tuy nhiên, trên thực tế, việc cải tạo, nâng cấp diễn ra chậm do vốn rót nhỏ giọt. Tổng mức đầu tư công trình khoảng
430 tỷ đồng, nhưng lượng vốn bố trí năm 2016 và 2017 chỉ 17 tỷ đồng và 15 tỷ đồng. Thậm chí, kế hoạch bố trí vốn cho các năm sau có khả năng cao bị tạm hoãn. Mặc dù được khởi công từ cuối năm 2016, song công trình đến nay hầu như không tiến triển được là bao.

Phó Giám đốc Sở Giao thông vận tải (GTVT) tỉnh Điện Biên Trần Thanh Kiên cho biết: Toàn tỉnh hiện có 751,1 km quốc lộ với sáu tuyến chính, vươn đến tất cả các huyện đường biên và các tỉnh lân cận; bên cạnh đó là 607 km tỉnh lộ và hơn 8.200 km đường giao thông nông thôn. Trong khi các tuyến quốc lộ đã cơ bản được đầu tư, nâng cấp thì tỉnh lộ mới chỉ đầu tư thảm được 17 km, còn khoảng 200 km đường đá dăm và hơn 350 km đường cấp phối, đặc biệt còn đến 70 km đường đất. Do đó, giao thông trong tỉnh hiện nay đang gặp rất nhiều khó khăn, nhất là tuyến đường vào huyện Nậm Pồ, hầu như là đường độc đạo, có nhiều đoạn đường đất và các cung sụt, trượt nên đi lại rất khó khăn, mưa xuống là hoàn toàn tắc nghẽn.

Do đặc thù là tỉnh miền núi biên giới rộng, địa hình phức tạp, có nhiều bản, làng cách trung tâm đô thị đến hàng chục km nên phát triển giao thông ở Điện Biên đòi hỏi mức đầu tư rất lớn. Trong khi đó, Điện Biên lại là một tỉnh nghèo, khả năng tự lo vốn hạn chế, nguồn lực đầu tư cho phát triển hạ tầng giao thông của tỉnh chủ yếu phụ thuộc vào T.Ư. Những năm gần đây, nguồn lực này bị cắt giảm đáng kể, gây ảnh hưởng không nhỏ đến kế hoạch phát triển GTVT của địa phương. Đồng thời, nguồn kinh phí duy tu, bảo dưỡng hệ thống giao thông đường bộ rất hạn hẹp nên việc duy trì bảo đảm giao thông hết sức khó khăn. Thí dụ, dự án cải tạo, nâng cấp quốc lộ 12 đoạn huyện Mường Lay đi huyện Mường Chà có tổng mức đầu tư 493 tỷ đồng, nhưng hiện tại mới bố trí được hơn 200 tỷ đồng; riêng năm 2017 mới có 50 tỷ đồng trong khi vẫn nợ nhà thầu khoảng 20 tỷ đồng. Nguồn vốn bố trí tiếp theo cho dự án này trong các năm sau khả năng lớn sẽ bị gián đoạn, nguy cơ dừng, giãn tiến độ là rất cao.

Trong bối cảnh gặp nhiều khó khăn về nguồn vốn, ngoài việc tiếp tục kiến nghị và chờ đợi sự hỗ trợ từ T.Ư, tỉnh Điện Biên đang có kế hoạch từng bước triển khai xã hội hóa trong đầu tư, quản lý, khai thác sử dụng GTVT; phát huy nội lực, thu hút mọi thành phần kinh tế dưới nhiều hình thức tham gia đầu tư phát triển hạ tầng giao thông. Ông Trần Thanh Kiên cho biết: Khả năng triển khai hình thức BOT (xây dựng - kinh doanh - chuyển giao) tại Điện Biên hầu như không khả thi vì lưu lượng phương tiện quá thấp. Hình thức BT (đổi đất lấy hạ tầng) khả thi hơn, Điện Biên đang chủ trương kêu gọi các nhà đầu tư triển khai theo phương thức này để xây dựng một số tuyến giao thông trọng điểm như từ Thanh Minh đi đồi Độc Lập (TP Điện Biên Phủ),… Tỉnh cũng đang kêu gọi tư nhân đầu tư vào các dự án khả thi trong việc thu hồi vốn như xây dựng hai bến xe khách đã được quy hoạch là bến xe loại 1 gồm Thanh Minh và Thanh Trường. Một thực tế khác là hệ thống hạ tầng hàng không của tỉnh cũng chưa được đầu tư đồng bộ. Cảng hàng không Điện Biên mới chỉ đáp ứng việc tiếp nhận tàu bay ATR72 với tần suất hai chuyến/ngày. Sở GTVT Điện Biên đang tham mưu cho UBND tỉnh đề xuất Bộ GTVT xem xét, điều chỉnh lại quy hoạch của Cảng hàng không Điện Biên đến năm 2020, sẽ đón máy bay A320, A321 nhằm giúp giao thương cũng như điều kiện đi lại của người dân trong vùng được thuận lợi, góp phần phát triển kinh tế - xã hội, khai thác tốt tiềm năng, thế mạnh du lịch của địa phương và toàn vùng Tây Bắc.

Nguồn Nhân Dân: http://nhandan.com.vn/xahoi/item/33266502-kho-khan-trong-phat-trien-giao-thong-o-%c3%b0ien-bien.html