Khó khăn trong kiểm soát sản phẩm động vật

Thành phố Hà Nội hiện mới tự cung ứng được 69% nhu cầu sử dụng thịt gia súc, gia cầm (GSGC), số còn lại phải nhập từ các địa phương khác. Mặc dù các ngành chức năng tăng cường công tác kiểm tra, kiểm soát, nhưng do ý thức của người kinh doanh chưa cao, các cơ sở giết mổ GSGC nhỏ lẻ, manh mún, phân bố trên địa bàn rộng, nên tình trạng vi phạm an toàn thực phẩm (ATTP) vẫn diễn ra phức tạp.

Dây chuyền giết mổ gia cầm khép kín, hiện đại tại Công ty cổ phần Thương mại Lan Vinh (xã Yên Thường, huyện Gia Lâm).

Do lượng thịt GSGC nhập về thành phố tiêu thụ ở chợ cóc, chợ tạm khá lớn, nên việc kiểm soát nguồn gốc xuất xứ, chất lượng sản phẩm rất khó khăn, phức tạp. Ông Nguyễn Hữu Thảo, Trưởng phòng Kiểm dịch (Chi cục Thú y Hà Nội) cho biết, từ ngày 1-7-2016, Luật Thú y chính thức có hiệu lực, đồng nghĩa với việc loại bỏ kiểm dịch nội tỉnh, nhưng các cơ sở sản xuất, kinh doanh vẫn phải kiểm tra, kiểm soát, cấp giấy chứng nhận kiểm dịch. Cũng do bỏ kiểm dịch nội tỉnh đã gây khó khăn cho cơ quan chức năng trong công tác kiểm tra, kiểm soát tại các cơ sở giết mổ, sơ chế, bảo quản kinh doanh động vật, sản phẩm động vật. Trong khi đó, toàn thành phố có 1.074 cơ sở giết mổ, nhưng chỉ có 99 cơ sở giết mổ công nghiệp, bán công nghiệp, tập trung thủ công đủ điều kiện vệ sinh thú y, vệ sinh ATTP. Số còn lại là cơ sở giết mổ nhỏ lẻ, phân tán trong khu dân cư, gây khó khăn trong việc xác định nguồn gốc để thực hiện công tác kiểm dịch, kiểm soát giết mổ...

Ngoài ra, do số lượng lớn chợ đầu mối buôn bán, kinh doanh sản phẩm GSGC trên địa bàn thành phố chưa đáp ứng nhu cầu, nên người tiêu dùng chủ yếu mua bán thực phẩm ở chợ cóc, chợ tạm. Mặt khác, ý thức chấp hành các quy định của người sản xuất, kinh doanh chưa cao, thủ đoạn buôn bán gian lận ngày càng tinh vi khiến cho công tác quản lý khá nan giải. Động vật, sản phẩm động vật có vi phạm ATTP từ các tỉnh đưa về Hà Nội thường tránh né các trạm, chốt kiểm dịch. Trong 9 tháng, Chi cục Thú y đã phối hợp với đơn vị liên quan tiêu hủy gần 2.280kg thịt gia cầm, gần 2.400 con gia cầm lông, 660kg thịt trâu bò, gần 1.860kg thịt lợn... của 242 trường hợp vi phạm ATTP.

Qua tìm hiểu, phần lớn các cơ sở kinh doanh trên địa bàn do cấp xã kiểm tra cấp chứng nhận ATTP, nên việc kiểm soát sản phẩm động vật nhập về thành phố tiêu thụ tại các chợ khá phức tạp. Trạm trưởng Trạm Thú y huyện Thường Tín Dương Văn Tĩnh cho biết, trên địa bàn huyện có chợ gia cầm Hà Vỹ, trung bình mỗi ngày tiêu thụ từ 50 đến 60 tấn gia cầm nhập từ các tỉnh, thành phố, cộng với xã Lê Lợi có số lượng lớn các hộ kinh doanh giết mổ, nên công tác kiểm dịch động vật luôn khó khăn. Mặt khác, khu vực ngoài chợ, giáp ranh giữa xã Lê Lợi và Thắng Lợi vẫn còn hiện tượng thương lái mang gia cầm ra bán mà không có sự kiểm soát của các ngành chức năng…

Để từng bước đưa hoạt động buôn bán, tiêu thụ sản phẩm động vật trên địa bàn thành phố đi vào nền nếp, tới đây Chi cục Thú y Hà Nội sẽ tiếp tục đẩy mạnh công tác kiểm tra và xử lý nghiêm các cơ sở giết mổ GSGC vi phạm các quy định của pháp luật về kiểm dịch, kiểm soát giết mổ, kiểm tra vệ sinh thú y, ATTP. Đồng thời, Chi cục tăng cường công tác kiểm dịch, kiểm tra vệ sinh thú y tại các cơ sở chăn nuôi, các cơ sở sản xuất, ấp nở con giống gia cầm; kiểm tra vệ sinh thú y, ATTP tại các cơ sở bảo quản, sơ chế, cửa hàng kinh doanh, tiêu thụ sản phẩm động vật trên địa bàn quản lý; xử lý các trường hợp vi phạm theo quy định của pháp luật. Chi cục cũng tập trung xây dựng các chuyên đề phù hợp về ATTP trong sản xuất, lưu thông, giết mổ, sơ chế, chế biến động vật, sản phẩm động vật để định kỳ tuyên truyền trên truyền hình, báo chí, pano, tờ rơi… nhằm thay đổi thói quen tiêu dùng chuyển sang lựa chọn sản phẩm có nguồn gốc rõ ràng, có bao gói, tem nhãn; nâng cao chất lượng quản lý nhà nước về vệ sinh ATTP trong lĩnh vực chăn nuôi, thú y ở các trạm để kịp thời tham mưu cho chính quyền địa phương...

Ngọc Quỳnh

Nguồn Hà Nội Mới: http://hanoimoi.com.vn/Tin-tuc/Doi-song/852010/kho-khan-trong-kiem-soat-san-pham-dong-vat