Khó khăn trong điều tra các vụ án tham nhũng

(ANTĐ) - Theo thống kê của cơ quan chức năng, từ năm 2007 đến hết quý I-2010, cơ quan điều tra các cấp đã khởi tố 1.063 vụ án tham nhũng với 2.331 bị can. Tòa án nhân dân các cấp đã xét xử 1.070 vụ với 2.506 bị cáo phạm các tội tham nhũng.

Nhiều vụ án tham nhũng lớn, phức tạp, gây hậu quả đặc biệt nghiêm trọng đã được phát hiện, nhiều cán bộ có chức vụ quyền hạn cao bị khởi tố điều tra như: Nguyễn Ngọc Kim (nguyên Phó Chủ tịch thường trực UBND tỉnh Lào Cai); Vũ Đình Thuần (nguyên Phó chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ, Trưởng ban Đề án 112 Chính phủ); Trần Văn Khánh (nguyên Tổng Giám đốc Tổng công ty Vật tư nông nghiệp Việt Nam); Phạm Hoàng Be (nguyên Phó Chủ tịch UBND tỉnh Điện Biên); Nguyễn Bi (nguyên Chủ tịch Hội đồng quản trị kiêm Tổng Giám đốc công ty Cổ phần kỹ nghệ thực phẩm Việt Nam - Vifon); Trần Xuân Đính (nguyên Chủ tịch Hội đồng quản trị kiêm Tổng Giám đốc Tổng Công ty xây dựng Miền trung (Cosevco)... Việc điều tra, xử lý kiên quyết các vụ án này đã thể hiện sự kiên quyết đấu tranh chống tham nhũng của Đảng và Nhà nước ta, được nhân dân đồng tình, ủng hộ. Tuy nhiên, theo Cục Cảnh sát điều tra tội phạm về tham nhũng (C48 - Bộ Công an), hiện nay tình hình tội phạm tham nhũng được đánh giá vẫn ở mức độ nghiêm trọng, phức tạp. Số lượng các vụ án tham nhũng được phát hiện, khởi tố điều tra có xu hướng giảm. Số vụ án tham nhũng được phát hiện còn rất thấp, chưa tương xứng với tình hình thực tế, chủ yếu qua đơn thư tố giác của quần chúng và kết quả hoạt động của các cơ quan chức năng. Các cơ quan giám sát, các cơ quan quản lý cấp trên, các tập đoàn kinh tế, các doanh nghiệp Nhà nước không tự mình phát hiện được vụ tham nhũng nào chuyển cơ quan điều tra. Một vụ án tham nhũng được TAND TP.HCM xét xử được dư luận đặc biệt quan tâm Thực tiễn điều tra các vụ án tham nhũng cho thấy đây là vấn đề thời sự đặc biệt được dư luận quan tâm theo dõi nhưng tiến độ điều tra, giải quyết còn rất chậm; nhiều vụ hồ sơ bị trả đi trả lại nhiều lần để điều tra bổ sung, gây nghi ngờ, bức xúc trong nhân dân. Thực tế không có vụ án tham nhũng nghiêm trọng nào được kết luận điều tra trong một hạn, mà thường kéo dài đến 2 hoặc 3 hạn điều tra do nhiều nguyên nhân khác nhau. Việc điều tra các vụ án có yếu tố nước ngoài gặp nhiều khó khăn vì Việt Nam chưa ký hiệp định tương trợ tư pháp với nhiều quốc gia, do đó công tác điều tra chủ yếu dựa trên quan hệ có đi có lại giữa các cơ quan tư pháp các nước; việc ủy thác điều tra và tiếp nhận kết quả ủy thác điều tra phải thông qua Viện kiểm sát nhân dân tối cao, Bộ Ngoại giao, Đại sứ quán và phụ thuộc vào nước ngoài nên công tác điều tra bị kéo dài; các văn bản ủy thác tư pháp phải được dịch ra tiếng nước ngoài, và phải đảm bảo tính pháp lý nên phải làm hợp đồng với các công ty dịch thuật, do đó vừa mất thời gian và lại không đảm bảo bí mật; kiến thức về luật quốc tế, kinh nghiệm điều tra các vụ án có yếu tố nước ngoài của điều tra viên còn rất hạn chế. Các quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế luôn thay đổi, có những quy định chồng chéo, mâu thuẫn… dẫn đến việc thu thập tài liệu chứng cứ và định tội hết sức khó khăn. Hệ thống các quy định pháp luật hình sự về xử lý tội phạm tham nhũng còn thiếu và chưa đồng bộ, không thống nhất, nhất là các hướng dẫn của các cơ quan chức năng, từ đó dẫn đến cách hiểu và vận dụng khác nhau giữa các cơ quan tiến hành tố tụng, giữa các địa phương đối với một số vụ án phức tạp. Các vụ án tham nhũng được phát hiện nói chung thường chậm, sau khi tội phạm xảy ra đã nhiều năm gây khó khăn rất lớn cho việc thu thập tài liệu chứng cứ chứng minh tội phạm. Trong quá trình điều tra các vụ án tham nhũng, điều tra viên thường gặp phải sự chống đối của những đối tượng có chức, có quyền, có lợi ích liên quan đến vụ án. Đối tượng phạm tội tham nhũng thường am hiểu pháp luật, giỏi về quản lý kinh tế, quan hệ xã hội rộng, có nhiều kênh thông tin và giàu có. Cá biệt có người cũng có nhiều thành tích và cống hiến. Khi mua chuộc điều tra viên không được chúng tìm đủ mọi cách để vô hiệu hóa, bôi nhọ điều tra viên. Bản thân điều tra viên cũng chịu nhiều sức ép từ báo chí, từ dư luận xã hội, từ các mối quan hệ cá nhân… Tổ chức giám định tư pháp chưa đáp ứng được yêu cầu, thiếu các quy định cụ thể về trách nhiệm của cơ quan chuyên ngành trong công tác giám định. Sự phối hợp giữa các cơ quan tiến hành tố tụng trong một số vụ án cụ thể chưa chặt chẽ, thiếu nhất quán. Theo Đại tá, Tiến sỹ Trần Duy Thanh - Cục trưởng C48, trong thời gian tới để công tác điều tra, xử lý tội phạm tham nhũng đạt hiệu quả hơn, cần hoàn thiện hệ thống pháp lý về vấn đề này, đồng thời thực hiện tốt việc tương trợ tư pháp hình sự quốc tế. Công tác phối hợp giữa các cơ quan chức năng trong đấu tranh phòng chống tội phạm tham nhũng cần được hoàn chỉnh và nâng cao hiệu quả nhằm tạo nên sức mạnh thống nhất và hữu hiệu để đấu tranh với loại tội phạm này. Đội ngũ cán bộ chuyên trách để đấu tranh phòng chống tham nhũng từ trung ương đến địa phương cần được tiếp tục nâng cao về trình độ nghiệp vụ, pháp luật, ngoại ngữ và các kiến thức có liên quan nhằm đủ năng lực và khả năng đấu tranh đối với các hành vi phạm tội ngày càng tinh vi, xảo quyệt của các đối tượng.

Nguồn ANTĐ: http://www.anninhthudo.vn/tianyon/index.aspx?articleid=85562&channelid=80