Khó hoàn thành kế hoạch cung cấp nước sạch

TP HỒ CHÍ MINH ĐÃ NỖ LỰC XÂY DỰNG NHÀ MÁY NƯỚC SẠCH, LẮP ĐẶT THÊM NHIỀU ĐƯỜNG ỐNG, CẢI CÁCH THỦ TỤC HÀNH CHÍNH... ĐỂ ĐẠT MỤC TIÊU HẾT NĂM 2016 TẤT CẢ NGƯỜI DÂN ĐƯỢC DÙNG NƯỚC SẠCH. THẾ NHƯNG, ĐẾN THỜI ĐIỂM HIỆN TẠI, NHIỀU QUẬN, HUYỆN VẪN THIẾU NƯỚC SẠCH, CÓ NƠI NGƯỜI DÂN “CHÊ, KHÔNG XÀI NƯỚC SẠCH”.

Chạy đua với thời gian nhằm kịp “về đích” theo kế hoạch cung cấp nước sạch cho người dân, ngay từ đầu năm 2016, UBND thành phố Hồ Chí Minh đã giao UBND quận Bình Tân, quận 12, huyện Củ Chi, huyện Hóc Môn, huyện Bình Chánh, Tổng công ty Cấp nước Sài Gòn TNHH Một thành viên (Sawaco) và Công ty cổ phần hạ tầng nước Sài Gòn tập trung triển khai đồng bộ các giải pháp để đến trước ngày 30-11 phải hoàn thành cung cấp nước sạch cho người dân. Ngay sau đó, các quận, huyện ở “vùng trũng về nước sạch” và Sawaco đã chủ động phối hợp đẩy nhanh tiến độ xây dựng hệ thống cấp nước, nâng cấp các trạm cấp nước, lắp đặt hệ thống lọc nước hộ gia đình và xây dựng bồn nước tập trung để cung cấp đủ nước sạch cho người dân…

Đến thời điểm hiện tại, theo báo cáo của Sawaco, TP Hồ Chí Minh đã có thêm 115.622 hộ dân được cấp nước sạch, nâng tổng số hộ dân được cấp nước sạch lên 1.787.729 hộ, đạt tỷ lệ 94,05%. Một số quận, huyện như: Bình Tân, quận 12…, đã có 100% số hộ dân được cấp nước sạch.

Tuy nhiên, theo khảo sát nhanh của UBND các quận, huyện, tỷ lệ người dân chưa được sử dụng nước sạch vẫn còn khá cao. Huyện Bình Chánh mới đạt 52%; huyện Hóc Môn 54,9%; huyện Củ Chi 52,7%. Nhiều người dân ở Củ Chi, Hóc Môn, quận 12… dù có nước sạch vẫn “chê” không xài. “Nhà tôi vẫn đang dùng nước giếng khoan, không dùng nước máy vì nước máy có mầu vàng, để lâu đóng cặn dưới đáy”, một người dân ở ấp 3, xã Phước Vĩnh An, huyện Củ Chi cho hay.

Lý giải về tỷ lệ lớn các hộ dân thành phố chưa được tiếp cận nguồn nước sạch, Sawaco cho rằng có hàng nghìn hộ dân ở vùng ven không tìm ra được chủ nhà. Nhân viên đơn vị cấp nước đến nhiều lần nhưng không tiếp cận được vì chủ nhà đi vắng, mất liên lạc… Ngoài ra, có hàng nghìn hộ phát sinh so với thống kê ban đầu. Đơn cử, tại huyện Hóc Môn còn 9.700 hộ chưa được cung cấp nước sạch, số này nằm ngoài kế hoạch dự tính ban đầu của thành phố.

Riêng với huyện Bình Chánh, dù chưa có con số cụ thể, nhưng số lượng các hộ chưa được sử dụng nước sạch cũng phát sinh khá lớn. Tại khu vực xã Vĩnh Lộc B, chỉ một đoạn đường khoảng 4 km nhưng có khoảng 600 hộ chưa có nước sạch sử dụng. Theo giải thích của UBND xã Vĩnh Lộc B, do các khu vực này tăng dân số cơ học rất nhanh cho nên chưa kịp cập nhật số hộ dân. Sawaco đang tích cực phối hợp địa phương điều tra, rà soát, cập nhật lại số liệu để có kế hoạch bổ sung, cung cấp nước sạch cho người dân. Trong khi chờ phát triển mạng lưới cấp nước, Sawaco sẽ đặt một số bồn chứa rồi chở nước tới nhà dân.

Thời gian qua, thành phố đã đầu tư mạnh vào các nhà máy để nâng công suất cấp nước sạch nhằm đáp ứng nhu cầu người dân. Mới đây, TP Hồ Chí Minh đã chính thức đưa Nhà máy nước Tân Hiệp II vào hoạt động, nâng tổng công suất cấp nước toàn thành phố đạt 2,1 triệu m3/ngày đêm, bảo đảm cung cấp lượng nước sạch cho tất cả các hộ dân. Tuy nhiên, tỷ lệ thất thoát nước sạch trong những năm qua vẫn chưa được khắc phục hiệu quả.

Báo cáo của Sawaco cho thấy, giai đoạn 2011 - 2015, dù đã có nhiều cố gắng khắc phục, nhưng bình quân mỗi năm cũng chỉ giảm thất thoát được khoảng 2%. Sau khi thay mới nhiều đường ống cấp nước cộng với tăng cường quản lý, ứng dụng công nghệ thông tin…, năm 2015, Sawaco đã kéo giảm tỷ lệ thất thoát nước còn 31%; riêng sáu tháng đầu năm 2016, tỷ lệ thất thoát nước của Sawaco được kéo giảm xuống còn 28%.

Theo ông Bùi Thanh Giang, Phó Tổng Giám đốc Sawaco, với tổng công suất cấp nước tại TP Hồ Chí Minh hơn 2 triệu m3/ngày đêm và tỷ lệ thất thoát 28% nước sạch như hiện nay, mỗi ngày TP Hồ Chí Minh mất gần 600.000 m3 nước, trị giá ba tỷ đồng, tương đương 1.000 tỷ đồng/năm.

Các nguyên nhân dẫn đến tình trạng thất thoát nước là do đường ống cũ, ống mục chưa được thay thế, công tác quản lý lỏng lẻo dẫn đến tình trạng các tổ chức, cá nhân gian lận trong sử dụng nước. Bên cạnh đó, nhiều đơn vị đào đường gây vỡ đường ống rồi tự ý khắc phục không đúng kỹ thuật, dẫn đến rò rỉ.

Để giảm thất thoát nước, Sawaco đã thành lập một Ban Chỉ đạo thống nhất từ cấp tổng công ty đến các đơn vị. Trong đó, Sawaco giao chỉ tiêu từng đơn vị cấp nước có trách nhiệm kiểm tra, đôn đốc và đánh giá kết quả thực hiện định kỳ hằng quý, hằng tháng; triển khai mô hình nhân viên quản lý khu vực trong công tác quản lý, thực hiện giảm nước thất thoát.

Trước mắt, Sawaco cho lắp đặt, di dời đồng hồ nước ra ngoài nhằm giảm phiền hà cho khách hàng và ngăn ngừa gian lận, bước đầu đã có kết quả. Cụ thể, tại Công ty cấp nước Tân Hòa, sau khi di dời hơn 15.500 đồng hồ ra ngoài đã giảm được 5,5% lượng nước thất thoát… Đơn vị này cũng thành lập Trung tâm điều khiển phân phối và áp dụng các giải pháp kỹ thuật của ngành cấp nước để theo dõi, kiểm soát áp lực, lưu lượng và điều phối mạng lưới cấp nước, tìm rò rỉ chủ động. Chủ động cải tạo ống cũ và phát triển mạng lưới ống dẫn nước mới có chọn lọc; ứng dụng phần mềm quản lý van, họa đồ hoàn công; thiết bị đọc số cầm tay; số hóa họa đồ mạng lưới cấp nước; trang bị phần mềm tính toán mô phỏng thủy lực vào công tác thiết kế và quản lý, vận hành hệ thống cấp nước hướng đến tự động hóa, đồng thời lắp đặt biến tần cho các nhà máy nước để vận hành hiệu quả; sử dụng đồng hồ nước mới.

Từ đầu năm đến nay, thành phố đã phát triển được khoảng 1.282 km mạng lưới ống nước, lắp đặt 128 đồng hồ tổng tại các khu dân cư; nâng cấp và mở rộng 21 trạm cấp nước, lắp đặt thêm 433 bồn chứa nước và lắp 1.193 thiết bị lọc nước hộ gia đình.

Nguồn Nhân Dân: http://www.nhandan.com.vn/tphcm/tin-chung/item/31402502-kho-hoan-thanh-ke-hoach-cung-cap-nuoc-sach.html