Khó cho vay doanh nghiệp FDI

Thâm nhập để xây dựng mối quan hệ tín dụng với khối doanh nghiệp (DN) có vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) là mong muốn của cả NHTM nhà nước lẫn NHTMCP trong những năm gần đây. Tuy nhiên, trong mối quan hệ với DN FDI, NH dù đã tạo điều kiện tốt nhất nhưng vẫn chưa đạt được sự hài lòng vì yêu cầu quá cao, nếu buộc phải tăng độ dày vốn cho khối DN này sẽ khiến NH khó khăn hơn.

Vốn mỏng không dễ khắc phục

Tính đến hết ngày 15-9, kim ngạch xuất khẩu cả nước đạt hơn 120,16 tỷ USD, tăng 6,5%, tương ứng tăng gần 7,29 tỷ USD so với cùng kỳ năm 2015. Trong đó, kim ngạch xuất khẩu của DN FDI đạt hơn 84 tỷ USD, tăng 9,4% tương ứng tăng gần 7,19 tỷ USD so với cùng kỳ năm 2015 và chiếm đến 69,9% tổng kim ngạch xuất khẩu hàng hóa của cả nước. Luôn là đầu tàu xuất khẩu, nên khối DN FDI là nhóm khách hàng hấp dẫn đối với các NH trong nước. Và 2 năm trở lại đây mối quan hệ tín dụng giữa NH với DN FDI đã có sự cải thiện rõ rệt. Cụ thể, năm 2015, dư nợ cho vay khối DN FDI của VietinBank đã tăng 37,5% so với năm 2014, lượng khách hàng DN FDI có quan hệ tín dụng với Vietcombank cũng tăng thêm hơn 600 đơn vị. Năm 2016, VietinBank đã ký hợp đồng tín dụng tài trợ 7,6 triệu USD cho Nhà máy sản xuất thuốc tiêm của Công ty Medochemie Viễn Đông tại Bình Dương; Vietcombank tài trợ 540 tỷ đồng cho Tập đoàn TexHong (Hồng Công) xây dựng nhà máy sản xuất sợi tại Quảng Ninh và đầu tư dự án chuỗi dây chuyền công nghiệp dệt may tại TPHCM. Song nhìn vào tổng thể, dư nợ cho vay đối với DN FDI hiện nay ước đạt khoảng 100.000 tỷ đồng, vẫn khá thấp so với 5,6 triệu tỷ đồng tổng dư nợ tín dụng các NH cấp cho nền kinh tế tính đến cuối tháng 7.

Trong chỉ đạo về tình hình vay trả nợ nước ngoài tự vay, tự trả của DN năm 2015 hồi cuối tháng 8, Thủ tướng Chính phủ đã giao Bộ Kế hoạch - Đầu tư chủ trì, phối hợp với NHNN, Bộ Tài chính rà soát, báo cáo Chính phủ về thực trạng cơ cấu vốn của khối DN FDI để đánh giá mức độ rủi ro của việc phụ thuộc vào vay nước ngoài của khối DN FDI, cũng như định hướng và giải pháp khắc phục chiến lược vốn mỏng của các DN FDI. Song thực tế, việc tiếp cận, đặt mối quan hệ tín dụng, tăng cường vốn vay đối với DN FDI đang rất khó khăn. Bởi theo chính sách của các tập đoàn, dòng tín dụng đầu tư sản xuất chủ yếu được cung cấp từ các chi nhánh của NH nước ngoài đang hoạt động tại Việt Nam, nên chỉ quan hệ với NH nội địa trong các mảng dịch vụ như thẻ, chuyển tiền trong nước hoặc các hoạt động tài trợ thương mại nhỏ. Đồng thời, DN FDI khi đặt vấn đề vay vốn với NHTM trong nước lại chủ động đưa ra hạn mức vay cao với lãi suất vay rất thấp. Trong gói 20.000 tỷ đồng cho khối FDI vay vốn của VietinBank, lãi suất vay ngắn hạn đối với VNĐ chỉ 5%/năm và vay USD 2%/năm; lãi suất vay VNĐ trung và dài hạn chỉ từ 6,5%/năm. Với mức cho vay chỉ bằng lãi suất huy động, chỉ một số NHTM lớn đủ lực để đáp ứng yêu cầu này, NHTMCP tầm trung khó chen chân.

Thiệt thòi và rủi ro

Hiện nay, đa số khoản vay của NH đối với DN FDI chủ yếu là vay ngắn hạn, sau khi trả nợ sẽ vay lại. Một số NH cũng cho vay trung và dài hạn với lãi suất ưu đãi, nhưng tổng hạn mức gói tín dụng ưu đãi chung cũng chỉ 10.000-20.000 tỷ đồng đối với NHTM nhà nước, và vài trăm tỷ đồng đối với NHTMCP. Bên cạnh đó, một số NH nội chỉ đặt quan hệ tín dụng với công ty con của tập đoàn lớn hoặc DN có vốn đầu tư tối thiểu 10 triệu USD. Nguyên nhân vì đã có nhiều trường hợp nhà đầu tư nhỏ lẻ có vốn vài trăm triệu USD rất dễ chịu trong quá trình vay vốn, kể cả chấp nhận lãi suất cao hơn so với yêu cầu chung của khối FDI, nhưng sau một thời gian kinh doanh đã bỏ trốn trong khi chưa hoàn trả hết nợ. NH cho vay phải phát mãi tài sản, tìm kiếm nhà đầu tư mua lại để thu hồi nợ đọng, nhưng khoản thu hồi này khá thấp do ban đầu NH chủ yếu thẩm định giá trị tài sản trên hồ sơ khai báo của DN thay vì giá trị thực tế của tài sản.

Ảnh minh họa.

Về cơ bản, DN FDI được ưu đãi tiếp cận nguồn vốn, cuộc cạnh tranh giữa các TCTD trong nước cũng như các chi nhánh NH nước ngoài tại Việt Nam để thu hút đối tượng khách hàng này chắc chắn sẽ ngày càng sôi động hơn. Nhưng trong điều kiện bình thường, NH đã lép vế trong quan hệ tín dụng với DN FDI, nếu muốn tăng cường vốn để khắc phục tình trạng mỏng vốn của các DN này, NH sẽ thêm phần thiệt thòi. Muốn cho vay khối FDI một cách bài bản, mỗi NH cần phải phát triển bộ phận kinh doanh FDI, tìm hiểu văn hóa phong tục của các quốc gia để thuận lợi trong quá trình làm việc, thiết kế các giải pháp tài chính linh hoạt với mức phí thấp, hỗ trợ lãi suất… nên chi phí khá lớn.

Hiện nay, hầu hết NH cũng chỉ tiếp cận phân khúc dịch vụ và xem xét cho vay tùy theo khả năng và độ rủi ro của đối tác, chưa vội đẩy mạnh hợp tác tín dụng. Theo một số chuyên gia, DN FDI đầu tư vào Việt Nam nhưng thay vì đem vốn vào lại vay vốn trong nước để phục vụ sản xuất kinh doanh, như vậy không đúng nghĩa với nguồn vốn đầu tư từ nước ngoài. Do đó, nên để mối quan hệ giữa NH và DN FDI tiến triển một cách tự nhiên theo nguyên tắc thị trường, thay vì yêu cầu tăng độ dày vốn để các NH chủ động hơn khi giao dịch với khối FDI.

Yên Lam

Nguồn SGĐT: http://www.saigondautu.com.vn/pages/20161001/kho-cho-vay-doanh-nghiep-fdi.aspx