Khó chấp nhận lãi suất cho vay tiêu dùng cắt cổ

Lãi suất cho vay của các công ty tài chính hiện gấp 2-3 lần lãi suất cho vay của các ngân hàng. Nhiều công ty tài chính có lãi suất cho vay quá cao, ở mức 70%-80%-100%/năm.

Ảnh minh họa

Khó xử lãi suất quá cao

Dự thảo 2 Thông tư quy định cho vay tiêu dùng của công ty tài chính của Ngân hàng Nhà nước đang được lấy ý kiến nhằm đưa hoạt động cho vay tiêu dùng của các công ty tài chính đi vào quy củ hơn.

Tại tọa đàm “Dự thảo cho vay tiêu dùng: Cơ hội hay thách thức?”, ông Nguyễn Hoàng Minh, Phó giám đốc Ngân hàng Nhà nước chi nhánh TP.HCM, cho biết từ tháng 6/2000, Ngân hàng Nhà nước đã cho phép các tổ chức tín dụng được thực hiện thỏa thuận lãi suất cho vay (tùy theo cung cầu vốn thị trường; tùy theo mức độ tín nhiệm của người cho vay với người đi vay).

Tuy nhiên, câu chuyện lãi suất cho vay tiêu dùng quá cao khiến Ngân hàng Nhà nước rất khó xử khi tiếp xúc doanh nghiệp, cử tri, người tiêu dùng... dù biết là các công ty tài chính vẫn tuân thủ đúng quy định của pháp luật và quy định của Ngân hàng Nhà nước.

Theo thống kê của Ngân hàng Nhà nước, lãi suất mà các công ty tài chính đi vay các ngân hàng thương mại chưa tính phí quản lý, thẩm định… đã là 11-12%/năm. Lãi suất cho vay của các công ty tài chính hiện gấp 2-3 lần lãi suất cho vay của các ngân hàng. Nhiều công ty tài chính có lãi suất cho vay quá cao, ở mức 70%-80%-100%/năm khiến xã hội khó chấp nhận.

Hiện nay, chỉ có công ty tài chính và ngân hàng là có các sản phẩm cho vay tiêu dùng phù hợp. Tuy nhiên, phân khúc khách hàng của công ty tài chính khác khách hàng của các ngân hàng. Khách hàng của công ty tài chính có thu nhập trung bình/thấp, không có tài sản đảm bảo nợ vay, hiểu biết về tài chính rất ít, món vay nhỏ, thời gian vay ngắn, là đối tượng khó tiếp cận ngân hàng nên có độ rủi ro cho vay cao.

Tại TP.HCM giai đoạn năm 2012-2016 cho vay tiêu dùng tăng trưởng 20%/năm, trong khi năm 2012-2013 tổng dư nợ nền kinh tế chỉ tăng 8-9%.

Tính đến tháng 10/2016, dư nợ cho vay tiêu dùng chiếm 14,7% tổng dư nợ, tăng gấp đôi so với 2014. Dư nợ cho vay tiêu dùng tại TP.HCM hiện đã là 201.000 tỷ đồng, xu hướng này còn tiếp tục tăng nhanh thời gian tới.

Tính đến cuối tháng 9/2016 tại TP.HCM, cho vay tiêu dùng có nợ xấu 2,58%/tổng dư nợ cho vay tiêu dùng, nếu xét trên tổng dư nợ toàn thành phố thì chỉ chiếm 0,37%.

Theo TS. Bùi Quang Tín, Khoa Quản trị kinh doanh, Đại học Ngân hàng TP.HCM, chi phí vốn của các công ty tài chính khác xa chi phí vốn của các ngân hàng thương mại.

Vốn đầu vào của các công ty tài chính được vay từ ngân hàng thương mại, công ty mẹ, trong khi vốn cho vay ra đối với các đối tượng khách hàng có độ rủi ro cao, không có thu nhập ổn định, hiểu biết sử dụng vốn thấp, đa số khoản vay nhỏ lẻ thường dưới 100 triệu đồng, để bù đắp rủi ro và mức lãi suất đầu vào lớn thì lãi suất cho vay ra của các công ty tài chính cho vay phải cao hơn lãi suất cho vay tiêu dùng tại các ngân hàng.

Lãi suất cho vay thông thường ở các nước Châu Âu chỉ khoảng 4-7%/năm. Chẳng hạn, ở Đức lãi suất ngân hàng là 3-4%/năm thì lãi suất cho vay tiêu dùng là 9-12%/năm, ở Mỹ lãi suất cho vay của ngân hàng là 4-7%/năm thì lãi suất cho vay tiêu dùng là 25-42%/năm…

Cần công bố lãi suất theo năm

Vấn đề công bố lãi suất cho vay tiêu dùng theo tháng hay theo năm cũng được bàn thảo tại tọa đàm. Vì nếu công bố lãi suất theo tháng thì con số sẽ thấp hơn nhiều, công bố lãi suất theo năm thì người vay sẽ so sánh được với lãi suất cho vay giữa công ty tài chính và ngân hàng. Đây là điều mà người đi vay tiêu dùng ít hiểu biết về tài chính hay nhầm lẫn.

Ông Nguyễn Hoàng Minh, cho biết xuất phát từ yêu cầu quản lý cần có cơ sở pháp lý cao hơn để định hướng hoạt động cho vay tiêu dùng, bảo vệ người đi vay, quy định trong Dự thảo Thông tư lần 2: “lãi suất cho vay được tính theo tỷ lệ %/năm…” giúp người đi vay có thể so sánh được với lãi suất ngân hàng hiện nay, hạn chế được việc các công ty tài chính cho vay với lãi suất quá cao.

Cho rằng việc so sánh lãi suất cho vay tiêu dùng của công ty tài chính với ngân hàng cũng chỉ là một cơ sở tham chiếu, chưa chắc phản ánh đúng. Bà Vương Tủy Tiên, thành viên Hội đồng thành viên, công ty tài chính Home Credit Việt Nam, cho rằng với khoản vay chỉ 5-10 triệu đồng trong 6 tháng đem so sánh với lãi suất của khoản vay dài hạn tại ngân hàng thì không hợp lý. Dù sao đó cũng là cơ sở để người vay suy nghĩ kỹ hơn trước khi ký hợp đồng.

Còn quy định hạn mức cho vay tiêu dùng tối đa chỉ 10 triệu đồng như tại Dự thảo Thông tư lần 2 là chưa phù hợp. Số hợp đồng vay tiền mặt 10-30 triệu đồng của Home Credit chiếm 71% tổng số hợp đồng đang có hiệu lực trong 10 tháng đầu năm 2016. Số hợp đồng vay tiền mặt dưới 10 triệu đồng chỉ chiếm 10% tổng số hợp đồng.

Còn theo ý kiến của bà Phạm Hải Vân, Giám đốc Trung tâm Pháp chế và tuân thủ, công ty tài chính FE Credit, người vay tiền của FE Credit ít quan tâm đến lãi suất theo năm hay theo tháng, họ chỉ quan tâm đến số tiền phải trả hàng tháng và trả trong bao lâu. Hiện nay, ngày càng có nhiều công ty tài chính tham gia cho vay tiêu dùng sẽ khiến cho lãi suất sẽ không còn là vấn đề bức xúc nữa.

Tuy nhiên, TS. Bùi Quang Tín cho rằng Dự thảo Thông tư lần 2 yêu cầu công ty tài chính phải công bố lãi suất cho vay tối thiểu và tối đa để quản lý chặt hơn. Cần quy định cho vay bằng tiền mặt chỉ 10 triệu đồng, khoản lớn hơn phải chuyển khoản cho người thụ hưởng để hạn chế dần thanh toán bằng tiền mặt.

Đồng USD tiếp tục quay đầu tăng nhờ triển vọng tăng lãi suất

Tỷ giá cuối năm: Sóng nhỏ khó bắt

“Hiệu ứng Trump” khiến doanh nghiệp châu Á ngại đi vay

LAN ANH

Nguồn BizLIVE: http://bizlive.vn/ngan-hang/kho-chap-nhan-lai-suat-cho-vay-tieu-dung-cat-co-2222063.html