Kho bạc Nhà nước gửi tiền tại nhà băng làm khó chính sách tiền tệ

Việc Kho bạc Nhà nước dùng tiền thu được từ nguồn phát hành trái phiếu chính phủ để gửi tại các nhà băng đang làm cho công cụ của chính sách tiền tệ bị “vô hiệu” đối với một bộ phận vốn trong nền kinh tế.

Kho bạc Nhà nước gửi tiền tại nhà băng làm khó việc điều hành chính sách tiền tệ

Đây là vấn đề không mới tại Việt Nam. Nguồn vốn của Kho bạc Nhà nước (KBNN) là nguồn vốn lớn, lại thường được gửi không kỳ hạn hoặc kỳ hạn ngắn dưới 3 tháng nên lãi suất thấp, vì thế đương nhiên các ngân hàng thương mại rất chào đón nguồn vốn này.

Tuy nhiên, khi gửi vào các ngân hàng thương mại để hưởng lãi suất nguồn vốn này sẽ tác động tiêu cực, gây khó khăn cho công tác điều hành chính sách tiền tệ của Ngân hàng Nhà nước (NHNN), cụ thể đối với việc kiểm soát tổng phương tiện thanh toán và lãi suất ngắn hạn.

Giải pháp cho vấn đề này là chuyển tiền gửi của KBNN về NHNN. Câu chuyện này đã được đem ra bàn từ lâu, song Nghị định 24/2016/NĐ-CP ngày 5/4/2016 của Chính phủ Quy định chế độ quản lý ngân quỹ Nhà nước và Thông tư 314/2016/TT-BTC hướng dẫn thi hành Nghị định 24 lại quy định về việc sử dụng ngân quỹ nhà nước tạm thời nhàn rỗi bằng cách gửi tiền tại ngân hàng thương mại và mua lại có kỳ hạn trái phiếu chính phủ, với kỳ hạn không quá 3 tháng cho cả hai hình thức này.

Trong thực tiễn Việt Nam, trái phiếu chính phủ là công cụ được các ngân hàng thương mại quan tâm đầu tư, chiếm tỷ trọng không nhỏ trong tổng tài sản có của nhiều ngân hàng. Mục tiêu của Chính phủ khi phát hành trái phiếu chính phủ là để bù đắp bội chi ngân sách, thu hút nguồn tiền nhàn rỗi trong nền kinh tế thông qua các ngân hàng thương mại là trung gian, cho chính phủ vay.

Khi KBNN gửi tiền thu được từ bán trái phiếu chính phủ vào ngân hàng thương mại, khoản tiền này lại trở thành nguồn vốn kinh doanh của các ngân hàng. Ngân hàng thương mại có thể lấy chính số tiền đó đầu tư tiếp vào trái phiếu chính phủ. Đồng thời, khi trái phiếu chính phủ thuộc sở của ngân hàng sẽ trở thành tài sản mà ngân hàng có thể cầm cố vay vốn hoặc chiết khấu tại NHNN để lấy vốn cho vay và kinh doanh.

Đây là cơ chế tạo tiền nằm ngoài ý chí điều hành của NHNN. Hậu quả là công cụ của chính sách tiền tệ bị “vô hiệu” đối với một bộ phận vốn trong nền kinh tế. Việc tổng phương tiện thanh toán ngắn hạn biến động mạnh tác động trực tiếp tới lãi suất ngắn hạn, qua đó ảnh hưởng đến các thị trường tài sản khác.

Diễn biến lãi suất thị trường liên ngân hàng

Cụ thể, tính từ đầu tháng 5 (thời điểm KBNN bắt đầu gia tăng mạnh lượng tiền gửi tại các ngân hàng thương mại) cho đến nay, lãi suất trên thị trường tiền tệ sụt giảm mạnh. Cụ thể, lãi suất cho vay qua đêm giảm từ 4,5%/năm xuống còn 0,7%; kỳ hạn 1 tuần, 2 tuần và 1 tháng giảm từ mức 4,7% - 4,8%/năm xuống còn tương ứng 0,8%, 1,18% và 2%/năm.

Lợi suất trái phiếu chính phủ trên thị trường thứ cấp

Lợi suất trái phiếu chính phủ trên cả thị trường sơ cấp và thứ cấp cũng đều sụt giảm mạnh trên tất cả các kỳ hạn, mặc dù nhà đầu tư nước ngoài đã giảm cường độ mua ròng theo tuần so với giai đoạn trước đó.

Lợi suất trái phiếu chính phủ trên thị trường thứ cấp

Lẽ ra, việc giảm được lãi suất là việc rất tốt vì giảm chi phí vốn cho nền kinh tế. Tuy nhiên, khi lãi suất thị trường giảm cùng với việc cung tiền tăng mạnh trong ngắn hạn lại tiềm ẩn những rủi ro về lạm phát, tỷ giá và bong bóng tài sản. Tăng trưởng tín dụng tiền đồng trong tháng 7 diễn ra rất chậm, thể hiện sức hấp thụ vốn của nền kinh tế bị hạn chế. Đồng thời, do cung tiền tăng có tính chất ngắn hạn do lượng tiền gửi của KBNN có thể bị rút ra để chi tiêu trong vòng vài tháng tới nên các ngân hàng thương mại không thể dựa vào nguồn vốn này để giảm lãi suất cho vay trung và dài hạn.

Ngược lại, trái với mong muốn của các nhà điều hành chính sách tiền tệ, dòng vốn nhàn rỗi ngắn hạn này rất có thể chảy vào các tài sản mang tính đầu cơ cao, trong đó có ngoại tệ. Điều này có thể khiến NHNN lo ngại, buộc phải thực hiện các giải pháp hút tiền về.

Trong tuần từ 17-21/7/2017, lần đầu tiên sau 4 tháng, NHNN đã phát hành trở lại tín phiếu với tổng giá trị lên tới 37.000 tỷ đồng và đã được thị trường hấp thụ hết.

Lần này, kỳ hạn 7 ngày được ưu tiên áp dụng do tính chất ngắn hạn của nguồn vốn và cơ chế đấu thầu lãi suất, khác với cơ chế cố định lãi suất trước đây. Do thanh khoản hệ thống dư thừa quá nhiều, lãi suất tín phiếu giảm nhanh sau mỗi phiên phát hành từ mức 1,3%/năm trong ngày đầu tuần xuống chỉ còn 0,5% vào ngày kết tuần. Mức 0,5% cũng thấp hơn nhiều lãi suất cùng kỳ 2016 là 1,5% - 1,75%.

Ngân hàng Nhà nước bơm/hút (+/-) ròng trên thị trường mở

Về lợi ích và chi phí, trong khi KBNN được hưởng lãi tiền gửi từ các ngân hàng thương mại thì việc hút tiền về để trung hòa tiền tệ cũng sẽ khiến NHNN mất một khoản chi phí trả lãi cho các tín phiếu này. Đồng thời, trong khi KBNN sẽ tiếp tục phát hành được trái phiếu chính phủ với lãi suất thấp thì có thể sắp tới NHNN phải mua lại ngoại tệ từ các ngân hàng thương mại với mức giá bất lợi hơn.

Theo Nhadautu

Nguồn PNNews: http://phununews.vn/thi-truong/kho-bac-nha-nuoc-gui-tien-tai-nha-bang-lam-kho-chinh-sach-tien-te-206477/