Kho bạc Nhà nước: Giải ngân vốn đầu tư xây dựng cơ bản đạt tỷ lệ cao

Theo báo cáo tình hình thực hiện giải ngân vốn đầu tư xây dựng cơ bản (XDCB) 13 tháng năm 2016, của Kho bạc Nhà nước (KBNN), lũy kế vốn đầu tư giải ngân qua hệ thống KBNN đến ngày 31/1/2017 (13 tháng) đạt 91,9% so với kế hoạch vốn năm 2016 - tỷ lệ giải ngân cao nhất từ trước tới nay.

Lũy kế vốn đầu tư giải ngân qua hệ thống KBNN đến ngày 31/1/2017 (13 tháng) đạt 91,9% so với kế hoạch vốn năm 2016. Ảnh Thùy Linh.

Lũy kế vốn đầu tư giải ngân đạt gần 93%

Theo báo cáo, lũy kế vốn đầu tư giải ngân qua hệ thống KBNN đến ngày 31/1/2017 là 311.571 tỷ đồng. Số vốn giải ngân này cao hơn về số tuyệt đối nhưng thấp hơn về tỷ lệ so với cùng kỳ năm 2015 (lũy kế vốn đầu tư giải ngân đến ngày 31/1/2016 là 292.746,3 tỷ đồng, đạt 92,8% kế hoạch vốn năm 2015).

Trong đó, giải ngân các nguồn vốn Thủ tướng Chính phủ giao là 263.213,6 tỷ đồng, đạt 92,6% kế hoạch; nguồn vốn khác là 48.358,1 tỷ đồng, đạt 88% kế hoạch. Trong số vốn giải ngân của các nguồn vốn được Thủ tướng Chính phủ giao thì giải ngân vốn đầu tư XDCB là 227.986 tỷ đồng (đạt 98,7% kế hoạch), giải ngân vốn trái phiếu Chính phủ là 29.347 tỷ đồng.

Cũng tính đến ngày 31/1/2017, thông qua kiểm soát thanh toán vốn đầu tư, hệ thống KBNN đã từ chối 165,9 tỷ đồng. Số tiền từ chối này là do một số chủ đầu tư đề nghị hồ sơ thanh toán chưa đúng quy định của Nhà nước.

Về số dư tạm ứng vốn đầu tư tại hệ thống KBNN, trong 13 tháng năm 2016, tổng số dư tạm ứng vốn đầu tư (theo chế độ) tại hệ thống KBNN là 58.796,8 tỷ đồng. Trong đó số dư tạm ứng vốn đền bù giải phóng mặt bằng là 13.632 tỷ đồng; số dư tạm ứng thuộc kế hoạch vốn năm 2016 là 43.770 tỷ đồng chiếm 14% tổng số vốn đã thanh toán thuộc kế hoạch vốn năm 2016 từ đầu năm tới nay.

Theo đánh giá của KBNN, tính đến thời điểm báo cáo (31/1/2017) vốn đầu tư XDCB giải ngân đạt 91,9% so với kế hoạch vốn năm 2016 nhà nước giao. Số giải ngân cao này hơn về số tuyệt đối nhưng thấp hơn về tỷ lệ so với cùng kỳ những năm gần đây. Qua theo dõi tình hình giải ngân vốn đầu tư từ nguồn vốn ngân sách nhà nước, đối với các dự án do Trung ương quản lý cho thấy, đến thời điểm báo cáo có 4 đơn vị số vốn giải ngân đạt 100% kế hoạch vốn năm 2016 như: Hội Cựu chiến binh Việt Nam, Thông tấn xã Việt Nam, Hội chữ thập đỏ, Hội đồng liên minh các hợp tác xã Việt Nam.

Riêng nguồn vốn ODA, tổng vốn xác nhận đến thời điểm báo cáo là 36.099 tỷ đồng, đạt 77,6% kế hoạch vốn Chính phủ giao. Đây là số vốn KBNN kiểm soát, xác nhận đủ điều kiện để chủ dự án làm thủ tục rút vốn ngoài nước. Một số địa phương có vốn ODA đã kiểm soát, xác nhận tại KBNN đạt tỷ lệ khá cao như: Đồng Tháp đạt 100% kế hoạch; Kiên Giang đạt 100% kế hoạch; Sóc Trăng đạt 98% kế hoạch; Hà Tĩnh đạt 98%;Cần Thơ đạt 97% kế hoạch...

Rút ngắn thời gian kiểm soát chi

Theo đánh giá của KBNN, năm 2016 là năm quan trọng trong tiến trình đổi mới và phát triển của đất nước, đây là năm đầu thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm 2016 – 2020. Tuy nhiên, đối với quản lý vốn đầu tư công nói chung vẫn còn không ít những khó khăn, thách thức trong quá trình thực hiện dẫn đến tỷ lệ giải ngân vốn đầu tư từ ngân sách nhà nước so với kế hoạch nhà nước giao đạt thấp trong những tháng đầu năm, đặc biệt 6 tháng đầu năm 2016, giải ngân vốn đầu tư từ ngân sách nhà nước qua KBNN mới đạt 29,4% kế hoạch vốn năm 2016 nhà nước giao.

Trước tình hình đó, KBNN đã chủ động, tham mưu với Bộ Tài chính và quyết liệt triển khai đồng bộ nhiều giải pháp tích cực nhằm tăng cường công tác kiểm soát chi ngân sách nhà nước thực hiện tiết kiệm triệt để các khoản chi không cần thiết, chi hội họp, chi đoàn ra. Đồng thời phối hợp chặt chẽ với các chủ đầu tư để kịp thời tháo gỡ vướng mắc, khó khăn cho các đơn vị, trong mọi thời điểm, mọi miền đất nước, hệ thống KBNN luôn đảm bảo đáp ứng kịp thời nhu cầu chi tiêu của các đơn vị sử dụng ngân sách và chủ đầu tư, song vẫn đảm bảo quản lý chặt chẽ các khoản chi ngân sách nhà nước.

Ngay từ đầu năm, KBNN đã quyết liệt triển khai các đề án chính sách, thúc đẩy cải cách thủ tục hành chính, hiện đại hóa công tác kiểm soát chi ngân sách nhà nước qua hệ thống KBNN, theo hướng thống nhất quy trình và tập trung đầu mối, gắn với việc phân định rõ trách nhiệm, quyền hạn của cơ quan tài chính, cơ quan chủ quản, KBNN và các đơn vị sử dụng kinh phí NSNN đồng thời bảo đảm đơn giản, rõ ràng, minh bạch về hồ sơ, chứng từ, nội dung kiểm soát, tiến tới thực hiện quy trình kiểm soát chi điện tử.

Bên cạnh đó, hệ thống KBNN cũng đã tổ chức triển khai nhiều giải pháp hiệu quả nhằm thúc đẩy giải ngân vốn đầu tư công, như: chủ động rà soát, nắm vững tình hình giải ngân vốn đầu tư kế hoạch năm 2016 của từng dự án; phối hợp với các đơn vị liên quan tìm hiểu nguyên nhân vướng mắc, nhất là những dự án chưa giải ngân, dự án có tỷ lệ giải ngân thấp để có biện pháp xử lý kịp thời; công khai tại trụ sở và thông báo số liệu giải ngân vốn đầu tư XDCB kế hoạch năm 2016 đến các chủ đầu tư, Ban quản lý dự án trên địa bàn. KBNN và KBNN các tỉnh, thành phố đã tổ chức các hội nghị tọa đàm với chủ đầu tư để trao đổi, tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, đẩy nhanh tiến độ giải ngân; đồng thời kịp thời tổng hợp báo cáo các cấp có thẩm quyền xem xét, chỉ đạo xử lý; phối hợp với chủ đầu tư đối chiếu, xác nhận số liệu giải ngân vốn đầu tư đối với từng dự án tính đảm bảo chính xác, kịp thời để phục vụ việc chỉ đạo điều hành, điều chỉnh kế hoạch vốn đầu tư năm 2016.

Đặc biệt, quy trình cũng quy định thời gian kiểm soát chi của KBNN chỉ còn 3 ngày làm việc, giảm 1 ngày so với quy định tại Nghị quyết số 60/NQ-CP ngày 8/7/2016 của Chính phủ và giảm 4 ngày so với quy định tại Nghị định số 37/2015/NĐ-CP ngày 22/4/2015 của Chính phủ Quy định chi tiết về hợp đồng xây dựng và Thông tư số 08/2016/TT-BTC ngày 18/1/2016 quy định về quản lý, thanh toán vốn đầu tư sử dụng nguồn vốn ngân sách nhà nước.

Thùy Linh

Nguồn Hải Quan: http://www.baohaiquan.vn/pages/kho-bac-nha-nuoc-giai-ngan-von-dau-tu-xay-dung-co-ban-dat-ty-le-cao.aspx