Khiếu nại, tố cáo gia tăng

SGTT.VN - Sáng 27.9 tại Hà Nội đã khai mạc phiên họp thứ 35 của Ủy ban thường vụ Quốc hội (UBTVQH). Tại phiên họp này, UBTVQT đã nghe báo cáo về công tác dân nguyện và việc giải quyết khiếu nại, tố cáo của công dân năm 2010. Đáng chú ý, tình hình khiếu nại, tố cáo tiếp tục tăng so với năm 2009.

Cụ thể, Tổng thanh tra Chính phủ Trần Văn Truyền cho biết, năm 2010, cả nước phát sinh 112.063 vụ việc khiếu nại, tố cáo, so với năm 2009 tăng 17% về số vụ việc, tăng 23,7% về số lượt công dân tham gia và tăng 29,8% về số lượng đơn, thư. Còn theo ông Trần Thế Vượng, trưởng ban Dân nguyện UBTVQH, qua công tác tiếp công dân nhận thấy, số lượt công dân đến khiếu nại, tố cáo, kiến nghị tăng so với năm 2009 là 8.116 lượt người, 1.234 vụ việc (66,7%), 57 đoàn đông người (53,27%). Đánh giá về tình hình, công tác giải quyết khiếu nại, tố cáo năm 2010, chủ nhiệm ủy ban Pháp luật của Quốc hội Nguyễn Văn Thuận nhận xét: tình hình khiếu nại, tố cáo vẫn không giảm và diễn biến phức tạp, phát sinh trên nhiều lĩnh vực, ở hầu hết các địa phương. Nhiều trường hợp khiếu nại kéo dài, vượt cấp, gay gắt, bức xúc là vấn đề rất đáng suy nghĩ để tìm ra câu trả lời đích thực. “Nhiều ý kiến cho rằng, điều này phản ánh tình trạng kém hiệu quả của hoạt động quản lý nhà nước, về năng lực, trình độ cũng như phẩm chất đạo đức của đội ngũ cán bộ, công chức. Bên cạnh đó, còn có tình trạng lợi ích của người dân không được xem xét cẩn trọng khi giải quyết hòa hòa các lợi ích: Nhà nước – công dân – doanh nghiệp”, ông Thuận nói. Ủy ban Pháp luật cũng đề cập đến hạn chế đáng chú ý trong báo cáo của Chính phủ về công tác giải quyết khiếu nại, tố cáo. Đó đó là: chưa phân tích, đánh giá đầy đủ, nhất là về thực trạng đơn thư phát sinh trong năm 2010, cũng như đơn thư tồn đọng kéo dài từ những năm trước. Nhiều kiến nghị về giải pháp, cũng như nguyên nhân của tình hình đã được nêu ra từ nhiều năm trước nhưng chưa có đánh giá kết quả thực hiện như thế nào. Đó là chưa kết, các số liệu trong hai báo cáo rất khác nhau, có những nhận định trái ngược gần như hoàn toàn (Báo cáo số 110/BC-CP ngày 8.9.2010 tại phiên họp thẩm tra và báo cáo trình với UBTVQH). Chẳng hạn, trong báo cáo số 110 – cách nay 14 ngày, thể hiện số vụ việc khiếu nại, tố cáo giảm 10%, số đơn thư khiếu nại giảm tới 36%, song trong báo cáo trình UBTVQH, hai số liệu này lại tăng, lần lượt là 17% và 29,9%. Số liệu về lượt công dân đến khiếu nại, tố cáo cũng chênh lệch đáng kể giữa hai báo cáo nói trên. Chủ nhiệm văn phòng Quốc hội Trần Đình Đàn chung quan điểm khi cho rằng tình hình khiếu nại, tố cáo vẫn tăng, kéo dài, gay gắt có nguyên nhân từ những bất cập trong cơ chế chính sách, những yếu kém trong quản lý, điều hành, hạn chế về năng lực, phẩm chất của một bộ phận cán bộ. Do vậy, nói cán bộ địa phương thiếu trách nhiệm là chưa đầy đủ. “Tôi cho rằng, Chính phủ phải trực tiếp tham gia, giải quyết bằng cách thành lập đoàn thanh tra phối hợp với các ngành, các cấp liên quan, giải quyết triệt để. Nếu gặp khó khăn, vướng mắc, cần phải báo cáo Chính phủ, Quốc hội để được tháo gỡ, xử lý”, ông Đàn gợi ý.

Nguồn SGTT: http://sgtt.vn/thoi-su/130114/khieu-nai-to-cao-gia-tang.html