“Khiên chống trời” của Nhật đè bẹp “Lá chắn thần Trung Hoa”

ANTĐ - Trong năm 2012, Trung Quốc lần lượt đưa vào trong biên chế tàu khu trục lớp 052C thứ 5 và thứ 6 được mệnh danh là “Lá chắn thần Trung Hoa”, trong khi đó Nhật Bản cũng sở hữu 6 tàu khu trục Aegis được gọi là “Khiên chống trời”. Vậy tính năng so sánh của 2 loại tàu này như thế nào?

Các tàu này đều được xếp vào cùng loại tàu khu trục hạng nặng, chuyên đảm nhận chức năng phòng không hạm đội. Hiện Trung Quốc và Nhật Bản đều có tổng cộng 6 tàu, Trung Quốc thì toàn bộ là tàu khu trục lớp 052C, còn Nhật Bản bao gồm 4 chiếc thuộc lớp Kongo và 2 chiếc thuộc lớp Atago cải tiến.

Cả 2 loại tàu của Trung Quốc và Nhật đều được định hình thiết kế ban đầu là tàu khu trục phòng không, đảm nhận nhiệm vụ bảo vệ cả hạm đội trước sự tấn công của các loại máy bay và tên lửa hành trình đối hạm của đối thủ, nên năng lực phòng không hạm của chúng, đặc biệt là số lượng và tính năng của các loại tên lửa phòng không được các chuyên gia quân sự săm soi kỹ nhất.

Tàu khu trục Nhật vượt trội tàu khu trục Trung Quốc về khả năng phòng không

Theo số liệu trong nguyệt san tháng 1 của Tạp chí quốc phòng Canada “Kanwa Defence Riview”, tàu khu trục lớp Kongo của Nhật có lượng giãn nước 7250 tấn, đầy tải 9485 tấn, trang bị hệ thống phóng thẳng đứng tối tân Mk-41 của Mỹ, với cơ số tên lửa phòng không 90 quả. Tàu khu trục lớp Atago thì còn “khủng” hơn nhiều với lượng giãn nước 10.000 tấn.

Tàu khu trục DDG-178 Ashigara thuộc lớp Atago của Nhật Bản

“Lá chắn thần Trung Hoa” có lượng giãn nước tối đa chỉ 7500 tấn, trang bị hệ thống phóng tên lửa Type 72 với cơ số 48 quả tên lửa Hải Hồng Kỳ-9 (HHQ-9). HHQ-9 có tầm bắn tối đa 125km, sử dụng phương thức dẫn đường phức hợp. Giai đoạn giữa nó hiệu chỉnh đường bay theo cơ chế quán tính, đoạn cuối dẫn đường bằng radar chủ động, có khả năng dẫn đường, năng lực chống nhiễu và khả năng tấn công nhiều mục tiêu tương đối tốt.

Tất cả các tàu khu trục lớp Kongo đều được trang bị tên lửa SM-2 và SM-3 BlockI có năng lực phòng không và chống ngầm vô cùng mạnh. Tên lửa SM-2 hiện đang sử dụng trên tàu khu trục Nhật là phiên bản SM-2 2MR BlockII hoặc SM-2 BlockIII có tầm bắn tới 167km với cơ chế dẫn đường phức hợp, đoạn giữa nó điều chỉnh đường bay bằng quán tính + vô tuyến điện, đoạn cuối dẫn đường bằng radar bán chủ động.

Các loại tên lửa này đều có khả năng vừa bắn hạ máy bay tầm xa, vừa đánh chặn tên lửa hành trình chống hạm tầm thấp. Vì vậy, xét trên tiêu chí tính năng và số lượng tên lửa, các tàu khu trục lớp Kongo và Atago của Nhật có tính năng vượt trội các tàu khu trục lớp 052C của Trung Quốc.

Về hệ thống phòng không tầm gần, 052C với hệ thống pháo bắn nhanh 730 và Atago với hệ thống pháo Phalanx Block 1B có tính năng tương tự nhau về tầm bắn, tốc độ và uy lực đạn, đáp ứng được yêu cầu tác chiến phòng chống tên lửa giai đoạn cuối. Nhưng hệ thống pháo Phalanx có ưu điểm là sử dụng chung hệ thống dẫn đường của tên lửa nên có độ chính xác cao hơn. Vì vậy, xét về tổng thể, khả năng phòng không của các tàu khu trục Nhật tốt hơn nhiều so với tàu khu trục Trung Quốc.

Trung Quốc trội hơn Nhật về tính năng chống hạm

Tàu khu trục 171 “Hải Khẩu” lớp 052C của Trung Quốc

So sánh tên lửa hạm đối hạm, cả tàu khu trục của Nhật và Trung Quốc đều sử dụng các loại tên lửa trong nước sản xuất. Atago được trang bị tên lửa đối hạm Type 90 có tầm bắn thấp chỉ khoảng 150km, trong khi đó 052C là tàu khu trục duy nhất của Trung Quốc được trang bị tên lửa hành trình đối hạm YJ-62 (Ưng kích-62), phiên bản xuất khẩu là C-602.

Loại tên lửa này của Trung Quốc có trọng lượng 1140kg, đầu đạn 300kg, tầm bắn tới 280km, sử dụng phương thức dẫn đường bằng radar chủ động. Xét về tầm bắn, YJ-62 có tầm bắn xa hơn nhiều so với Type 90, có khả năng tấn công diệt địch ở ngoài tầm tên lửa đối thủ.

Hơn nữa, YJ-62 cũng có tính năng hành trình rất tốt, độ cao hành trình là 30m, đoạn cuối nó hạ thấp độ cao còn khoảng 7-10m nên khó phát hiện và đánh chặn hơn Type 90. Như vậy, xét về tiêu chí tầm bắn và các tính năng tác chiến, tên lửa đối hạm của tàu khu trục lớp 052C vượt trội hơn tàu khu trục lớp Kongo và Atago của Nhật Bản.

Hệ thống động lực và khả năng tác chiến điện tử của Nhật ăn đứt Trung Quốc

Về hệ thống động lực, Trung Quốc đã có sự tiến bộ rất lớn trong cải tạo hệ thống động lực diezen của mình bằng cách áp dụng công nghệ động cơ Turbin khí DA80 nhập khẩu từ Ukraina, đảm bảo cho tàu khu trục 052C đạt tốc độ gần 29 hải lý/h. Còn tàu khu trục Nhật có “truyền thống” sử dụng động cơ LM2500 của Mỹ với tốc độ 30 hải lý/h. Xét về tiêu chí này, tàu khu trục của cả 2 bên được đánh giá là tương đương.

Tàu khu trục DDG-177 Atago thuộc lớp Atago của Nhật Bản

Khả năng tác chiến điện tử của cả 2 bên đều thuộc dạng thông tin bảo mật cao. Tàu lớp 052C được trang bị hệ thống chỉ huy đạt chuẩn C41 triển khai trên hệ thống của Trung tâm chỉ huy hiệp đồng và mạng cục bộ, tốc độ và tính tin cậy trong truyền dẫn số liệu còn thua xa các hệ thống của Mỹ - Nhật nhưng cũng được coi là bước tiến lớn của hải quân Trung Quốc.

Nhìn vào mấy năm gần đây khi Trung Quốc đẩy mạnh xuất khẩu hệ thống chỉ huy C41 có thể nhận thấy nó là hệ thống chỉ huy, điều khiển số hóa thống nhất và hoàn toàn tự động được xây dựng trên cơ sở công nghệ mạng Ethernet cấu trúc hình sao, có khả năng quản lý và điều khiển toàn bộ các hệ thống tác chiến như: Pháo hạm, tên lửa, radar, ngư lôi, chống ngầm...

Theo Kanwa, tàu khu trục Nhật sử dụng hệ thống tác chiến điện tử NOLQ-2 có tính năng tương đương loại SLQ-32 do Mỹ sản xuất. Toàn bộ các thiết bị cảm biến, hệ thống truyền số liệu trên tàu đều là thiết bị của Mỹ và NATO, cực kỳ thuận lợi cho công tác hiệp đồng với tàu chiến của hải quân Mỹ, hệ thống chỉ huy tự động đã được nâng cấp từ C41 lên C412, nâng cao rất nhiều khả năng chia sẻ số liệu tình báo.

Như vậy, xét về tổng thể, ngoài nhỉnh hơn về hệ thống tên lửa hạm đối hạm, còn lại các hệ thống hỏa lực phòng không, khả năng chỉ huy, điều khiển và khả năng điều phối hợp đồng của tàu khu trục lớp 052C Trung Quốc đều thua kém tàu khu trục lớp Kongo và Atago của Nhật Bản.

Nguyễn Ngọc
Tổng hợp từ “Kanwa Defence Riview”

Nguồn ANTĐ: http://www.anninhthudo.vn/quoc-phong/khien-chong-troi-cua-nhat-de-bep-la-chan-than-trung-hoa/494966.antd