Khiêm tốn như cầu lông

Nếu nhìn vào sự xã hội hóa mạnh mẽ trong làng cầu lông Việt Nam hiện nay thì người ta sẽ khá bất ngờ khi nhìn vào chỉ tiêu của đội tuyển cầu lông Việt Nam tại SEA Games 29 năm 2017 chỉ là giành 2 huy chương Đồng. Nhưng đấy là câu chuyện có thật là dù chỉ tiêu trên thực sự khiêm tốn so với nhiều đội tuyển khác của thể thao Việt Nam.

Không thiếu nhà tài trợ

Trước Giải Cầu lông cá nhân toàn quốc 2017, khai mạc vào tối 7-5 tại Đồng Nai, đã có hàng loạt VĐV cầu lông hàng đầu Việt Nam nhận được hợp đồng tài trợ cá nhân mới. Cách đây hơn 1 tháng, hai tay vợt Phạm Hồng Nam và Lê Thu Huyền (Hà Nội) đã nhận khoản tài trợ trang phục từ Li-Ning.

Vừa qua, sau khi kết thúc hợp đồng với Mizuno, tay vợt Nguyễn Tiến Minh có ngay nhà tài trợ mới là Yonex. Tương tự là tay vợt Vũ Thị Trang - người vợ của Tiến Minh. Trước đó, Vũ Thị Trang đã có hợp đồng dài hạn với Li-Ning nhưng khi lập gia đình với Nguyễn Tiến Minh thì cả hai đã chung một thương hiệu tài trợ. Khoản tài trợ cụ thể cho cả hai tay vợt không được tiết lộ nhưng chắc chắn là không nhỏ.

Tay vợt Nguyễn Thùy Linh đang được nhiều nhà tài trợ chú ý.

Năm ngoái, hợp đồng của Nguyễn Tiến Minh với Mizuno cũng có giá trị tới 50.000 USD/năm bao gồm tiền hỗ trợ hàng tháng lẫn trang thiết bị tập luyện, thi đấu, kinh phí thi đấu quốc tế.

Đến lúc này, dù không còn là “độc cô cầu bại” trong làng cầu lông Việt Nam nhưng thương hiệu của Nguyễn Tiến Minh vẫn thu hút các nhà tài trợ.

Việc anh kết hôn với Vũ Thị Trang càng mở ra cơ hội cho các nhà tài trợ để quảng bá cho tên tuổi doanh nghiệp. Được ký hợp đồng với cả 2 tay vợt nam nữ hàng đầu Việt Nam, lại là vợ chồng, thực sự là cơ hội không dễ gặp với một doanh nghiệp.

Gần nhất, tay vợt nữ số 2 Việt Nam Nguyễn Thùy Linh đã ký hợp đồng với hãng Dunlop. Chi tiết hợp đồng giữa hai bên cũng không được tiết lộ nhưng chỉ biết là lớn hơn so với hợp đồng trước đây của cô với Astec.

Ngoài những tay vợt trên, hàng loạt tay vợt hàng đầu khác ở Hà Nội, Bắc Giang, Quân đội cũng được tài trợ. Còn riêng hệ thống thi đấu quốc gia của cầu lông Việt Nam cũng có nhà tài trợ song hành với 2 giải đấu quốc nội quan trọng nhất trong năm 2017 của cầu lông Việt Nam là Giải đồng đội toàn quốc và Giải cầu lông cá nhân toàn quốc đều gắn tên với những doanh nghiệp có tiếng.

Giải cầu lông cá nhân toàn quốc 2017 mới có tổng giá trị giải thưởng khoảng 8.000USD bên cạnh khoản chi phí hỗ trợ khác từ Yonex Sunrise.

Ông Lê Thanh Sang, Tổng thư ký Liên đoàn Cầu lông Việt Nam tiết lộ rằng nếu Giải Cầu lông cá nhân toàn quốc diễn ra vào tháng 9 năm nay thì tổng giá trị giá trị giải thưởng sẽ còn lớn hơn. Bởi khi ấy, hợp đồng mới của Yonex Sunrise với Liên đoàn Cầu lông Việt Nam đã có hiệu lực.

Theo hợp đồng này, tổng kinh phí đầu tư cho Giải Cầu lông cá nhân toàn quốc khoảng trên 13.000USD trong đó kinh phí để làm giải thưởng khoảng trên 10.000USD. Tuy nhiên, do Giải Cầu lông cá nhân toàn quốc năm nay phải tổ chức sớm để xét chọn VĐV tham dự SEA Games 29 nên các tay vợt đoạt giải không có cơ hội nhận mức thưởng lớn hơn hiện tại (nhất đơn nam: 1.000USD, nhất đơn nữ: 800USD, nhất các nội dung đôi: 600USD).

Nép mình tự đặt chỉ tiêu

Có rất nhiều đội tuyển của thể thao Việt Nam ở những môn ít được xã hội hóa khi tới đấu trường SEA Games thường coi việc đoạt huy chương Bạc cũng là thất bại. Nhưng chỉ cần đoạt huy chương Đồng tại SEA Games cũng là thành công với cầu lông Việt Nam, vốn được xã hội hóa vào diện hàng đầu trong làng thể thao Việt Nam.

Ông Lê Thanh Hà, Trưởng bộ môn Cầu lông (Tổng cục TDTT) nói rằng: “Cầu lông Việt Nam gặp khó ở SEA Games cũng bởi tại Đông Nam Á đang có nhiều đối thủ thuộc top hàng đầu thế giới như Indonesia, Malaysia và cả Thái Lan. Chúng ta mới có 7 tay vợt ở 4 nội dung thi đấu trong nhóm 100 tay vợt và đôi vợt hàng đầu thế giới. Nhưng các nước kia lại nhiều gấp bội. Vì thế, ở SEA Games 29, Tổng cục TDTT cũng không giao chỉ tiêu huy chương cho đội tuyển cầu lông Việt Nam. Tự bộ môn và Ban huấn luyện đội tuyển Việt Nam đặt chỉ tiêu giành 2 HCĐ, bằng với thành tích tại SEA Games 28”.

Có thể, có những tiếc nuối kiểu như cầu lông Việt Nam sinh ra không đúng chỗ nên mới hầu như không có cơ hội giành huy chương Vàng tại SEA Games. Cứ nghĩ như vậy thì cầu lông Việt Nam sẽ không thể đổi màu huy chương tại SEA Games, đấu trường chưa bao giờ dễ dàng với các tay vợt Việt Nam.

Vấn đề vẫn là phải đào tạo được nhiều tay vợt giỏi hơn Tiến Minh hay Vũ Thị Trang nhằm có thể cạnh tranh sòng phẳng tại SEA Games thay vì bước vào đấu trường này trong thế cửa dưới và chỉ dám đặt chỉ tiêu khiêm tốn.

Thực tế, đang có nhiều tay vợt trẻ giàu tài năng, thuộc diện gia đình có điều kiện kinh tế và được các nhà tài trợ song hành. Như ông Lê Thanh Sang – Tổng Thư ký Liên đoàn Cầu lông Việt Nam, chia sẻ thì cái thiếu ở họ là ý thức chuyên nghiệp trong tập luyện và thi đấu. Đấy cũng là vấn đề khiến cầu lông Việt Nam chưa thể có nhiều tay vợt trong nhóm 100 tay vợt, đôi vợt hàng đầu thế giới.

Không có ngoại lệ ở Giải Cầu lông cá nhân vô địch quốc gia 2017

Tại Giải Cầu lông cá nhân vô địch quốc gia 2017, vận động viên xếp nhất và nhì ở mỗi nội dung sẽ được tuyển chọn vào đội tuyển quốc gia tham dự SEA Games 29 năm 2017. Liên đoàn Cầu lông Việt Nam đã thông báo điều này khi đề cập về cách tuyển chọn đội tuyển quốc gia tham dự SEA Games 29.

Ông Lê Thanh Sang – Tổng thư ký Liên đoàn Cầu lông Việt Nam cho hay, sẽ không có ngoại lệ trong quá trình tuyển chọn. Ở đây không có chuyện tay vợt giàu kinh nghiệm, hay non kinh nghiệm nhưng cần cơ hội cọ xát được vào đội tuyển. Kết quả thi đấu tại giải sẽ quyết định tất cả. Thế nên, giải năm nay mới thu hút toàn bộ tay vợt hàng đầu toàn quốc.

Minh Khuê

Minh Nhật

Nguồn CAND: http://cand.com.vn/the-thao-24h/khiem-ton-nhu-cau-long-439926/