Khi 'vua' sân cỏ 'chế' thêm luật

Vòng 1 V.League 2017, trọng tài Nguyễn Đức Vũ sai khi bỏ quả 11m rõ ràng của Than Quảng Ninh, vòng 2 thì là sự cố hy hữu khi trọng tài Hiền Triết 2 lần giơ biển báo bù giờ khiến sân Long An loạn. Sau những cái sai “có một không hai” ở mùa giải trước, V.League 2017 vừa khai mạc đã xuất hiện quyết định “chỉ có ở những ông ‘vua’ sân cỏ Việt Nam”…

Tổ trọng tài điều khiển trận Long An - B.Bình Dương. Ảnh: DUY ANH

Nghĩ ra luật mới, làm điều không có trong luật

Mùa bóng 2016, công tác trọng tài trở thành một vấn nạn của bóng đá chuyên nghiệp Việt Nam. Trong vô số những tranh cãi quanh những quyết định của trọng tài, có 2 vụ đình đám nhất: Thứ nhất, vụ trọng tài Hà Anh Chiến với quả 11m tưởng tượng cho FLC Thanh Hóa khi cầu thủ SLNA bị phạt phạm lỗi từ điểm ngoài vòng cấm hơn 1m, để rồi ông “vua” sân cỏ này bị treo còi. Thứ hai, vụ Phùng Đình Dũng với quyết định từ chối bàn thắng hợp lệ của Sanna Khánh Hòa BVN vào lưới QNK Quảng Nam vì “không fair play”.

Nếu như cái sai của trọng tài Hà Anh Chiến bị xem và được xếp vào diện “lỗi nhận định”, thì sai lầm của trọng tài Phùng Đình Dũng là “không thể tin nổi”. Ông Dũng nhầm lẫn về luật, khi cho rằng bàn thắng hợp lệ đó trọng tài có quyền không công nhận do “phạm luật fair play”. 17 điều khoản trong Luật Trọng tài không hề có điều khoản nào quy định trọng tài có quyền công nhận hay không bàn thắng vì lỗi chơi đẹp hay chơi không đẹp. Đó là cái sai căn bản, sai vì áp dụng luật không có trong Luật Trọng tài. Và ông Dũng đã sai nguyên tắc sơ đẳng nhất mà tất cả các trọng tài khi bắt đầu cầm còi, cầm cờ đều được dạy, học và nằm lòng: Không được quyền can thiệp trực tiếp vào trận đấu. Sai lầm nổi tiếng của trọng tài Phùng Đình Dũng khiến ông mất quá nhiều và trở thành nỗi đau của cả giới trọng tài Việt Nam vì nó quá khó tin, khó lý giải, nhất là rơi vào một trường hợp kỳ cựu như ông Dũng.

Bài học của ông Phùng Đình Dũng, Hà Anh Chiến và nhiều trường hợp khác được đưa ra mổ xẻ, phân tích và khuyến cáo triệt để ở kỳ tập huấn trước mùa giải 2017. Thế nhưng sau 2 vòng đấu đầu tiên, 2 “cú phốt” lại xuất hiện, và điều đáng nói là sự hy hữu của nó. Nếu như sai lầm của Nguyễn Đức Vũ khi không thổi penalty cho Than Quảng Ninh có thể là lỗi nhận định, thì việc trọng tài Hiền Triết 2 lần giơ biển báo bù giờ không chỉ là nguồn cơn khiến sân Long An “loạn”, rồi các ông “vua” sân cỏ phải rời sân nhờ sự hộ tống của cảnh sát cơ động, mà còn trở thành một “trò cười” đúng là “chỉ có ở Việt Nam”.

Tình huống đó, theo phán đoán của giới trọng tài và dân bóng đá, có thể khi thấy cần thêm thời gian bù giờ sau khi hết 4 phút bù giờ, trọng tài chính Võ Minh Trí liên lạc qua bộ đàm báo cho trọng tài bàn Hiền Triết về việc thêm 1 phút. Và ông Triết, trong một khoảnh khắc thiếu tập trung, hoặc quá tập trung vào trận đấu, đã giơ biển báo lần thứ hai trong vô thức. Xét về luật, chính xác thì ông Triết không sai. Ông “vua” sân cỏ này chỉ làm khác người, và việc báo bù giờ lần nữa như thế là thừa. Không sai, chỉ khác so với thông thường, với hướng dẫn phương pháp trọng tài, khi các trọng tài được quyết định số phút bù giờ tùy vào thực tế trên sân nếu thấy cần, chứ không chỉ theo biển báo bù giờ sau khi 45 phút hiệp 2 kết thúc. Và như HLV Quang Sang của Long An phát biểu, “từ khi đá bóng đến khi làm nghề, chưa từng thấy trọng tài báo bù giờ 2 lần như thế”.

Tổ trọng tài nhờ cảnh sát rời sân. Ảnh: D.A

Có phải “cái sảy nảy cái ung”?

Phùng Đình Dũng là trọng tài FIFA và điều hành nốt mùa giải 2016, ông sẽ nghỉ hưu để chuyển qua công tác giám sát, nghĩa là chuyên môn vững, kinh nghiệm kỳ cựu. Thế nhưng ông lại mắc sai lầm mà chính cấp trên, đồng nghiệp rồi chính ông không lý giải nổi, chỉ có thể đổ lỗi do “ma làm”.

Tổ trọng tài điều khiển trận Long An - B.Bình Dương ở vòng 2 mới đây, Võ Minh Trí (trọng tài chính) và Nguyễn Hiền Triết (trọng tài thứ 4) đều nhiều năm là trọng tài FIFA, thuộc diện cứng cựa của Ban trọng tài. Nguyễn Đức Vũ cũng là “hàng FIFA”, có thâm niên hơn 10 năm bắt V.League, trải qua đủ mọi biến cố cùng bóng đá Việt Nam. Thế nhưng họ vẫn sai và những cái sai hy hữu nhất lại trúng vào những ông “vua” sân cỏ cứng cựa nhất.

Đó là điều ngạc nhiên nên phải đặt câu hỏi, nhất là trong bối cảnh sai lầm của trọng tài đã thành hệ thống và công tác trọng tài bị xem như một vấn nạn của bóng đá chuyên nghiệp Việt Nam.

Bỏ qua những nghi ngờ về tư tưởng, động cơ ngoài chuyên môn vốn luôn là một phần trong đời sống trọng tài và thậm chí kể cả là cố tình sai, thật khó lý giải về cái sai ngớ ngẩn, khó tin như của Phùng Đình Dũng hay Nguyễn Hiền Triết. Bởi công tác trọng tài có những đặc thù và thực tế, có nhiều cái sai, cách sai cố tình mà vẫn có thể bao biện hợp lý như lý do nhận định, tình huống…

Ở đây, có lẽ nên lý giải ở khía cạnh đơn giản nhất, do công tác trọng tài ở bóng đá Việt Nam đang âm ỷ nhiều vấn đề từ nhiều năm nay, nên các ông “vua” sân cỏ chịu quá nhiều áp lực, tác động lẫn chi phối, mà nói như một cựu trọng tài thì “chỉ là một quân bài, mắt xích trong cả một hệ thống…”, từ Ban trọng tài, Ban tổ chức rồi khán giả và đặc biệt là các đội bóng, vốn có thói quen “tặng quà” trọng tài để được hưởng lợi từ các quyết định. Bởi trong một guồng quay nên nhiều trận đấu, nhiều tình huống với thời điểm “tẩu hỏa nhập ma”, với quyết định vô thức thành
ngớ ngẩn.

“Họ đáng trách, là thủ phạm, nhưng thực chất là nạn nhân thôi” - cựu còi vàng Dương Mạnh Hùng chia sẻ với các đồng nghiệp đàn em và cho rằng những cái sai “không thể tin nổi” gần đây là hệ quả của quá nhiều vấn đề trong công tác quản lý, điều hành trọng tài cũng như các giải chuyên nghiệp.

Vấn đề là trong rất nhiều vấn đề đó, cái sai lớn nhất tồn tại suốt 3 năm, mãi đến nửa cuối mùa giải 2016 mới chịu thay đổi khi bị “vạch mặt, chỉ tên”, khi Trưởng ban Trọng tài điềm nhiên ngồi ghế Phó ban Tổ chức giải, vi phạm cả Quy chế bóng đá chuyên nghiệp lẫn Quy chế hoạt động trọng tài, lại nằm chính ở cấp thượng tầng.

Thế nên những cái “sai nhỏ”, như việc áp dụng sai luật hay làm điều không có trong luật, như những sự cố hy hữu xuất hiện trên sân cỏ Việt Nam, bất thường nhưng là bình thường.

Theo đồng hồ bấm giờ, trọng tài Võ Minh Trí thổi phạt đền khi thời gian bù giờ là 4 phút 10 giây. Trọng tài thứ 4 báo bù giờ 4 phút, nhưng trong thời gian này có tình huống câu giờ và thay đổi người. Theo luật, trọng tài được phép kéo dài thời gian bù giờ dựa vào thực tế trên sân. Việc trọng tài Võ Minh Trí thêm thời gian bù giờ sau 4 phút, trọng tài thứ 4 Nguyễn Hiền Triết giơ biển báo thêm 1 phút bù giờ là không sai. “Tuy nhiên, việc báo thêm lần bù giờ thứ hai là thừa, không cần thiết…” - Trưởng ban Trọng tài Nguyễn Văn Mùi phát biểu.

Cựu trọng tài Dương Mạnh Hùng: “Cần xem lại việc đề xuất cấp danh hiệu FIFA”

“Ở 2 vòng đấu đầu tiên của mùa giải mới đều xuất hiện sai sót của trọng tài, đáng nói là đều rơi vào những trọng tài cấp FIFA. Ở vòng khai mạc, cái sai của trọng tài Đức Vũ là không dám thổi 11m trong trận Hà Nội - Than Quảng Ninh quá rõ ràng, ai cũng thấy rõ đó là sai sót nghiêm trọng. Còn sai sót của trọng tài bàn Hiền Triết khi giơ biển báo bù giờ đến lần thứ 2 là điều không chấp nhận được đối với một trọng tài cấp FIFA. Trong 17 điều luật quy định của trọng tài không có việc cấm trọng tài giơ biển bù giờ 2 lần. Tuy nhiên, trong hướng dẫn luật bổ sung cho các trọng tài thì có quy định trọng tài chỉ được giơ biển 1 lần.

Trong quy định về trường hợp bù giờ, trọng tài chính hoàn toàn có thể bù thêm giờ do thời gian bù giờ có nhiều tình huống bóng chết. Thế nhưng không vì thế mà ở trường hợp này trọng tài bàn được giơ biển lần thứ 2. Đáng nói là trong khoảng thời gian trọng tài Hiền Triết giơ biển bù giờ thêm có tình huống dẫn đến quả 11m khiến Long An bị cầm hòa.

Điều đáng nói ở đây là những người quản lý trọng tài phải nhận ra cái sai và dám chịu trách nhiệm. Nếu cứ để sai sót diễn ra như vậy mà không nhìn thẳng vào vấn đề thì đội ngũ trọng tài Việt Nam không thể tiến bộ được. 2 trường hợp sai sót trên cộng với một số tình huống sai sót ở mùa giải trước, trong đó có trường hợp Phùng Đình Dũng khi tước bàn thắng vì thiếu fair-play, là điều hết sức ngớ ngẩn. Đã đến lúc chúng ta cần nhìn lại việc đề xuất cấp danh hiệu FIFA cho trọng tài Việt Nam, liệu những trọng tài FIFA hiện nay đã xứng đáng chưa? Nhiều trọng tài mang hàm FIFA lại thường xuyên sai sót, vậy mà vẫn mang cái mác đó một thời gian quá dài.

Đó là xét trên khía cạnh chuyên môn, còn nếu những người có trách nhiệm vẫn bảo vệ và khẳng định họ chuyên môn tốt thì liệu rằng có vấn đề tư tưởng trong các sai sót ở đây hay không?”.

HOÀI ĐAN (ghi)

GIANG ANH

Nguồn Lao Động: http://laodong.com.vn/the-thao/khi-vua-san-co-che-them-luat-630542.bld