Khi vào Đội tuyển Quốc gia dễ như... 'đi chợ'

Chưa bao giờ việc khoác chiếc áo ĐT Việt Nam lại dễ như bây giờ, gần như cầu thủ nào cũng có thể thành tuyển thủ quốc gia. Và có lẽ không ở đâu trên thế giới bóng đá này, ĐTQG lại dễ dãi và tùy tiện như chúng ta. Đó là nghịch lý mà cả nền bóng đá đang không ý thức rõ và hệ lụy của thực tế 'chỉ có ở bóng đá Việt Nam' đó, có thể cái giá phải trả sẽ rất đắt…

Vì mục tiêu SEA Games, HLV Hữu Thắng phải triệu tập nhiều cầu thủ chưa thực sự xứng đáng. Ảnh: H.A

Có ai giật mình với những con số?

Vòng loại Asian Cup 2019, chuẩn bị cho trận đấu với Afghanistan (hòa 1-1), ĐT Việt Nam tập trung với 23 cầu thủ và 11 trong số đó ở độ tuổi U22. Và 3 tháng sau, khi tập trung cho trận đấu mang tính quyết định gặp Jordan, bản danh sách 28 cái tên được gọi tập trung còn trẻ hóa triệt để hơn nữa, khi bên cạnh 10 cầu thủ thuộc lứa 1995 trở đi thì có tới 7 cầu thủ U20 vừa dự World Cup. Độ tuổi trung bình của ĐT Việt Nam là 22,9 - trẻ nhất trong lịch sử.

ĐTQG trẻ hóa tối đa vì SEA Games. Bóng đá Việt Nam tập trung mọi nguồn lực và HLV Hoàng Anh Tuấn tiến cử cho VFF các cầu thủ tốt nhất của U20 vừa dự World Cup về, rồi HLV Hữu Thắng điền 7 cái tên lên tuyển. Phải dành những gì tốt nhất, ĐTQG lựa chọn việc chấp nhận “hy sinh” cho đội U22, khi lấy quân dựa theo độ tuổi. Vòng loại Asian Cup 2019 và sân chơi tầm châu lục cũng phải nhường chỗ, trở thành cơ hội để các cầu thủ trẻ tập dượt, cọ xát và chuẩn bị cho giấc mơ SEA Games.

Bởi đó là chủ trương thống nhất từ VFF, tất cả để phục vụ cho mục tiêu SEA Games 29 vào tháng 8 này nên phải chấp nhận nghịch lý, khi ĐTQG không phải là tập hợp những cầu thủ có chuyên môn, phong độ, khả năng và xứng đáng nhất. Tuy nhiên, một đội tuyển với quá nhiều cầu thủ còn chưa “ra ràng”, đang thuộc diện học việc ở CLB và mới chỉ được nhắc tên qua một vài trận đấu ở các giải trẻ cũng nghiễm nhiên có suất lên ĐTQG thì rõ ràng không ổn.

Tấn Sinh, Văn Hậu, Tiến Dũng mới chỉ được đăng ký danh sách thi đấu mùa này trong màu áo Quảng Nam, Hà Nội, FLC Thanh Hóa và thỉnh thoảng được dự bị, còn Tấn Tài thuộc biên chế đội hạng Nhì Bình Định, lên U20 sau VCK U19 và Đức Chinh ở SHB Đà Nẵng, từ trên sân tập đến thi đấu vẫn phải chỉ bảo từ cách di chuyển, chạy chỗ lẫn những kỹ năng căn bản của một trung phong… Tính ra trong số 7 cầu thủ U20, chỉ có duy nhất Quang Hải là thực sự xứng đáng, khi có cả quá trình khẳng định được chuyên môn và thể hiện trên sân. Còn nhìn rộng hơn, không ít cầu thủ có tên trong danh sách ĐT Việt Nam đợt này số trận đá chính chỉ đếm trên đầu ngón tay, chưa có chỗ đứng ở CLB cũng như sự thừa nhận.

Và những câu hỏi…

Một ĐTQG quá nhiều cầu thủ trẻ chưa khẳng định và thuyết phục được về chuyên môn, đi ngược với nguyên tắc cùng với những giá trị thông thường của bóng đá. Thế nên phía sau lý do “chuẩn bị cho SEA Games”, có không ít câu hỏi cần được đặt ra.

Ví dụ, với rất nhiều cầu thủ đang thi đấu chuyên nghiệp và xứng đáng được trao cơ hội sau rất nhiều phấn đấu lẫn thể hiện, họ sẽ nghĩ gì khi so sánh sự hơn kém về chuyên môn theo khía cạnh đơn thuần nhất của tính công bằng? Và sự dễ dãi cùng việc ồ ạt gọi cầu thủ lên tuyển, giá trị của màu áo ĐTQG với vinh dự, tự hào và sự danh giá mà bất cứ cầu thủ nào cũng mơ ước, rồi sẽ được định nghĩa như thế nào? Chưa kể, tự bản thân các cầu thủ được trao cơ hội dễ dàng bất chấp các nguyên tắc bóng đá thông thường nhất, liệu có ý thức rõ ràng nhất về giá trị bản thân, khi bỗng nhiên được gắn cái “mác tuyển”?

Cần và phải nghiêm túc với câu hỏi như thế, khi màu áo ĐTQG ở Việt Nam hay bất kỳ đâu trên thế giới cũng đều thiêng liêng, cao quý và liên quan đến cả quá trình học hỏi, phấn đấu và khẳng định những giá trị thuộc về nghề nghiệp, đặc biệt với các cầu thủ trẻ mới 19-20 tuổi cũng như những người mới có những thành công ban đầu với ĐTQG. Đấy là chưa kể, quá nhiều nguy cơ nhìn thấy khi vì tính toán và mục đích, cầu thủ phải “mặc nhầm áo” hoặc “áo quá rộng” so với khả năng thực nên bị “chột”, do chịu những hệ lụy từ vị thế một tuyển thủ quốc gia khi chưa xứng đáng.

Bài học với lứa U19 HAGL khi lên V.League và bị đẩy lên quá sớm vẫn còn nguyên. Thế nên những câu hỏi đặt ra sau bản danh sách ĐTQG có phần duy ý chí, có lẽ với ĐT Việt Nam người ta đã không ý thức hết. Hoặc cũng không ai hỏi để tự tìm câu trả lời, xuất phát từ thực tế lâu nay bóng đá Việt Nam không có người biết, cầm chịch về chuyên môn trong khi chính những người có trách nhiệm lại đặt tính mục đích lên trên tất cả, ở tình huống SEA Games đang là “canh bạc” để đánh đổi lẫn cứu vãn?!

Lần đầu tiên chúng ta có một ĐTQG trẻ như thế. Và lần đầu tiên ĐTQG tập trung mà nhiều gương mặt mới có “lần đầu” như vậy. Chính xác, phải gọi ĐTQG là U22 Việt Nam có bổ sung các cầu thủ hơn tuổi, trong đó 2 gương mặt già nhất là Đinh Thanh Trung và Nghiêm Xuân Tú (1988).

GIANG ANH

Nguồn Lao Động: http://laodong.com.vn/bong-da/khi-vao-doi-tuyen-quoc-gia-de-nhu-di-cho-672068.bld