Khi tuổi trẻ tham gia giám sát, phản biện xã hội

Năm 2013, Bộ Chính trị ban hành Quyết định 217 về Quy chế giám sát và phản biện xã hội của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các đoàn thể chính trị - xã hội; Quyết định 218 quy định về việc Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, các đoàn thể chính trị - xã hội và nhân dân tham gia góp ý xây dựng Đảng, xây dựng chính quyền. Thực hiện các quyết định này, Ban Thường vụ Tỉnh đoàn đã triển khai, hướng dẫn, chỉ đạo các cấp bộ Đoàn trên toàn tỉnh thực hiện công tác giám sát, phản biện xã hội, phát huy vai trò của tổ chức Đoàn trong xây dựng Đảng, xây dựng chính quyền.Thể hiện trách nhiệm, bản lĩnhĐảm bảo nghiêm túc, hiệu quảThành Duy

(Baonghean) - Năm 2013, Bộ Chính trị ban hành Quyết định 217 về Quy chế giám sát và phản biện xã hội của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các đoàn thể chính trị - xã hội; Quyết định 218 quy định về việc Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, các đoàn thể chính trị - xã hội và nhân dân tham gia góp ý xây dựng Đảng, xây dựng chính quyền. Thực hiện các quyết định này, Ban Thường vụ Tỉnh đoàn đã triển khai, hướng dẫn, chỉ đạo các cấp bộ Đoàn trên toàn tỉnh thực hiện công tác giám sát, phản biện xã hội, phát huy vai trò của tổ chức Đoàn trong xây dựng Đảng, xây dựng chính quyền.

Thể hiện trách nhiệm, bản lĩnh

Ban Thường vụ Tỉnh đoàn đã ban hành các hướng dẫn, đồng thời hàng năm đã xây dựng kế hoạch tổ chức hoạt động giám sát, phản biện xã hội, góp ý xây dựng Đảng, xây dựng chính quyền. Đặc biệt, đối với công tác giám sát và phản biện xã hội, Tỉnh đoàn đã tập trung vào giám sát, phản biện một số nội dung, chuyên đề như việc thực hiện chương trình phát triển thanh niên giai đoạn 2013 - 2020, Quy chế cán bộ Đoàn TNCS Hồ Chí Minh, Chỉ thị số 42 của Bộ Chính trị về “Tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác giáo dục lý tưởng cách mạng, đạo đức, lối sống, văn hóa cho thế hệ trẻ giai đoạn 2015 - 2030”; thực hiện phản biện các văn bản liên quan đến các chính sách đào tạo, bồi dưỡng thanh thiếu nhi; chế độ chính sách đối với cán bộ Đoàn; chính sách tuyển dụng, thu hút nguồn nhân lực chất lượng cao và dự thảo Nghị quyết Hội đồng nhân dân các cấp...;

Trên cơ sở đó, các huyện, thành, thị Đoàn đã xây dựng kế hoạch triển khai đến các cơ sở; phối hợp với các ngành, đoàn thể để thực hiện công tác giám sát, phản biện xã hội. Căn cứ vào chức năng nhiệm vụ của tổ chức đoàn trong kiểm tra, giám sát và phản biện xã hội, vào tình hình thực tiễn của địa phương, hàng năm Ban Thường vụ Thị đoàn Hoàng Mai đã chủ động chọn những nội dung cụ thể trên cơ sở ý kiến thống nhất của Thường trực và Ủy ban Kiểm tra Thị ủy.

Trong đó, Thị đoàn Hoàng Mai đã tổ chức giám sát việc thực hiện Quy chế cán bộ Đoàn TNCS Hồ Chí Minh ban hành theo Quyết định số 289-QĐ/TW ngày 8/2/2010 của Ban Bí thư Trung ương Đảng như: công tác tuyển dụng, quy hoạch, đào tạo, bồi dưỡng, bố trí, sử dụng, luân chuyển và điều động, chế độ, chính sách cán bộ Đoàn.

Đơn cử, ngày 1/9/2016, đoàn giám sát của Thị đoàn Hoàng Mai phối hợp với Ban Tổ chức Thị ủy, Ủy ban MTTQ thị xã đã tiến hành giám sát đồng chí Phó Bí thư Thường trực Đảng ủy xã Quỳnh Lập về 5 năm triển khai, thực hiện Quy chế cán bộ Đoàn TNCS Hồ Chí Minh tại địa phương này.

Thông qua kiểm tra, đối chiếu các tài liệu, hồ sơ liên quan đến nội dung giám sát do Văn phòng Đảng ủy cung cấp và đồng chí Phó Bí thư Thường trực Đảng ủy xã Quỳnh Lập báo cáo; trực tiếp trao đổi với các đồng chí Ban Thường vụ Đoàn xã, Bí thư Chi bộ và Bí thư Chi đoàn của xã Quỳnh Lập, đoàn giám sát đã chỉ ra những ưu điểm, hạn chế; đồng thời đưa ra được những đề xuất kiến nghị nhằm thực hiện tốt hơn Quy chế cán bộ Đoàn TNCS tại xã Quỳnh Lập.

Bên cạnh đó, Thị đoàn Hoàng Mai còn tổ chức kiểm tra, giám sát các nghị quyết, đề án của cấp ủy, chính quyền xã liên quan đến công tác thanh niên như: Nghị quyết 02 của BCH Đảng bộ thị xã về “Tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác thanh niên giai đoạn 2015 - 2020 và những năm tiếp theo”; tham gia góp ý và phản biện xã hội về các nội dung dự thảo: Đề án đảm bảo vệ sinh môi trường trên địa bàn thị xã Hoàng Mai giai đoạn 2015 - 2020 và những năm tiếp theo; Đề án xây dựng Nông thôn mới thị xã Hoàng Mai giai đoạn 2016 - 2020 của BCH Đảng bộ thị xã;…

Thị đoàn Hoàng Mai giám sát về 5 năm triển khai, thực hiện Quy chế cán bộ Đoàn TNCS Hồ Chí Minh tại xã Quỳnh Lập. Ảnh: Thành Duy

Thị đoàn Hoàng Mai giám sát về 5 năm triển khai, thực hiện Quy chế cán bộ Đoàn TNCS Hồ Chí Minh tại xã Quỳnh Lập. Ảnh: Thành Duy

Tại các địa phương như Anh Sơn, Tương Dương, Ban Thường vụ Huyện đoàn các địa phương này đã lựa chọn giám sát việc thực hiện Quy chế cán bộ Đoàn TNCS Hồ Chí Minh. Phó Bí thư Huyện đoàn Anh Sơn Nguyễn Trọng Toàn cho biết: “Thông qua giám sát đối với công tác quy hoạch, bố trí, sử dụng, luân chuyển, điều động cán bộ Đoàn, hiện tại trên địa bàn huyện có 3 đồng chí cán bộ Đoàn quá tuổi, Ban Thường vụ Huyện đoàn đang phối hợp với cấp ủy Đảng các đơn vị, Ban Tổ chức Huyện ủy và Phòng Nội vụ,… để sắp xếp bố trí công việc cho các trường hợp này”.

Có thể thấy, thông qua công tác giám sát và phản biện đã góp phần phát huy vai trò của tổ chức Đoàn trong phát hiện những nội dung còn thiếu, chưa sát, chưa đúng, chưa phù hợp trong các văn bản dự thảo của các cơ quan Đảng, Nhà nước; kiến nghị những nội dung thiết thực, góp phần bảo đảm tính đúng đắn, phù hợp với thực tiễn và tính hiệu quả trong việc hoạch định chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước.

Đặc biệt, qua giám sát, phản biện đã phản ánh, đề xuất với cấp ủy, chính quyền các cấp về việc thực hiện các cơ chế, chính sách về công tác thanh niên và những vấn đề mà nhân dân quan tâm; nắm rõ tình hình đoàn viên, thanh niên về phẩm chất chính trị, đạo đức, lối sống, phương thức tập hợp, đoàn kết thanh niên; phòng ngừa, ngăn chặn những hành vi tiêu cực, quan liêu.

Từ đó, nâng cao vai trò, trách nhiệm của tổ chức Đoàn và tuổi trẻ trong việc tham gia quản lý và phát triển xã hội, xây dựng, chỉnh đốn Đảng, xây dựng chính quyền trong sạch, vững mạnh, tăng cường mối quan hệ mật thiết giữa Đảng, Đoàn, Nhà nước với thanh niên.

Đảm bảo nghiêm túc, hiệu quả

Tuy nhiên, qua thực tiễn công tác giám sát, phản biện xã hội của tổ chức Đoàn trên địa bàn tỉnh vẫn còn một số khó khăn nhất định. Bí thư Thị đoàn Hoàng Mai Hồ Cảnh Thuận cho biết, nhận thức về vai trò của tổ chức Đoàn trong tham gia kiểm tra, giám sát và phản biện xã hội của một số tổ chức cơ sở Đoàn, đặc biệt người đứng đầu chưa cao, nên đầu tư thời gian, số buổi cho công tác kiểm tra giám sát, phản biện còn hạn chế, chất lượng giám sát, phản biện chưa cao.

Kỹ năng kiểm tra, giám sát và phản biện xã hội ở một số cơ sở Đoàn, đặc biệt Đoàn khối, xã, phường còn hạn chế nên gặp một số khó khăn khi triển khai ở cơ sở; việc nắm bắt các chủ trương, chính sách mới chưa kịp thời, hiểu chưa cặn kẽ nên việc tham gia giám sát, phản biện xã hội còn gặp khó khăn. “Hàng năm, cần tăng cường công tác tập huấn về kỹ năng giám sát và phản biện; đồng thời Đoàn cấp trên cần có định hướng thêm về công tác kiểm tra, giám sát về một số nội dung cụ thể để hướng dẫn, cung cấp thông tin, tài liệu góp phần nâng cao hiệu quả giám sát và phản biện xã hội”, đồng chí Thuận đề xuất.

Theo đánh giá chung, vai trò của tổ chức Đoàn trong công tác giám sát, phản biện xã hội chưa thực sự rõ ràng; việc phối hợp giữa tổ chức Đoàn với các cơ quan, ban, ngành, đoàn thể trong công tác giám sát, phản biện xã hội chưa hiệu quả; cơ chế bảo đảm cho Đoàn TNCS Hồ Chí Minh các cấp tham gia hoạt động phản biện xã hội chưa được quan tâm thực hiện đồng bộ; công tác tập huấn, bồi dưỡng nghiệp vụ giám sát, phản biện xã hội cho đội ngũ cán bộ Đoàn chưa được thường xuyên…

Trao đổi về giải pháp để tiếp tục nâng cao vai trò, chất lượng giám sát, phản biện của tổ chức Đoàn, đồng chí Chu Đức Thái - Trưởng ban Tổ chức - Kiểm tra Tỉnh đoàn cho biết: “Bên cạnh việc ban hành cụ thể các kế hoạch thực hiện hàng năm, Tỉnh đoàn sẽ tiếp tục phối hợp với Ủy ban MTTQ tỉnh đẩy mạnh thực hiện công tác tập huấn về kỹ năng công tác giám sát, phản biện cho cán bộ Đoàn các cấp.

Cùng với đó, chúng tôi đặt ra yêu cầu cần phối hợp thống nhất, đồng bộ, chặt chẽ với Ủy ban MTTQ và các đoàn thể các cấp; biện pháp, cách làm phải đảm bảo linh hoạt, sáng tạo, đảm bảo đúng theo Quy chế đề ra và phù hợp với điều kiện, hoàn cảnh thực tế của từng địa phương, cơ quan, đơn vị; đặc biệt phải phát huy trách nhiệm của người đứng đầu trong tổ chức Đoàn các cấp trong tuyên truyền, phổ biến, đảm bảo tính nghiêm túc, thiết thực, hiệu quả, tránh phô trương, hình thức”.

Thành Duy

TIN LIÊN QUAN

Nguồn Nghệ An: http://baonghean.vn/thoi-su-chinh-tri/201702/khi-tuoi-tre-tham-gia-giam-sat-phan-bien-xa-hoi-2781948/