Khi tội ác được cổ súy, điều gì sẽ xảy ra?

Có những điều mà đôi khi, chúng ta tưởng chừng chỉ là một câu chuyện cho vui nhưng hóa ra, bên trong nó lại là nguồn cơn của những tội ác. Nhưng tội ác hiển hiện chứ không còn là 'Tội lỗi hồn nhiên'

Đám cháy cho đám đông cuồng loạn

Một cô bé học lớp 8, ngưng học từ khi năm học bắt đầu, lại là người đổ xăng châm lửa đốt ngôi trường đã từng theo học trong đám đông reo hò. Nếu như chỉ có từng đó thông tin, hẳn nhiên, nhiều người sẽ cho rằng cô bé này hận trường cũ, ghét bỏ thầy cô và oán hận bạn bè để quyết “thiêu rụi” một phần quá khứ. Nhưng không, sự thật là cô bé đó đã bị ép buộc phải thực hiện hành động đó chỉ vì một…status trên facebook. “Rảnh rỗi sinh nông nổi” quả không sai. Một status vu vơ chỉ để “sống ảo và câu like” với nội dung “đủ 1000 like sẽ đốt trường” và không ngờ số like vượt quá 1000 thì cô bé kia bắt đầu hoang mang và lo sợ.

Có ai dám chắc rằng những sự vụ như thế này sẽ không tái diễn?

Có ai dám chắc rằng những sự vụ như thế này sẽ không tái diễn?

Hoang mang và lo sợ đâu đã đủ với số người đã like. Họ đến, đưa xăng vào tận tay và bắt cô bé “nói là làm” để họ đặng ghi hình và đăng facebook để “câu like và sống ảo”. Và rồi trường cháy (thật may là chỉ một góc nhỏ), cô bé bị bỏng chân và đang đối mặt với sự lên án của xã hội. Trong khi đó những kẻ đã đến, đưa xăng, dắt tay bắt em bé đó đốt trường thì sao? Họ vô can ư? Chắc chắn không. Luật pháp sẽ làm việc từng cá nhân một. Vậy còn hơn 1000 like cho việc đốt trường đó thì sao? Hơn 1000 con người lớn bé đủ cả đó liệu có vô can hay họ đang tiếp tay, cổ súy và có phần tạo dựng tội ác cho người khác? Họ có vô can không? Chắc chắn là không, nếu như nói chính xác, họ là những người ác nhất trong toàn bộ sự việc này. Nếu không có những lượt bấm đó chắc chắn toàn bộ câu chuyện không xảy ra.

Tự thiêu vì like. Đã có. Đốt trường vì like đã có. Liệu có ai dám chắc rằng những việc như ăn cắp, hiếp dâm thậm chí là cả giết người vì like sẽ không có? Một đám đông cuồng loạn luôn chờ đợi những điều điên rồ, mất nhân tính nhất liệu có ngại ngần khi bấm like cho những hành động vượt qua tầm kiểm soát của một con người. Chắc chắn không, vì rõ ràng họ chỉ bấm like thôi mà, họ đâu có thực hiện. Nếu mắng chửi họ thì họ sẽ nói “Ai bảo người đăng status yêu cầu chúng tôi “like” và khi chúng tôi “like” mà họ thực hiện thì tự họ phải chịu trách nhiệm với hành động của mình”. Tất nhiên, ai cũng phải chịu trách nhiệm về hành động của mình nhưng hô hào, cổ vũ người khác thực hiện hành động sai trái, vi phạm pháp luật thì những người hô hào có phải chịu hành động của mình về việc kêu gọi người khác làm việc sai trái không?

“Tôi không muốn sống nữa”

Đó là lời kêu cứu của cô gái 15 tuổi bị đánh hội đồng trong rừng. Những cú đạp, cú đánh, lột quần lột áo của cô gái được thực hiện bởi những người bạn cùng trang lứa đã được chia sẻ nhanh hơn điện cao thế. Những nút like cũng dồn dập lao đến. Họ hỉ xả đón xem một clip “truyền hình thực tế” đầy “bạo lực” và có cả yếu tố người lớn trong đó nữa. Họ cười nói, bình phẩm về clip. Họ để lại comment. Họ tung hô người quay. Họ nói về cơ thể cô gái. Họ dựng chuyện về nguyên nhân.

Nhiều và thật nhiều những điều tương tự như vậy. Họ đâu quan tâm đến việc họ làm. Chỉ là dòng chữ bình luận thôi mà. Không thích thì xóa đi. Chỉ là nút like thôi mà, không thích thì unlike, có gì mà to tát đâu Thế nhưng, họ không thể tưởng tượng nổi rằng những điều như thế gieo vào, bám lại và ám ảnh cuộc đời của cô bé chính trong clip đó. Nếu như cô bé đó nghĩ quẩn mà tìm đến cái chết hẳn nhiên những người comment và like đó sẽ chẳng cảm thấy tội lỗi và lương tâm cắn dứt đâu bởi “đó không phải là việc của tôi. Tôi thích thì tôi bấm thôi. Ai làm ráng chịu”.

Đánh hội đồng lột quần áo quay clip đăng facebook - một “thú vui bệnh hoạn” mới của học sinh hiện nay

Cuộc đời và thái độ sống nếu cứ lạnh lùng và hỉ hả tiềm kiếm niềm vui dựa trên căn nguyên của những điều ác như vậy liệu còn là cuộc sống hạnh phúc?

Một chai thuốc trừ sâu và một cô bé 15 tuổi khác đã phải tìm đến cái chết khi clip ân ái của cô và bạn trai cũ được đăng tải trên mạng xã hội sau khi họ chia tay. Nếu không có những bình luận, những chia sẻ thì hẳn nhiên mọi chuyện sẽ đỡ đau khổ hơn rất nhiều. Người chết là hết, nhưng nỗi đau thì ở lại. Gia đình cô bé sẽ phẫn uất với tên bạn trai cũ đang tâm đẩy người yêu vào chỗ chết vậy nhưng có ai sẽ phẫn uất với đám đông tung hô những clip như vậy? Nếu không có những đám đông đó thì những tội ác sẽ không xảy ra. Và giờ câu nói quyền lực nhất chính là: Mày thích tao cho mày lên facebook không?

Một lời đe dọa đáng sợ hơn bất kì phương thức kết án và thi hành án nào có trên cõi đời này. Tội ác cũng từ những lời đe dọa này mà ra đó thôi!

Một vài trường hợp tiêu biểu cho “tội ác thơ ngây”

Tháng 8.2016: Một nữ sinh lớp 10 tên H. (sống tại Sầm Sơn, Thanh Hóa) cũng bị nhóm bạn đánh hội đồng, lột áo ngay giữa đường. Theo đó, ba cô gái khác đã lao vào đấm đá, dùng mũ bảo hiểm đập vào đầu khiến H. bị thương. Chưa dừng lại, nhóm này còn cố lột quần áo của nữ sinh trước khi rời đi. Một số người nhanh chóng dùng điện thoại quay lại màn xô xát rồi đưa lên mạng. “Sau khi bị đánh, lột quần áo, mình xấu hổ nên không dám nói với gia đình, người thân. Sau đó, bố mẹ phát hiện sự việc, đưa mình đến viện kiểm tra và điều trị”, nữ sinh kể lại.

Đầu tháng 1 vừa qua, một học sinh lớp 7 tại Huế phải xin chuyển trường do bị lan truyền clip nhóm người đánh hội đồng mình và xuất hiện tâm lý sợ hãi bạn bè.

Cuối năm 2015, trường hợp nữ sinh lớp 10 tại Phú Thọ bị đánh dẫn đến đa chấn thương, chỉ vì mâu thuẫn nhỏ không đáng có. Nạn nhân thâm tím vùng mắt, lún xương cánh mũi. Sau vụ việc, cô gái phải điều trị mất một tháng. Đáng nói, lúc kể lại giây phút xô xát, bạn trẻ này vẫn có tâm lý rất hoảng sợ.

Đau lòng nhất có lẽ là trường hợp Đ.T.L. (15 tuổi, ở Hải Dương) bị nhóm bạn cầm guốc đánh vào người dẫn đến xuất huyết não, tử vong thương tâm có lẽ là bài học không thể quên với cộng đồng mạng xảy ra trong tháng 10 năm 2014. Tòa án Nhân dân Hải Dương đã đưa nhóm ba nữ sinh (cùng 15 tuổi) ra xét xử tội giết người. Sau sự việc, người chết, kẻ tù tội trong khi tuổi đời quá nhỏ, tương lai còn dài ở phía trước.

Đức Thành

Nguồn SaoStar: http://saostar.vn/doi-song-xa-hoi/khi-toi-ac-duoc-co-suy-thi-dieu-gi-se-xay-ra-834549.html