Khi Tòa án tối cao phải phán quyết về kết quả bầu cử tổng thống Mỹ...

(ĐVO) Chuyện gì sẽ xảy ra khi sau ngày bầu cử, người Mỹ phát hiện ra rằng kết quả bỏ phiếu tại một, ba, năm hoặc thậm chí nhiều bang gặp rắc rối và nước Mỹ bị kéo vào các cuộc tranh chấp trước tòa, khiến cho vụ Florida năm 2000 không thấm vào đâu?

Khả năng xảy ra tình trạng rắc rối đó chưa bao giờ lại lớn như hiện nay: Có đến trên 10 bang đang áp dụng luật bầu cử mới trong đợt bầu cử tổng thống lần này - liên quan đến việc chứng minh cử tri, bỏ phiếu sớm hay bỏ phiếu từ xa. Các bang còn lại đang thay đổi luật bầu cử theo cách kém rõ ràng hơn, ảnh hưởng đến chính quyền. Mỗi sự thay đổi luật lệ này đều làm tăng khả năng xẩy ra sai sót, nhầm lẫn không mong đợi hay trục trặc hệ thống.

Sự kiện bầu cử ở Palm Beach vẫn còn sống động: Nếu sự nhầm lẫn không cố ý của một cán bộ bầu cử địa phương thuộc đảng Dân chủ không xảy ra thì cựu Phó tổng thống Al Gore đã dễ dàng trúng cử chức tổng thống Mỹ.

Thêm vào đó, các đảng phái và những nhóm bên ngoài đang tìm cách chống lại những thay đổi này cùng với những lo ngại về việc các lá phiếu có thể bị lạm dụng.

Về phía đảng Dân chủ, nhiều người tin rằng hàng triệu cử tri có thể bị luật chứng minh cử tri tước mất quyền bầu cử. Hay các nhóm giám sát cử tri sẽ khiếu nại tính hợp pháp của các cử tri tại các khu vực bầu cử mà phe Dân chủ có ảnh hưởng mạnh, làm bế tắc quá trình bỏ phiếu. Nếu những khiếu nại đó đẩy lùi giờ bỏ phiếu khoảng một giờ hoặc lâu hơn nữa thì một số cử tri sẽ không thể hoặc không muốn chờ đến lượt để bỏ lá phiếu của mình cho Tổng thống Obama.

Chuyện gì sẽ xảy ra nếu cả Mitt Romney và Obama đều không thắng rõ ràng?

Phe Dân chủ cũng lo ngại về những gian lận trong đăng ký bầu cử của phe Cộng hòa. Tại bang trọng điểm Virginia, có hiện tượng vứt bỏ các phiếu đăng ký đi bầu của một số cử tri ủng hộ phe Dân chủ. Sự việc này xảy ra sau khi có tin tức nói rằng một công ty liên quan đến gian lận bầu cử đã làm việc cho chiến dịch vận động của Romney và đảng Cộng hòa ở bang Bắc Carolina, một bang trọng điểm khác.

Về phần mình, phe Cộng hòa dường như cũng rất lo sợ về gian lận trong số người nhập cư trái phép hay việc cử tri đi bỏ phiếu nhiều lần.

Những lo ngại về gian lận trong bầu cử sẽ hối thúc những người Cộng hóa theo dõi các cuộc bầu cử một cách quyết liệt hơn. Như cuộc bầu năm 2000 đã cho thấy không giống như hầu hết các nền dân chủ tiến tiến khác ở phương Tây, tại hầu hết các bang của Mỹ đều không có một hệ thống bầu cử phi đảng phái. Thay vào đó, những đảng viên của đảng này hay đảng kia được bầu vào hoặc được bổ nhiệm chịu trách nhiệm với các cuộc bầu cử.

Và không giống như hầu như tất cả các nền dân chủ tiên tiến khác trên thế giới, Mỹ có một hệ thống bầu cử nhà nước và địa phương thiếu đầu tư trầm trọng và có thể thiếu chính xác. Đối với một số phương pháp bỏ phiếu được sử dụng rộng rãi, tỷ lệ sai sót trên 2% số phiếu bầu. Nếu tỷ lệ này xảy ra ở Tây Âu thì sẽ gây nên một sự phẫn nộ lớn của công chúng. Tỷ lệ sai sót thậm chí còn cao hơn đối với các phiếu bầu vắng mặt.

Trong một cuộc bầu cử với hai ứng viên chạy đua sát nút như hiện nay, nhiều khả năng nước Mỹ sẽ gặp một cơn bão lớn về tranh chấp phiếu bầu. Và nếu điều đó xảy ra thì sẽ rất khó giải quyết.

Ngày nay người Mỹ ít tin tưởng vào các cơ quan trung lập hơn so với năm 2000, như Cục thống kê lao động (hàng tháng đưa báo cáo về công ăn việc làm) hay Viện thăm dò dư luận Gallup.

Bản thân Tòa án tối cao Mỹ cũng đã bị mất sự kính trọng trong con mắt công chúng. Việc cầu một tòa án tối cao giải quyết bế tắc trong bầu cử của một bang dễ hơn là việc tòa đi giải quyết tranh chấp ở nhiều bang cùng một lúc, mà mỗi bang lại có những khó khăn phức tạp riêng - theo luật lệ riêng của bang đó, với các thủ tục và tiền lệ phán quyết riêng của từng bang một. Cái giá mà nước Mỹ phải trả cho tình huống này sẽ cực kỳ đắt.

Lịch sử cho thấy các cường quốc lớn thường suy yếu nhanh nhất qua các cuộc đấu đá nội bộ. Đế chế La Mã không có kẻ thù nào lớn hơn là cuộc đấu đá giữa những người La Mã tranh giành quyền cai trị. Lợi ích của cuộc bầu cử này không thể cao hơn lợi ích của cả nước Mỹ theo cách mà nhiều người không nhận ra.

Nước Mỹ hiện đang phải đối mặt với một vấn đề to lớn và đó là vấn đề: Liệu Mỹ có thể chuyển giao quyền lực một cách êm thấm mà không vấp phải tranh cãi chua cay giữa hai chính đảng và rơi vào bất ổn hàng tuần liền sau bầu cử?

Câu trả lời nằm trong các lá phiếu của cử tri Mỹ ngày 6 tháng 11 tới. Liệu cuối cùng cử tri Mỹ sẽ quyết định một tổng thống Romney hay một tổng thống Obama là tốt hơn hoặc không có một tổng thống nào trong một thời gian khá dài sau bầu cử.

Nguồn Đất Việt: http://baodatviet.vn/Home/thegioi/Khi-Toa-an-toi-cao-phai-phan-quyet-ve-ket-qua-bau-cu-tong-thong-My/201211/241921.datviet