Khi thành tích giả được dung túng, chất lượng giáo dục thật ngày càng kém đi

Do phải đối phó nên cả hệ thống buộc phải chạy theo hư danh, học sinh dù yếu nhưng cũng cố tìm cách để đẩy thành thành tích cao hơn. Các trường nhăm nhăm tuyển học sinh giỏi, không muốn nhận học sinh yếu kém cả về năng lực chuyên môn lẫn phẩm chất, đạo đức.

Câu chuyện học sinh (HS) ở Sóc Trăng mặc dù học đến lớp 6 nhưng buộc phải trả lại học từ lớp 1 vì chưa biết đọc, viết chưa rành, làm các phép tính đơn giản không thông đang “làm nóng” dư luận cả nước trong những ngày qua. Vì sao những câu chuyện lạ đời và đáng buồn này vẫn tiếp tục tiếp diễn? Khắc phục tình trạng trên bằng cách nào? PV Báo CAND đã có cuộc trao đổi với GS Đào Trọng Thi, nguyên Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên, Nhi đồng của Quốc hội xung quanh vấn đề này.

PV: Thưa GS Đào Trọng Thi, từ câu chuyện về một HS lớp 6 ở Sóc Trăng chưa đọc thông, viết thạo phải trả về lớp 1 đã dấy lên trong dư luận nhiều suy nghĩ. Theo GS, đây là lỗi của giáo viên, lỗi của hiệu trưởng hay lỗi hệ thống?

GS Đào Trọng Thi: Hiện tượng này không mới, trước đây chúng ta đã từng gặp một số trường hợp tương tự mà người ta thường gọi là “học nhầm chỗ”. Tuy nhiên, đây là một sự việc không thể chấp nhận được, kéo dài, gây hậu quả nghiêm trọng.

Thường thì chúng ta hay gặp các hiện tượng như phụ huynh cố xin cho con được điểm cao hơn hoặc tìm đủ mọi cách để con được lên lớp. Nhưng trong câu chuyện này, phụ huynh đã nhận ra, đã xin cho con được ở lại lớp nhưng nhà trường vẫn không chịu. Do vậy, hiện tượng này mang tính thách thức đối với kỷ luật dạy học cũng như yêu cầu về đánh giá kết quả của học sinh, về tiêu chuẩn đánh giá chất lượng giáo dục...

GS Đào Trọng Thi.

Nhiều người gọi đó là bệnh thành tích, nhưng theo tôi cần phải làm rõ hơn, phân tích cụ thể hơn để thấy rõ lỗi từ giáo viên, hiệu trưởng đến đâu, lỗi do quy định của ngành giáo dục, của hệ thống nói chung để từ đó có thể đưa ra phương hướng khắc phục chính xác nhất.

PV: Thưa GS, hiện có ý kiến cho rằng, dù là lỗi của ai thì câu chuyện đáng buồn này cũng là minh chứng rõ nhất cho bệnh thành tích, đã và đang ngày càng trầm trọng trong giáo dục?

GS Đào Trọng Thi: Như tôi đã nói, trong câu chuyện này, chúng ta cần phân tích theo hai khía cạnh. Khía cạnh thứ nhất, về phía nhà trường, ở đây, cả giáo viên và hiệu trưởng đã không thực hiện nghiêm túc trách nhiệm của mình trong việc đánh giá kết quả học tập của học sinh. Tạo ra sự không chính xác, không công bằng mà nghiêm trọng hơn, làm cho học sinh mất trắng cơ hội trong 6 năm học tập, đẩy các em rơi vào tình trạng càng ngày không thể tiếp thu được theo chương trình đào tạo của lớp.

Theo giải thích của những người trong cuộc, không phải người thầy không đủ năng lực đánh giá học sinh mà chủ yếu là do đối phó. Người thầy vì sợ mất thành tích của mình, của lớp, của trường nên đã tìm cách đối phó với quy định, đẩy hoàn toàn thiệt hại về phía học sinh, khiến học sinh phải lãnh hết mọi hậu quả. Dù với lý do gì thì đây cũng là hiện tượng không đáng có trong môi trường giáo dục, cần lên án một cách nghiêm khắc và xử lý nghiêm túc.

Tuy nhiên, nếu nhìn ở khía cạnh thứ 2 thì cũng có những điều nhà trường cần được cảm thông. Đó chính là những bất cập trong tiêu chí thi đua khen thưởng hiện nay khiến nhà trường phải chịu sức ép lớn. Vì nếu số lượng học sinh ở lại lớp quá quy định, trường sẽ mất tiêu chuẩn thi đua, không đạt yêu cầu của tiêu chí chuẩn quốc gia. Sức ép này khiến nhà trường buộc phải làm chuyện ngược đời là không cho học sinh kém được ở lại lớp.

Cá nhân tôi cho rằng, trong câu chuyện này, người thầy đang thiên về đối phó với quy định bất hợp lý, phản khoa học và lỗi thời trong giáo dục hơn là tạo ra một kết quả giả dối để nâng mình lên, để nhận một thành tích không xứng đáng... Vì vậy, nếu nói đây là bệnh thành tích sẽ là chưa thật đúng và có phần đổ hết lỗi về phía nhà trường. Trong khi đó, đây còn có lỗi của quy định bất hợp lý của nhà nước nói chung, ngành Giáo dục nói riêng trong việc xác định các tiêu chí thi đua, khen thưởng.

PV: Nếu câu chuyện trên không phải là biểu hiện của bệnh thành tích, thì chúng ta nên gọi nó là bệnh gì mới đúng, thưa GS?

GS Đào Trọng Thi: Theo tôi, chúng ta nên nhận thức chính xác về khái niệm. Bệnh thành tích là các địa phương cố gắng để nâng tỷ lệ tốt nghiệp; giáo viên đẩy tỷ lệ HS giỏi lên cao hơn so với thực tế để lấy thành tích; các cá nhân, tổ chức cố gắng chạy để được trường tiên tiến, chuẩn quốc gia, huy chương, huân chương, bằng khen... tức là cố gắng chạy và được công nhận hơn mức mà anh đáng được nhận.

Còn ở câu chuyện này có sự khổ tâm của giáo viên và nhà trường trong việc phải đối phó với các quy định bất hợp lý. Nói cách khác, hệ thống các quy định cứng nhắc, không phù hợp buộc con người phải sống giả dối để tồn tại.

Do vậy, cá nhân tôi cho rằng, đây không phải là bệnh thành tích mà bệnh đối phó, xuất phát từ nhận thức không đúng về thi đua của ngành Giáo dục nói chung, đánh giá về thành tích của hoạt động dạy và học nói riêng.

Do phải đối phó nên cả hệ thống buộc phải chạy theo hư danh, học sinh dù yếu nhưng cũng cố tìm cách để đẩy thành thành tích cao hơn. Các trường nhăm nhăm tuyển học sinh giỏi, không muốn nhận học sinh yếu kém cả về năng lực chuyên môn lẫn phẩm chất, đạo đức.

PV: Nói như vậy, có nghĩa là ngành Giáo dục đang có nhầm lẫn trong việc đánh giá thành tích của hoạt động dạy và học của giáo viên trong nhà trường, thưa GS?

GS Đào Trọng Thi: Điều khiến cá nhân tôi suy nghĩ nhiều nhất trong câu chuyện đáng buồn trên là chúng ta đang nhầm lẫn trong việc đánh giá thành tích của hoạt động dạy học của giáo viên trong nhà trường. Thành tích của giáo viên lẽ ra phải là kết quả gia tăng trong suốt quá trình dạy và học thì chúng ta lại đi đánh giá kết quả tuyệt đối.

Ví dụ thế này, khi so sánh giữa 2 người giáo viên, giáo viên thứ nhất dạy một học sinh từ khá thành giỏi và giáo viên thứ 2 dạy một học sinh yếu thành trung bình thì rõ ràng người giáo viên thứ 2 giỏi hơn vì đã có công biến một học sinh có khởi điểm (yếu) đến kết thúc tốt hơn (trung bình).

Tuy nhiên, quy trình đánh giá trong giáo dục hiện nay lại đang đi ngược lại. Tức là người giáo viên dù có nỗ lực dạy học sinh từ yếu lên trung bình thì vẫn bị đánh giá là yếu kém hơn so với người giáo viên dạy học sinh từ khá thành giỏi.

Hệ quả của việc đánh giá này là đẩy nhà trường, giáo viên vào tình thế chẳng ai muốn nhận học sinh kém, tìm đủ mọi cách để từ chối học sinh kém vì sợ ảnh hưởng đến thành tích của mình và của nhà trường.

Và nếu không may rơi vào tình thế lớp có học sinh kém, như trường hợp em học sinh lớp 6 ở Sóc Trăng, thì phải tìm cách đối phó để cho nó không được kém, tức là vẫn được lên lớp bình thường dù học sinh đó chưa đọc thông, viết thạo.

PV: Thưa GS, phải chăng, nếu ngành Giáo dục không thay đổi cách đánh giá thì những câu chuyện đáng buồn trên sẽ vẫn còn tiếp diễn?

GS Đào Trọng Thi: Như tôi đã nói, nếu chỉ dựa vào kết quả tuyệt đối sẽ là phản khoa học và lỗi thời. Thực tế cho thấy, lĩnh vực giáo dục là lĩnh vực đặc thù vì sản phẩm đầu vào không đồng nhất mà rất đa dạng, sản phẩm đầu ra cũng không giống nhau. Do vậy, đánh giá giáo viên cần phải tính cả một quá trình, phải dựa vào giá trị gia tăng từ đầu vào cho đến đầu cuối, xem nó gia tăng, tiến bộ được bao nhiêu.

Chuẩn của giáo dục không phải là chuẩn tối đa mà tối thiểu. Trong số các em được tốt nghiệp, tức là phải đạt chuẩn tối thiểu thì mức độ tốt nghiệp và đạt chuẩn cũng sẽ khác nhau, có em tốt nghiệp loại giỏi, khá, trung bình.

Hồi tôi công tác ở Đại học Quốc gia Hà Nội, khi nhà trường mở lớp cử nhân tài năng, tôi đã nói đùa với các giáo viên trong trường rằng, các em đỗ vào lớp tài năng đều giỏi sẵn rồi nên các thầy đừng nghĩ công của mình. Phải làm sao nâng cái giỏi vốn có của học sinh lên, đó mới là công của các thầy. Nói tóm lại, mức độ tiến bộ của học sinh mới là thước đo thành tích của giáo viên, nhà trường, chứ không phải là kết quả tuyệt đối.

PV: Hiện có ý kiến cho rằng, thi đua cũng giống như con dao hai lưỡi, nó có thể là động lực cho các cấp các ngành phấn đấu nhưng nếu không khẳng định bằng chính sức mình thì nó có thể trở thành một kết quả dối trá. Theo GS, chúng ta nên đặt tiêu chí thi đua như thế nào để có kết quả chính xác và hạn chế tối đa tiêu cực?

GS Đào Trọng Thi: Thi đua là tốt và luôn cần thiết, đặc biệt là trong lĩnh vực giáo dục và đào tạo. Đã thi đua thì phải đặt ra chỉ tiêu cụ thể, khoa học để mà phấn đấu. Vấn đề là các cơ quan nhà nước phải thanh tra, kiểm tra giám sát để không có hiện tượng như học sinh lớp 6 vẫn không biết đọc, biết viết.

Hơn nữa, nếu chúng ta đặt tiêu chuẩn thi đua quá cứng nhắc và phản khoa học thì nhiều khi người ta vẫn phải lách quy định để đối phó, dễ dẫn đến tiêu cực. Và mỗi khi thành tích giả vẫn được dung túng thì rõ ràng chất lượng thật về giáo dục cũng như chất lượng về các công việc của đất nước nói chung rất kém...

Qua câu chuyện cho thấy, vẫn còn những bất cập trong chính sách thi đua khen thưởng mà nhà nước và các cơ quan hành chính sự nghiệp, ở đây là Ban Thi đua khen thưởng Trung ương, Luật Thi đua khen thưởng nói chung, hệ thống thi đua khen thưởng của ngành Giáo dục nói riêng cần phải xem xét để điều chỉnh phù hợp hơn. Bởi chỉ khi nào tiêu chí thi đua khoa học, sát thực thì kết quả thi đua mới thực chất và chính xác.

PV: Xin cảm ơn GS về cuộc trò chuyện này!

Huyền Thanh (thực hiện)

Nguồn CAND: http://cand.com.vn/giao-duc/khi-thanh-tich-gia-duoc-dung-tung-chat-luong-giao-duc-that-ngay-cang-kem-di-411737/