Khi thang giá trị về nhiếp ảnh bị đảo lộn

Trong sự sáng tạo của nhiếp ảnh, ranh giới giữa phản cảm và nghệ thuật rất mong manh. Vì thế, câu chuyện sáng tạo luôn là đề tài nóng hổi ở bất kỳ thời điểm và lĩnh vực nghệ thuật nào.

Mới đây, những bộ ảnh như “Tuyệt tình cốc”, “Thôn nữ”, rồi đến hình ảnh hai cô gái ăn mặc hở hang, tạo dáng khêu gợi bên cạnh ông lão đang cặm cụi làm việc trong lò gốm…, dường như đang cổ súy cho một trào lưu của nhiếp ảnh gia trẻ, mẫu trẻ chụp ảnh hở hang với nhiều mục đích khác nhau. Nhiều độc giả cho rằng, nếu các cơ quan quản lý văn hóa không siết chặt quản lý và bản thân người nghệ sĩ không có nỗ lực để khẳng định mình thì nền nhiếp ảnh Việt Nam sẽ trở thành thảm họa.

Giới trẻ đang say mê với trào lưu chụp ảnh nghệ thuật (ảnh minh họa).

Nhiếp ảnh gia Na Sơn cho hay, với tư cách một người cầm máy, không có lý do gì để gọi những thứ này là ảnh. Đây chỉ là sự sao chép ý tưởng rồi chụp ảnh với mục đích khoe thân để đổi lấy sự nổi tiếng. “Một trong những nhiếp ảnh gia ưa thích của tôi là Nobuyoshi Araki. Ảnh của ông thoạt trông thì có vẻ phản cảm. Nhưng tất cả những điều ấy là do ý đồ của ông, muốn thông qua cơ thể phụ nữ được thể hiện câu chuyện về giải phóng tình dục, vị trí của phụ nữ... trong xã hội Nhật Bản. Xem ảnh của Araki một cách kỹ càng thì từ người không hiểu gì về nghệ thuật cũng như dân ảnh chuyên nghiệp sẽ bị ám ảnh không dứt về cảm xúc. Đấy là lý do tại sao Araki luôn có một vị trí rất cao trong sự đánh giá của giới nhiếp ảnh thế giới”- nhiếp ảnh gia Na Sơn chia sẻ.

Nhận định về những bộ ảnh gây xôn xao dư luận vừa qua, ông Vi Kiến Thành – Cục trưởng Cục Mỹ thuật, Nhiếp ảnh và Triển lãm cho hay, tôi cho là đây là hình thức chụp ảnh theo ý thích của cá nhân người chụp và người mẫu. Về mặt thẩm mĩ thì nó không có sáng tạo gì cả, nó chỉ giải quyết vấn đề cá nhân người chụp để thỏa mãn mong muốn được giới thiệu hình ảnh của họ thôi. Chắc chắn đây không phải nghệ thuật. Theo đánh giá của ông Thành: “Hiện nay, ở Việt Nam phong trào chụp, sáng tác ảnh lan rộng chưa từng có. Thế hệ nhiếp ảnh trẻ hiện nay rất đông đảo, chỉ cần có một chiếc điện thoại là có thể tham gia vào đời sống nhiếp ảnh. Nhiếp ảnh tuy là nghệ thuật nhưng nó gần như là phổ cập và có tính xã hội hóa cao. Ai cũng có thể chụp ảnh, chưa kể đến nhiều phần mềm tiện ích làm đẹp ảnh lên hơn rất nhiều. Tuy vậy ảnh sáng tác thì rất nhiều, nhưng ảnh chất lượng cao thì ít. Cái khó của nhiếp ảnh hiện nay là phân biệt thế nào là ảnh nghệ thuật và ảnh bình thường. Người ta cứ nghĩ có một chiếc máy xịn là sẽ ra đời những tác phẩm nghệ thuật. Nhưng từ những bức ảnh đó đến nghệ thuật là cả một khoảng cách rất xa”.

Hiện nay, có đầy đủ các trường lớp đạo tạo chuyên nghiệp về nhiếp ảnh, trong đó phải kể đến trường Đại học Sân khấu – Điện ảnh, Học viện Báo chí và Tuyên truyền, Khoa Báo chí của Đại học Tổng hợp…Nhiếp ảnh đã trở thành ngành có tính xã hội rất rộng rãi, đại chúng. Theo ông Thành, cái cần làm hiện nay là tổ chức nhiều hoạt động triển lãm, những cuộc thi về nhiếp ảnh để các bạn trẻ có sân chơi sáng tạo, thể hiện những quan điểm, tư tưởng của mình để hình thành những thang giá trị “chân – thiện – mỹ” về nghệ thuật. Chúng ta đang cần phải xác lập lại những thang giá trị đó, chứ nếu không như hiện nay các thang giá trị đang bị đảo lộn. “Người ta đang nhầm lẫn hay lên báo, truyền hình hay trên mạng xã hội được rất nhiều người biết đến thì là nổi tiếng, là hay, là giỏi. Đấy là do những thang giá trị bị đảo lộn. Vì vậy, chúng ta rất cần có những hoạt động nghề nghiệp, những cuộc thi trao giải thưởng để làm sao điều chỉnh lại, xác định lại thang giá trị cho nghệ thuật cũng như giới trẻ làm nghệ thuật”, ông Thành khẳng định.

Cũng theo ông Thành, một tác phẩm ảnh thành công phải hội tụ đủ hai điều kiện, đó là giá trị tư tưởng, nội dung và nghệ thuật thể hiện. Một tác phẩm có giá trị là phải đưa được những thông điệp lành manh, nhân văn đến với người xem. Về chuyên môn, nghiệp vụ kỹ thuật thì phải có những nguyên tắc tối thiểu về ánh sáng, bố cục, thời điểm bấm máy… Ngoài ra còn cần có nền tảng văn hóa cao và còn phải có tài năng, năng khiếu về nghệ thuật nữa. Do vậy để có được tác phẩm ảnh có giá trị nghệ thuật cao, thì mỗi người cầm máy phải không ngừng học hỏi, rèn luyện kỹ năng nghề nghiệp, kiến thức về văn hóa xã hội, để mỗi tác phẩm ảnh không chỉ đẹp về hình thức mà còn sâu sắc về nội dung. Những nhiếp ảnh gia trẻ tuổi cần có bản lĩnh người cầm máy, cùng nhãn quan chính trị, lòng yêu nghề để cho ra đời những tác phẩm mang bản sắc văn hóa Việt, có giá trị cao về tư tưởng và nghệ thuật làm rung động những người yêu thích nghệ thuật nhiếp ảnh.

Phương Bùi

Nguồn LĐTĐ: http://laodongthudo.vn/khi-thang-gia-tri-ve-nhiep-anh-bi-dao-lon-51072.html