Khi những trái tim cất vang lời ca...

Chỉ trong 1 năm đã có 201 tác phẩm tham dự cuộc vận động sáng tác ca khúc mới về ngành GTVT.

Phó chánh Thanh tra Bộ GTVT Lê Văn Doãn (trái) và nhạc sỹ Hoàng Long, đồng tác giả bài hát “Người chiến sỹ giao thông” là bạn thân cùng học Đại học GTVT - Ảnh: Khánh Linh

Phó chánh Thanh tra Bộ GTVT Lê Văn Doãn (trái) và nhạc sỹ Hoàng Long, đồng tác giả bài hát “Người chiến sỹ giao thông” là bạn thân cùng học Đại học GTVT - Ảnh: Khánh Linh

Trưởng ban Tổ chức Cuộc vận động sáng tác ca khúc mới về ngành GTVT - Thứ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Hồng Trường cho biết, ông thực sự cảm kích khi chỉ trong vòng 1 năm đã có 201 tác phẩm gửi tham dự cuộc vận động. Trong đó có nhiều tác phẩm được viết từ những rung cảm và trải nghiệm sâu sắc về ngành.

Những giá trị tinh thần đặc biệt

Trao đổi với PV, Thứ trưởng Nguyễn Hồng Trường cho biết: “Tháng 8/2015, nhân dịp kỷ niệm 70 năm ngày Truyền thống ngành GTVT, bên cạnh hàng loạt chương trình đền ơn đáp nghĩa, tri ân thế hệ đi trước, Bộ GTVT đã tổ chức chương trình Bình chọn 10 ca khúc về ngành GTVT được bạn đọc yêu thích nhất và chương trình nghệ thuật Đi trước mở đường, trao tặng Kỷ niệm chương ngành GTVT cho các nhạc sỹ, ca sỹ đã có những đóng góp, cống hiến to lớn vào sự phát triển của ngành GTVT.

11 tác phẩm được trao giải

Giải Nhất được trao cho tác phẩm Người chiến sỹ giao thông (Lời thơ: Lê Văn Doãn; Nhạc: Hoàng Long); 2 giải Nhì thuộc về tác phẩm Con đường em trong mơ (tác giả Duy Thịnh) và Đi trước mở đường (tác giả Nguyễn Mai Kiên); 2 giải Ba được trao cho tác phẩm Một vòng Việt Nam (tác giả Lưu Hà An) và Giao thông vận tải con đường vươn xa (tác giả Trần Khắc Tiệp).

Ngoài ra, BTC cũng trao 6 giải Khuyến khích cho các tác phẩm: Bài ca thông hầm Đèo Cả (tác giả Nguyễn Vĩnh Lộc); Những lá cờ Tổ quốc trên biển (tác giả Nguyễn Vĩnh Phúc); Nhịp cầu sông Chanh (tác giả Vũ Việt Hồng); Mạch sống yêu thương - mạch sống con đường (tác giả Võ Văn Trung); Khúc ca ngành giao thông vận tải (tác giả Lê Đặng Bảo Anh); Tình yêu người thợ cầu (tác giả Thiều Lê Chi).

Những ca khúc có giá trị gắn liền với lịch sử phát triển ngành GTVT đã trở thành nguồn động viên tinh thần to lớn với cán bộ, công nhân viên chức, người lao động trong ngành GTVT qua nhiều thế hệ. Những ca khúc: Bài ca giao thông vận tải (NS Hoàng Vân), Cô gái mở đường (NS Xuân Giao), Đường bốn mùa xuân (NS Đỗ Nhuận), Bến cảng quê hương tôi (NS Hồ Bắc), Yêu biết mấy những con đường (NS Phạm Tuyên)… đã trở thành những giá trị tinh thần đặc biệt với ngành GTVT, là tài sản văn hóa chung của dân tộc.

Tiếp nối kho tàng ca khúc đồ sộ về ngành qua hai cuộc kháng chiến và những năm đầu kiến thiết đất nước, với mong muốn có những ca khúc hay, chất lượng, có sức lan tỏa về ngành trong thời kỳ đổi mới, Bộ GTVT đã phối hợp với Hội Nhạc sỹ VN phát động Cuộc vận động sáng tác ca khúc mới về ngành GTVT”.

Theo Thứ trưởng Nguyễn Hồng Trường, cuộc vận động nhằm khuyến khích, tạo điều kiện cho các nhạc sỹ tìm hiểu, chia sẻ với thực tế sống động của ngành GTVT để sáng tác các tác phẩm mới. Qua các ca khúc, khơi dậy niềm tự hào về truyền thống của ngành, về sứ mệnh của ngành trong mỗi cán bộ, công nhân viên chức, người lao động ngành Giao thông; Động viên người lao động phấn khởi, thực hiện thắng lợi nhiệm vụ trong giai đoạn mới.

“Ngành Giao thông đang đứng trước những trọng trách lớn như: Tiếp tục kiềm chế, đẩy lùi TNGT, ùn tắc giao thông; Kiến tạo môi trường sản xuất kinh doanh thuận lợi cho cộng đồng doanh nghiệp; Phát triển hài hòa các phương thức vận tải, nâng cao hiệu quả quản lý Nhà nước, công khai minh bạch trong mọi hoạt động; Đảm bảo mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội và lợi ích chính đáng của nhân dân, trọng trách ấy sẽ được thực hiện tận tâm hơn khi mỗi chúng ta ý thức được sứ mệnh vinh quanh của ngành”, Thứ trưởng chia sẻ.

Thứ trưởng Nguyễn Hồng Trường chủ trì cuộc họp Ban tổ chức cuộc vận động sáng tác ca khúc về ngành GTVT - Ảnh: Hoàng Nam

Những xúc cảm đẹp đẽ

Theo ông Nguyễn Bá Kiên, Tổng biên tập Báo Giao thông, Phó trưởng Ban Tổ chức, sau một năm phát động, Ban tổ chức đã nhận được 201 ca khúc dự thi, trong đó có 141 ca khúc có bản thu âm (CD).

Gần 200 tác giả dự thi là những nhạc sỹ chuyên và không chuyên tại các tỉnh, thành trên cả nước đã gửi tác phẩm được chau chuốt, được tạo nên từ những xúc cảm đẹp đẽ, rung động trong cuộc sống. Từ nhịp khoan sôi nổi trên công trường, sự háo hức của từng mũi khoan lần đầu tiên thông hầm bằng công nghệ mới tới sự điềm tĩnh, chắc chắn của những người cầm lái đưa những chuyến tàu yên bình xuyên đêm; Từ khát vọng của những người “chiến sỹ giao thông” vượt khó tạo nên kỳ tích mới đến những câu chuyện tình yêu nảy nở bên những nhịp cầu mới bắc qua sông, những chuyến hàng tíu tít từ Bắc vô Nam, những chuyến bay vươn tới chân trời mới…

Các ca khúc dự thi được Hội đồng thẩm định gồm 5 nhạc sỹ do Chủ tịch Hội Nhạc sỹ VN Đỗ Hồng Quân làm Trưởng ban đánh giá có chất lượng cao, nhiều ca khúc được phối khí, thu thanh công phu, nội dung đề cập tới hầu hết các lĩnh vực hoạt động của ngành GTVT như: Hàng không, hàng hải, đường bộ, đường sắt, đường thủy... Nhiều tác giả nhiệt tình gửi tới Ban tổ chức 2, 3 bài có thu âm, phối khí rất cẩn thận.

Tinh thần và sự hy sinh của các chiến sỹ TNXP đã thấm vào lời ca và giai điệu bài hát “Người chiến sỹ giao thông” của hai tác giả (Trong ảnh: TNXP, công nhân Ty GTVT Quảng Bình làm đường vận chuyển lương thực từ Phà Gianh lên Ba Trại) - Ảnh: Tư liệu

Nhạc sỹ Nguyễn Cường, thành viên Hội đồng thẩm định cho biết, ông không bất ngờ khi cuộc vận động nhận được nhiều tác phẩm dự thi bởi lĩnh vực giao thông vô cùng hấp dẫn với rất nhiều câu chuyện, cảm hứng có thể tạo nên những tác phẩm nghệ thuật thực sự sâu sắc.

Cuộc vận động thu hút được nhiều nhạc sỹ chuyên và không chuyên tham gia gửi tác phẩm với thể loại phong phú, nhiều ca khúc đã thể hiện được tình cảm sâu sắc về ngành như: Người chiến sỹ Giao thông (Giải Nhất), Con đường em trong mơ (Giải Nhì), Đi trước mở đường (Giải Nhì), Một vòng Việt Nam (Giải Ba), Tình yêu người thợ cầu (Giải khuyến khích)…

Qua hai vòng chấm sơ khảo và chung khảo, Hội đồng thẩm định gồm 5 nhạc sỹ đã thống nhất không có tác phẩm được trao giải Đặc biệt. 11 tác phẩm có số điểm cao nhất tính từ cao xuống thấp được trao giải theo thể lệ gồm: 1 giải Nhất, 2 giải Nhì, 2 giải Ba và 6 giải Khuyến khích.

Đêm trao giải và công diễn tác phẩm được Bộ GTVT phối hợp Hội Nhạc sỹ VN, Đài Tiếng nói VN tổ chức vào lúc 20h tối 27/8 tại Nhà hát Đài Tiếng nói VN 58 Quán Sứ, Hà Nội và được phát sóng trực tiếp trên các kênh của Đài.

Cuộc vận động sáng tác rất thành công

Là Chủ tịch Hội đồng thẩm định, TS.NS. Đỗ Hồng Quân, Chủ tịch Hội Nhạc sỹ Việt Nam đánh giá đây là một cuộc vận động sáng tác rất thành công. Tuy thời gian phát động không dài nhưng số lượng bài tham gia lớn. Hiệu quả, giá trị của bài hát thể hiện đúng tinh thần hưởng ứng cuộc vận động sáng tác kỷ niệm 70 năm ngành GTVT. Bên cạnh đó, cuộc vận động thu hút được nhiều nhạc sỹ chuyên và không chuyên tham gia gửi bài sáng tác. Có nhiều nhạc sỹ là những người trong ngành GTVT, có người không phải chỉ là nhạc sỹ mà còn là nhà thơ, nhà báo lâu năm gắn bó với ngành GTVT nên nội dung các ca khúc rất sâu sắc. Các tác phẩm tham dự đáp ứng chủ đề tư tưởng cuộc vận động đặt ra, các bài hát tập trung vào đề tài GTVT với sự hiện diện của các ngành nghề đặc thù.

Trả lời về chất lượng các tác phẩm dự thi, nhạc sỹ Đỗ Hồng Quân cho biết, một số bài nổi bật, nhận được đánh giá đồng thuận cao của Hội đồng thẩm định đã lọt vào danh sách được trao giải. Đa phần các tác phẩm dự thi có cấu trúc, giai điệu tiết tấu theo lối ngẫm ngợi, đi vào các câu chuyện, tâm sự, mang tính chất ngợi ca. Đại đa số ca khúc ngắn gọn, bên cạnh đó có một số bài hợp xướng, hợp ca nam nữ được đánh giá cao, nhiều ca khúc được thu âm phối khí rất tốt. Một số tác phẩm mang âm hưởng dân ca dân gian, dân tộc đã làm cho cuộc vận động sáng tác có màu sắc phong phú và các chủ đề được thể hiện sâu hơn, đa dạng hơn. Ông chia sẻ thêm, chỉ có một chút ông cảm thấy tiếc nuối là cuộc vận động còn ít bài hát theo phong cách nhạc trẻ mới, sôi động, mạnh mẽ.

Cần phổ cập, lan tỏa ca khúc ngành

Trong cuộc vận động sáng tác này, không ít bài hát đã vượt ra khỏi khuôn khổ một bài ngành ca, chạm tới trái tim của nhiều người, bởi giai điệu gần gũi, bởi những ca từ đẹp mang đến một góc nhìn khác về “những người lính mặc áo ngành”. Họ đang âm thầm cống hiến, dựng xây đất nước hôm nay.

Theo nhạc sỹ Trương Ngọc Ninh, thành viên Hội đồng thẩm định, những bài hát đoạt giải sẽ trở thành những phần quan trọng trong kho tàng âm nhạc đồ sộ về ngành Giao thông, trong kho tàng âm nhạc của đất nước. Việc cần làm là ngành Giao thông phải phổ biến rộng rãi những tác phẩm đoạt giải. “Phải đưa các tác phẩm đến gần hơn với người nghe, như là phát ở nhà ga, bến cảng, thậm chí trên các chuyến xe khách, rất nhiều ca khúc sẽ được đón nhận”, nhạc sỹ nói.

Ông Lê Văn Doãn, Phó chánh Thanh tra Bộ GTVT, tác giả phần lời của ca khúc đoạt giải Nhất chia sẻ: “Cuộc vận động đã tìm ra được nhiều bài hát hay, qua vẻ đẹp của nghệ thuật sẽ khuyến khích mọi người cống hiến nhiều hơn cho ngành, giúp xã hội hiểu hơn ngành GTVT”. Đồng quan điểm, nhạc sỹ Hoàng Long cũng khẳng định: “Cuộc vận động rất có ý nghĩa, các ca khúc có thể khiến người lao động thêm tự hào, thêm yêu hơn truyền thống của ngành, qua đó động viên mọi người thi đua làm việc tốt”.

Riêng nhạc sỹ Duy Thịnh, tác giả ca khúc Con đường em trong mơ đoạt giải Nhì hào hứng cho biết, cuộc vận động đã động viên anh em giới sáng tác chúng tôi có thêm những ca khúc đẹp, đầy ý nghĩa và đóng góp thêm giá trị văn hóa cho xã hội.

Phạm Lý - Vân Anh

Sự rung động của những lần đầu

Hầm Đèo Cả được đi vào lời ca

Tác giả Trần Khắc Tiệp (Hà Nội) đoạt giải Ba với ca khúc Giao thông vận tải con đường vươn xa thổ lộ, bài hát được anh viết tình cờ và cũng là lần đầu tiên trong đời anh dự thi. Anh chia sẻ: “Tôi đã rất hào hứng muốn thử sức sáng tác, viết nên cảm xúc chân thành trong lòng mình. Nhận được thông tin mình đoạt giải Ba vào một buổi trưa, tôi cảm thấy đó là điều sung sướng nhất trong đời mình. Tôi đã gọi điện thoại ngay cho người bạn đã giới thiệu và khuyến khích tôi tham gia cuộc thi ấy, cảm giác được đón nhận và chia sẻ hạnh phúc mình có, đó là điều thật tuyệt vời!”.

Anh Tiệp cho biết thêm, do không công tác trong ngành Giao thông nên khi cảm xúc đến, anh đã chọn những tâm điểm nóng nhất của ngành Giao thông để viết. Anh mong muốn thông điệp của con đường vươn xa đại diện cho ngành Giao thông, luôn luôn đi lên và có những tiếp nối truyền thống. Chính vì thế, trong ca khúc của anh, âm nhạc hợp với thời đại, có tiếng nói của giới trẻ và sự hội nhập. Tác giả nhận định thêm, cuộc vận động sáng tác rất có ý nghĩa, tôi đánh giá rất cao tầm vóc cũng như chất lượng mà nó mang lại.

Tương tự, nhạc sỹ Nguyễn Vĩnh Lộc - tác giả ca khúc Bài ca thông hầm Đèo Cả (giải Khuyến khích) cho hay, ông sáng tác bài hát sau chuyến đi công tác trong hầm Đèo Cả. “Khi vào trong hầm, nghe tiếng vang vọng ghê gớm của những tiếng đào, tiếng xúc rợn người. Cảm giác thi công xuyên hầm thật ít người có thể trải nghiệm. Nhìn anh em công nhân hăng say làm việc trong điều kiện khó khăn và không ít nguy hiểm, tôi cảm kích vô cùng”, nhạc sỹ Nguyễn Vĩnh Lộc nói. Khi biết tin ca khúc của mình đoạt giải, nhạc sỹ Nguyễn Vĩnh Lộc hết sức vui mừng bởi đã khắc họa thành công hình ảnh những con người “đi trước mở đường” của ngành Giao thông.

Khúc tráng ca của thời đại mới

Tàu Thống Nhất Bắc - Nam là hình ảnh tạo cảm hứng trong nhiều sáng tác của các nhạc sỹ - Ảnh: Ngô Vinh

Những khát khao của thế hệ những người chiến sĩ giao thông thời đại mới được khắc họa rõ hơn với những hình ảnh mang hào khí tuổi trẻ sục sôi tình yêu quê hương lay động lòng người được thể hiện trong ca khúc Đi trước mở đường (tác giả Nguyễn Mai Kiên): “Vượt đèo cheo leo đi tới phương xa. Đoàn tàu xuyên núi Bắc Nam chung vui. Lời hát gửi trao mọi miền Tổ quốc. Ga đến ga đi tuyến đường yêu thương. Hải đảo xa xôi nơi ấy ta yêu. Buồm căng gió lớn ta đi muôn phương. Kìa dòng sông xanh đổ ra biển lớn. Đây tàu ra khơi nối bến bờ xa”.

Cùng đó, những ca từ đẹp và đắt giá lôi cuốn người nghe: “Mở đường ta đi hướng tới tương lai. Đường từ tâm huyết cháy lên trong tim. Miền núi miền xuôi, chiều dài đất nước. Mạch máu giao thông một giải non sông”.

Những ca từ như thế của Đi trước mở đường là khúc tráng ca của thời đại mới, mang theo truyền thống anh hùng của dân tộc Việt Nam. Và hơn hết, nó chính là nguồn động lực cho những thế hệ nối tiếp dốc lòng vì non sông Tổ quốc. Những thế hệ ấy luôn khắc ghi những con đường ta đi được xây dựng từ biết bao mồ hôi, xương máu của cả dân tộc một thời.

Hay như trong bài Giao thông vận tải con đường vươn xa (tác giả Trần Khắc Tiệp) lại là hình ảnh tầm vóc những công trình giao thông thế kỷ. Dưới góc nhìn của nhạc sỹ, ngành Giao thông đã cống hiến cho đất nước những chiến công oai hùng như lời bát hát: “Nào cùng hát vang lên ngành Giao thông vận tải. Trên chặng đường đổi mới mang tầm cao thời đại. Vẻ vang những chiến công oai hùng. Viết tiếp trang sử vàng cùng dựng xây non sông gấm hoa. Từ mặt đất bầu trời, từ miền xuôi miền ngược. Mạch giao liên trong muôn trái tim”.

Hay một chút lắng đọng trong Một vòng Việt Nam (tác giả Lưu Hà An): “Chào những con tàu lưu luyến sân ga, chở những chuyến hàng ra Bắc vô Nam. Để nói ba miền đất nước yêu thương, còi tàu vang nhắc ta lên đường. Chào những nụ cười trên chuyến bay xa kịp phút Giao thừa ta đón xuân sang. Về với gia đình ấm áp yêu thương cùng nhau đón Tết sum vầy”.

Mỗi ca từ, mỗi giai điệu đều khiến người nghe thêm yêu ngành nghề, yêu quê hương đất nước. Qua những bài hát, ta luôn thấy dáng hình đất nước, đặc biệt là tầm quan trọng của những huyết mạch giao thông.

Dưới con mắt của tác giả Duy Thịnh, hình ảnh ngành Giao thông hiện ra như Con đường em trong mơ: “Giờ về buôn em đã có đường rồi này. Mẹ không còn đi xa cái rẫy. Cầu cũng đi qua con suối to rồi, cho em được tới lớp gần hơn”. Đó còn là con hầm Đèo Cả, nhịp cầu Sông Tranh, hay tình yêu của những người thợ cầu, của những lá cờ Tổ quốc trên biển… bay bổng trong tiếng nhạc. Từ đó khắc họa nên những gian lao vất vả mà những con người trong ngành Giao thông trải qua. Tuy nhiên, dù có chông gai thế nào, họ cũng luôn vượt qua.

Qua những lời ca, nốt nhạc, hình ảnh cuộc sống đổi thay trên những cung đường. Là niềm vui của đồng bào dân tộc khi có cầu treo, là những cây cầu trải dài từ Bắc vào Nam như một bức tranh hoành tráng, là những con hầm, bến cảng vang danh thế kỷ. Lời những ca khúc khi hào hùng khi lại sâu lắng gắn với những chiến công, với những hy sinh xương máu, đổ mồ hôi trong chiến đấu, lao động sản xuất, học tập.

Sâu thẳm cảm xúc của người chiến sỹ giao thông

Nhận xét về bài hát đoạt giải Nhất Người chiến sĩ giao thông, nhạc sỹ Trương Ngọc Ninh, Chủ tịch Hội Âm nhạc Hà Nội - Thành viên Hội đồng thẩm định cho biết, đây là bài hát nói lên được sứ mệnh vinh quang của ngành Giao thông, vất vả, gian lao xây dựng những con đường, những công trình giao thông phục vụ đất nước.

“Điều làm nên thành công của ca khúc là người viết lời chính là người làm trong ngành Giao thông. Những cảm xúc chân thật với nhiều trải nghiệm được dồn nén đã tạo nên một ca khúc có dấu ấn sâu đậm: “Đâu Tổ quốc cần, ta luôn có mặt, dẫu muôn trùng gian khó hiểm nguy, đêm giữa rừng hoang vu lạnh buốt, chỗ ta nằm lều lán phong sương”. Về phần âm nhạc, sự sôi nổi hào hùng đã truyền tải được khát khao, ý chí và sức mạnh của những người làm giao thông, vị nhạc sĩ cho hay.

Theo nhạc sỹ Trương Ngọc Ninh, mới tiếp cận, chủ đề về ngành Giao thông là một đề tài tưởng như khô khan nhưng qua những bài hát của các tác giả, hình ảnh của ngành Giao thông hiện lên như một bức tranh nên thơ với những cầu, đường, bến, cảng, hầm, đèo trải dài đất nước, nơi đâu cũng ghi đậm tình người. Những thành tựu của ngành GTVT đã được các tác giả thể hiện qua góc nhìn hết sức khách quan và dân sinh thông qua những cảm nhận của chính người dân trên khắp mọi miền đất nước, từ những đồng bào ở vùng sâu, vùng xa đến người thành phố.

Mỗi ca khúc đều có một câu chuyện riêng, một giá trị nhất định. Qua những giai điệu và ý niệm, ca khúc Người chiến sĩ giao thông (Lê Văn Doãn - Hoàng Long) khắc họa hình ảnh những con người làm trong ngành Giao thông thời kỳ mới với những ước mơ: “Đã là người ai cũng có ước mơ. Là chiến sĩ giao thông tôi thường luôn mơ ước. Mơ về những con đường những con đường dựng xây đất nước. Những con đường tiếp bước cha anh”.

Phạm Lý

Nguồn Giao Thông: http://www.baogiaothong.vn/khi-nhung-trai-tim-cat-vang-loi-ca-d165558.html