Khi những 'bóng hồng thép' rơi lệ: Giá hồi đó anh Thắm để ngân hàng phá sản

Mạch lạc trình bày những luận chứng bảo vệ bản thân trước phiên tòa nhưng những 'bóng hồng' một thời nắm giữ những vai trò chủ chốt nhất của OceanBank cũng không thể kìm được nước mắt khi nói về gia đình, đồng nghiệp, về những ngày tháng làm việc cống hiến.

Nữ tướng

Một bị cáo Giám đốc chi nhánh trong lời tự bào chữa của mình đã nói rằng đảm nhận vị trí lãnh đạo như một Giám đốc nam đã không dễ dàng gì, càng khó khăn hơn khi những vị trí cấp cao như Tổng Giám đốc, Giám đốc lại là người nữ.

Đó có thể là một nhận xét chủ quan, nhưng lần đầu tiên, câu chuyện về những tháng ngày chèo lái con thuyền OceanBank chông chênh giữa bão táp được Nguyễn Minh Thu, nguyên Tổng Giám đốc OceanBank (giai đoạn2011-28/01/2015), nguyên Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng Giám đốc (23/10/2014-28/01/2015) kể lại trong phiên tòa xét xử ngày 20/9 lại cho thấy phần nào.

Hồi tưởng lại, bị cáo Minh Thu cho biết tháng 10-12/2014 là những ngày tháng không thể quên được. “Ngày 24/10/2014, khi anh Thắm bị bắt, Phó Thống đốc NHNN là anh Thanh triệu tập HĐQT ngân hàng lên họp gấp buổi sáng để bầu ra người thay thế, dù có đề xuất chị Nguyễn Thị Thanh Hương nhưng sau đó chị Hương không nhận".

Tiếp tục 5h chiều ngày hôm đó, HĐQT được triệu tập đột xuất nhưng vẫn không ai nhận. "Anh Hà Trọng Nam trao đổi với bị cáo nên nhận vị trí này. Đêm hôm ấy rất kinh khủng. Bị cáo cũng nói và đề xuất nhiều người nhiều tuổi hơn nhưng mọi người đều bảo bị cáo nên nhận".

Quãng thời gian tháng 10-12/2014, các nhân viên đều làm việc đến 11-12h đêm mới được về. Nhờ sự đồng lòng, OceanBank vẫn có nhiều khách hàng đến gửi tiền, vay tiền, bị cáo Thu cho hay.

Kể về cái “nợ” đến với vị trí Tổng Giám đốc OceanBank, bị cáo Minh Thu cho biết bản thân không tham vọng đến vị trí này vì năm 2011 con gái thứ hai mới sinh, sau đó bố và mẹ bị cáo đều vướng bệnh. Sau khi Chủ tịch động viên tạm nhận nhiệm vụ trong 2 năm, năm 2013, Nguyễn Minh Thu tiếp tục xin nghỉ 2 lần nhưng không được.

“Đầu năm 2014, bị cáo một lần nữa xin, anh Thắm nói sẽ tìm. Nhưng cũng từ sau đó, ngân hàng vướng thanh tra, anh Thắm và ngân hàng rất căng thẳng. Bị cáo tiếp tục cố gắng ở lại làm với ngân hàng”.

Nguyễn Minh Thu là bị cáo thứ ba trong số các bị cáo đã được luật sư bào chữa trình bày quan điểm tự bảo vệ mình, sau Hà Văn Thắm và Nguyễn Xuân Sơn. Bị cáo Minh Thu là người trực tiếp chi tiền cho 3 khách hàng dầu khí (bên cạnh Nguyễn Xuân Sơn, Nguyễn Thị Minh Phương).

Giãi bày nỗi lòng về những ngày tháng chiến đấu với cơn sóng dữ là khoảng thời gian hiếm hoi trong phần bào chữa Minh Thu nghẹn lời. Còn lại, nữ tướng một thời của OceanBank mạch lạc trình bày với HĐXX các luận chứng bổ sung bảo vệ mình với hai tội danh Cố ý làm trái… và Lạm dụng quyền hạn chiếm đoạt tài sản cùng án tù tương ứng 14-15 năm và 10-12 năm.

Việc chi lãi ngoài theo Nguyễn Minh Thu trình bày thực tế chia 2 giai đoạn. “Tháng 5/2011 tháng 8/2012, các anh chị em thực hiện theo chỉ đạo từ trên theo chủ trương tại Hội nghị triển khai các giải pháp nâng cao hiệu quả các Chi nhánh/PGD về huy động vốn vào tháng 4/2011. Còn lại từ tháng 9/2012 hết 2014, bị cáo không tham gia vào giai đoạn sau này do Oceanbank chuyển theo phân ngành dọc khi bán lẻ do PTGĐ Trần Thanh Quang phụ trách trực tiếp (KHCN & KHDN) để thực hiện chiến lược phát triển thành ngân hàng Bán lẻ”. Bị cáo Minh Thu phụ trách Khối nguồn vốn và kinh doanh.

Về thẩm quyền của mình, bị cáo Minh Thu cho rằng mình khác với bị cáo Sơn ở chỗ dù đều cùng ở vị trí Tổng Giám đốc nhưng anh Thắm giao tiền cho anh Sơn và không can thiệp, còn Nguyễn Minh Thu phải báo cáo chi cho ai. Việc chi chăm sóc khách hàng với tiền gửi không kỳ hạn cũng là chính sách từ trước được tiếp nhận lại và cũng không thực hiện phân công gì thêm. Quyết định chi tiền, xử lý nguồn tiền từ đâu, hay hạch toán không tham gia.

Các bảng kê cũng được Nguyễn Minh Thu mang tới tòa để khẳng định đó không là các quyết định chi tiền. Bởi bảng kê được lập sau khi các thực hiện việc huy động vốn. Việc bảng kê có sai lệch hay không thực hiện đúng số tiền trên bảng kê cũng cho thấy bảng kê này không có giá trị như quyết định.

Với 3 khách hàng mà Minh Thu trực tiếp chi, bị cáo bổ sung thêm rằng việc chi lãi ngoài bị cáo thực hiện theo phân công của anh Thắm và trao đổi với anh Sơn mà không vì quen biết trước đó các lãnh đạo này. Kinh nghiệm trước khi làm Tổng Giám đốc của bị cáo là làm về nguồn vốn và kinh doanh tiền tệ, tức giao dịch liên ngân hàng với các tổ chức tài chính.

“Tiền mà bị cáo đi chăm sóc KH do bị cáo nhận từ anh Thắm và do anh Thắm quyết định nên việc quy trách nhiệm phê duyệt trực tiếp 125,6 tỷ đồng là không đúng”. Nói về hoàn cảnh việc bán ngoại tệ vượt tỷ giá trần, Nguyễn Minh Thu cho biết khi đó cung ít, cầu cao, tỷ giá không kiểm soát được. Nhưng trước tình trạng toàn bộ hệ thống ngân hàng phải bán ngoại tệ thì Oceanbank bắt buộc phải bán ngoại tệ để giữ chân khách hàng.

Những vi phạm đang bị quy kết bị cáo về tội Cố ý làm trái… Theo bị cáo Minh Thu, đáng lẽ bình thường theo các Thông tư đó sẽ bị xử phạt hành chính trong khi hiện nay mức án mà Viện Kiểm sát đang đưa ra là 24-27 năm tù mà Nguyễn Minh Thu cho rằng vô cùng “khắc nghiệt”, mang tính trừng trị. “Bị cáo Thu mong được hưởng hình phạt mang tính răn đe và cũng xin cho bị cáo đồng nghiệp, những người mà theo Minh Thu hay cả bị cáo Hà Văn Thắm trước đó cũng cho rằng là giỏi nhất của OceanBank, được hưởng khoan hồng, không phải cách ly xã hội để được cống hiến xã hội và chăm sóc gia đình.

Kết tội danh nào?

Bị cáo Nguyễn Hoài Nam , Giám đốc khối nguồn vốn trong phần cuối lời bào chữa của mình đã xin HĐXX nếu kết tội hãy trả lại đúng tên tội danh cho các bị cáo. Theo Hoài Nam, việc mà các bị cáo làm là trái quy định Nhà nước nhưng không làm hại cho OceanBank, không tư lợi.

"Điều này là để giải thích cho dư luận xã hội, nhất là cho gia đình, con cái của các bị cáo. Hai năm qua là khoảng thời gian căng thẳng với thu nhập chỉ ở mức tối thiểu. Bị cáo nghe lời bình luận từ xã hội. Họ cho rằng mình lúc “ăn” không khóc đến lúc xét xử mới khóc. Mọi người không hiểu những người này đang làm gì mà có thể gây thiệt hại đến hàng nghìn tỷ đồng như thế. HĐXX quy đúng tội danh bị cáo mới có thể giải thích cho con mình rằng điều mẹ làm là vi phạm quy định nhưng là trong bối cảnh và hoàn cảnh thị trường như thế".

Đối với Trưởng ban Tài chính - Kế hoạch Nguyễn Thị Nga, bị cáo phân tách số tiền mà Viện Kiểm sát quy buộc. Ngoài 109 tỷ đồng hoàn ứng đã tạm ứng, theo bị cáo, chỉ còn 66 tỷ đồng. Số tiền 66 tỷ đồng là hình thức hạch toán chi phí kinh doanh trả cho khách hàng, tuân thủ quy định kế toán thời điểm đó. Bị cáo Nga cho rằng họ xứng đáng được nhận trong bối cảnh lạm phát hồi đó. Đồng tiền thêm vào khi đó đã đỡ vất vả cho người dân nên là hành động này là ích nước lợi dân.

Bị cáo Nga cho rằng tội danh của mình là cố ý làm hành động ích nước lợi dân gây hiệu quả nghiêm trọng tới OceanBank.

Thiệt hại hay không thiệt hại là điều cần HĐXX đưa ra phán quyết cuối cùng. Hà Văn Thắm trong lời tự bào chữa của mình cũng thừa nhận, không thể cố ý vi phạm mà lại không gây thiệt hại gì. Thiệt hại mà bị cáo Thắm cho rằng mình đã gây ra là thiệt hại phi vật chất cho chính sách vĩ mô và chính sách kiểm chế lạm phát của NHNN. Hậu quả cụ thể chính là việc để các bị cáo là đồng nghiệp của mình đứng trước vành móng ngựa. "Tội đó là quá lớn rồi", bị cáo nói.

Cỗ xe đi sai đường, bánh răng có thể rời đi?

OceanBank là cỗ xe, Hà Văn Thắm là người chỉ huy mà vai trò "chủ mưu" trong hành vi chi lãi ngoài đã được Thắm thừa nhận. Bị cáo Hoài Nam đã đặt ra phép so sánh bản thân và các trưởng đơn vị khác giống như bánh răng trong cỗ xe này.

"Mỗi đơn vị của OceanBank ở từng góc độ đã tham gia vào quá trình đó giống như bánh răng trong các cỗ xe đi theo sai hướng. Các bánh răng vì đó mà cũng đi sai theo".

Bị cáo Nam từng suy nghĩ khi đó nếu mình không làm theo thì sao. "Vi phạm quy chế công ty, bị cáo sẽ bị đuổi việc. Với việc bị đuổi việc khi sang ngân hàng khác thì có chắc sẽ không vi phạm trong bối cảnh chung thời gian đó?"

Giữa áp lực thị trường, thanh khoản và bối cảnh ngân hàng, nhận thức không đầy đủ về luật pháp và đúng sai mong manh, bị cáo Nam quyết định ở lại, ở lại OceanBank, ở lại ngành ngân hàng.

Nói về mức án dân sự mà Viện Kiểm sát đang đề nghị cho các Giám đốc khối, bị cáo khối nguồn vốn, kế toán,... cảm thấy"phi lý" vì mình không biết khách hàng là ai nên "thu hồi là điều không tưởng".

Bị cáo Nga chỉ ra 175 tỷ đồng cáo buộc dựa trên bản kê này không có chữ ký của kế toán. Đồng thời, với số tiền trách nhiệm dân sự này, bị cáo Nga cho rằng nó là án tử khiến "bị cáo không còn cơ hội nữa".

Bị cáo Đỗ Đại Khôi Trang, Giám đốc khối KHCN OceanBank giai đoạn từ 9/2012 - 12/2015, đặt giả thiết với mức lương của một quản lý ngân hàng 20 triệu đồng/tháng, không ăn không tiêu thì cũng 779 năm, nghĩa là phải tới 10 đời mới bồi thường hết số tiền này, bị cáo Trang tính toán. Số tiền thiệt hại yêu cầu bồi thường là "quá vô cảm". Bị cáo cũng cho rằng Viện Kiểm sát buộc tội 7 – 8 năm nếu căn cứ vào số tiền thiệt hại được tính tổng hợp trên thì quá oan ức.

"Bị cáo thấy giống như các bị cáo khác, càng làm giỏi ở ngân hàng thì càng tội nặng. Mảng KHCN của OceanBank thời gian bị cáo làm cũng là lúc phát triển rực rỡ nhất. Nhưng 2 năm bị khởi tố, dù đi xin việc nhiều nơi, nhưng không ai nhận bị cáo do mọi người nghĩ rằng nếu đã bị CQĐT xem xét chắc chắn có vấn đề."

Bị cáo Khôi Trang cho rằng đây lần đầu tiên nhân viên ngân hàng đi tù vì huy động vốn. Quyết định của HĐXX là điều mà không chỉ các bị cáo mà 227 Giám đốc chi nhánh có hành vi tương tự hay hơn 1.000 nhân viên, GDV cấp dưới, thậm chí hàng trăm nghìn nhân viên ngân hàng khác đều đang nín thở lắng nghe. Sẽ không ai muốn làm ngành ngân hàng nữa bởi chẳng ai vì đồng lương hàng tháng mà đánh đổi lấy sự tự do.

Nhắn gửi với người sếp cũ, bị cáo Khôi Trang nói giá như hồi năm 2011 khi ngân hàng khó khăn, Hà Văn Thắm hãy để ngân hàng phá sản thì bây giờ đã không ai phải đứng trước vành móng ngựa. Một điều giá như không thể thực hiện.

Với tội danh Cố ý làm trái quy định Nhà nước gây hậu quả nghiêm trọng, ngày 14/9, Viện Kiểm sát đã đề nghị mức án hình sự nhiều năm tù giam cho các bị cáo Giám đốc khối Hội sở cùng mức án dân sự liên đới chịu trách nhiệm số tiền thiệt hại 1.576 tỷ đồng chi lãi ngoài trừ (-) số tiền bị Sơn chiếm đoạt, số tiền đã thu giữ của khách hàng và số tiền 105 tỷ bị Trần Đức Chính - nguyên Kế toán trưởng Tổng công ty công nghiệp tàu thủy Việt Nam chiếm đoạt đang được xem xét khởi tố ở vụ án khác.

Riêng bị cáo Nguyễn Minh Thu đang đối diện mức án 24-27 năm tù giam. Ngoài ra, bị cáo Nguyễn Thị Minh Phương đang tạm đình chỉ vụ án do điều trị bệnh hiểm nghèo. Minh Thu là người trực tiếp chi tiền cho ba khách hàng khối doanh nghiệp dầu khí. Còn lại, phần lớn khách hàng doanh nghiệp lớn khác do Minh Phương trực tiếp chi.

>>Viện Kiểm sát: Luận tội tử hình Nguyễn Xuân Sơn, chung thân đối với Hà Văn Thắm

Nguồn NDH: http://ndh.vn/khi-nhung-bong-hong-thep-roi-le-gia-hoi-do-anh-tham-de-ngan-hang-pha-san-20170920111158721p149c165.news