Khi nào xử bị cáo dưới khung hình phạt liền kề?

Điều 47 BLHS hiện hành quy định: Khi bị cáo có ít nhất hai tình tiết giảm nhẹ quy định tại khoản 1 Điều 46 của bộ luật này, tòa có thể quyết định một hình phạt dưới mức thấp nhất của khung hình phạt mà điều luật đã quy định nhưng phải trong khung hình phạt liền kề nhẹ hơn của điều luật.

Trong trường hợp điều luật chỉ có một khung hình phạt hoặc khung hình phạt đó là khung hình phạt nhẹ nhất của điều luật thì tòa có thể quyết định một hình phạt dưới mức thấp nhất của khung hoặc chuyển sang một hình phạt khác thuộc loại nhẹ hơn.

Theo hướng dẫn của Hội đồng Thẩm phán TAND Tối cao, những trường hợp người phạm tội có nhiều tình tiết giảm nhẹ, nếu đủ điều kiện để áp dụng Điều 47 BLHS thì đều phải xử trong khung hình phạt liền kề nhẹ hơn của điều luật.

Tuy nhiên, khoản 2 Điều 54 BLHS 2015 lại quy định: Tòa có thể quyết định một hình phạt dưới mức thấp nhất của khung hình phạt được áp dụng nhưng không bắt buộc phải trong khung hình phạt liền kề nhẹ hơn của điều luật, đối với người phạm tội lần đầu là người giúp sức trong vụ án đồng phạm nhưng có vai trò không đáng kể.

Khi ra nghị quyết tạm lùi hiệu lực thi hành của BLHS 2015, Quốc hội cho phép tiếp tục áp dụng các quy định có lợi cho người phạm tội trong bộ luật này, đồng thời giao cho TAND Tối cao hướng dẫn thi hành. Tháng 9-2016, TAND Tối cao có công văn hướng dẫn áp dụng một số quy định có lợi cho người phạm tội trong BLHS 2015. Theo công văn này, khoản 2 Điều 54 BLHS 2015 được liệt kê trong danh mục có lợi cho người phạm tội, khi tòa xét xử cần áp dụng ngay cho người phạm tội...

Đáng chú ý, khoản 2 Điều 54 BLHS 2015 chỉ áp dụng đối với bị cáo phạm tội lần đầu là người giúp sức có vai trò không đáng kể. Tức các bị cáo không phải phạm tội lần đầu hoặc giữ các vai trò khác như tổ chức, thực hành, xúi giục hoặc có vai trò quan trọng trong vụ án sẽ không được áp dụng quy định mới này.

Tuy nhiên, vẫn có trường hợp tòa áp dụng sai. Chẳng hạn mới đây, TAND tỉnh Phú Yên xử sơ thẩm một vụ cố ý làm trái các quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng. VKS truy tố các bị cáo theo khoản 3 Điều 165 BLHS hiện hành (khung hình phạt 10-20 năm tù). Tòa đã áp dụng khoản 2 Điều 54 BLHS 2015 để xử dưới khung hình phạt liền kề với một số bị cáo và chỉ phạt từ 18 tháng tù treo đến 36 tháng tù treo. Trong khi đó, các bị cáo này đều là cán bộ có chức trách, giữ vai trò quyết định, trực tiếp gây ra hậu quả của vụ án (gây thiệt hại hơn 9 tỉ đồng). Đặc biệt trong đó có một bị cáo có nhân thân xấu (năm 2004 từng bị kết án về tội cố ý gây thương tích) nhưng cũng được tòa áp dụng khoản 2 Điều 54 BLHS 2015 để chỉ phạt 24 tháng tù treo.

Vì vậy, VKS tỉnh Phú Yên đã kháng nghị yêu cầu TAND Cấp cao tại Đà Nẵng xử phúc thẩm theo hướng không áp dụng khoản 2 Điều 54 BLHS 2015, tăng hình phạt, không cho các bị cáo này được hưởng án treo.

Rõ ràng khoản 2 Điều 54 BLHS 2015 là quy định có lợi cho người phạm tội nhưng không vì thế mà các tòa được quyền vận dụng tràn lan, sai luật. Những trường hợp tòa cấp dưới xử sai đều cần phải được tòa cấp trên xem xét lại để đảm bảo pháp luật hình sự được áp dụng đúng đắn.

Nguồn PLO: http://plo.vn/phap-luat/khi-nao-xu-bi-cao-duoi-khung-hinh-phat-lien-ke-663989.html