Khi nào Việt Nam sánh vai được với các cường quốc năm châu?

Đại biểu Quốc hội Thái Trường Giang thẳng thắn đặt ra câu hỏi này với Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc tại phiên chất vấn diễn ra sáng ngày 17/11/2016.

Tiếp tục chương trình làm việc tại Kỳ họp thứ 2, Quốc hội khóa 14, sáng ngày 17/11/2016, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc thay mặt Chính phủ trả lời chất vấn của đại biểu Quốc hội xung quanh vấn đề kinh tế-xã hội thời gian qua.

Tài sản công sử dụng lãng phí

Đại biểu Nguyễn Phi Thường (đoàn Hà Nội) trực tiếp đặt câu hỏi chất vấn Thủ tướng về tình trạng sử dụng tài sản công lãng phí, kém hiệu quả, với những thí dụ cụ thể xử lý đối với dự án thép Thái Nguyên giai đoạn 2, nhà đạm Ninh Bình, dự án giấy Phương Nam…

Cũng chất vấn Thủ tướng vấn đề tốn tại của nền kinh tế trong đó có nợ xấu, Đại biểu Lê Quân (đoàn Hà Nội) đặt vấn đề: Trong các nội dung tái cấu trúc nền kinh tế, tái cấu trúc nợ xấu và các ngân hàng yếu kém là rất khó khăn.

Nợ xấu như cục máu đông, tiềm ẩn nhiều rủi ro, nếu không xử lý tốt sẽ rất khó cho nền kinh tế phát triển. Những năm qua chúng ta đã nỗ lực nhiều nhưng kết quả đạt được chưa lớn, còn hạn chế.

Từ đó Đại biểu Lê Quân đề nghị Thủ tướng cho biết giải pháp đột phá mà Chính phủ đang tính đến để cơ bản giải quyết được tình trạng nợ xấu và xử lý các ngân hàng yếu kém trong thời gian tới.

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc trả lời chất vấn của Đại biểu Quốc hội. ảnh: Trung tâm thông tin Quốc hội.

Làm rõ những băn khoăn của các đại biểu Quốc hội, đề cập vào vấn đề nợ xấu, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cho biết, hiện nay nợ xấu theo sổ sách kế toán chưa đầy đủ, bao gồm cả nợ xấu trong VAMC, trong các ngân hàng mua lại 0 đồng.

“Nợ xấu hiện nay là một bài toán đặt ra trong ngành kinh tế mà Nhà nước, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam, các tổ chức tín dụng cần phải đặt ra”, Thủ tướng nhấn mạnh cấp bách xử lý nợ xấu.

Người đứng đầu Chính phủ khẳng định có ba việc cần phải làm giải quyết vấn đề nợ xấu gồm:

Thứ nhất phải có một khung thể chế pháp lý cho vấn đề này tốt hơn, nhất là khung thể chế pháp lý cho VAMC;

Thứ hai, phải kiểm soát chặt chẽ, không phát sinh nợ xấu mới, trong đó có kiểm soát đặc biệt đối với ngân hàng không đồng để mua lại.

Thứ ba phải có những biện pháp đồng bộ hơn trong vấn đề này để làm sao vấn đề nợ xấu được minh bạch và giải quyết trong quá trình điều hành của nền kinh tế.

Về nội dung chất vấn của Đại biểu Nguyễn Phi Thường, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đồng ý với nhận định vấn đề sử dụng tài sản công từ đất đai, tài nguyên đến tài sản, xe cộ, phương tiện làm việc, nhất là các trụ sở... còn rất nhiều lãng phí.

Tuy nhiên, Chính phủ đã có chỉ thị vấn đề này và chúng ta đang thảo luận một luật về vấn đề này.

“Trước hết, chúng tôi nghĩ rằng phải có một số giải pháp ví dụ như phải có hệ thống tiêu chuẩn định mức phải được công bố một cách công khai, minh bạch để mọi người dân được biết.

Phải có một số hình thức ví dụ như khoán kinh phí, khoán xe công rồi có một số hình thức rất quan trọng đó là đơn vị nào, cơ quan nào để lãng phí tài sản công, người đứng đầu ở đó phải chịu trách nhiệm trước nhân dân, trước cấp trên”, Thủ tướng nhấn mạnh.

Về vấn đề dự án thua lỗ lớn được Đại biểu Phi Thường nêu ra, Thủ tướng khẳng định: “Tinh thần là chúng ta không sử dụng tiền thuế của dân để bù cho những việc lỗ lại này.

Còn việc xử lý đã được xem xét, kiểm tra, giải quyết kịp thời trong thời gian tới”.

Thủ tướng nêu quan điểm: “Không sử dụng được thì bán khoán, cho thuê, thậm chí phá sản cũng là rất cần thiết để làm sao không phải những khoản thua lỗ, đắp chiếu này là gánh nặng của nền kinh tế. Không sử dụng ngân sách tiếp tục bỏ vào những khoản thua lỗ này"..

Bao giờ sánh vai được với các cường quốc?

Trước xu thế hội nhập sâu rộng và phải đối diện với nhiều thách thức, Đại biểu Thái Trường Giang (đoàn Cà Mau) đặt câu hỏi: Khi nào Việt Nam mới có thể sánh vai với các cường quốc năm châu theo đúng nghĩa lời dạy của Bác Hồ?

Trả lời câu hỏi Đại biểu Trường Giang, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc khẳng định, tất cả chúng ta đều mong muốn Việt Nam sánh vai cùng cường quốc năm châu.

Nhìn vào kết quả trong quá trình xây dựng đất nước, Thủ tướng nói: “Chúng ta đồng tâm hiệp lực, đổi mới toàn diện theo chủ trương, cương lĩnh của Đảng để chúng ta quyết tâm xây dựng đất nước. Trước hết, đã thoát nghèo, tránh thu nhập trung bình, tiến lên có thu nhập cao hơn, ít nhất là tham gia vào nhóm đầu về thu nhập ở các nước Asean”.

Thủ tướng nêu rõ, sau thoát nghèo phải lên trung bình, khá, tiếp theo mới sánh vai trong khu vực Asean, khu vực châu Á rồi mới ra thế giới. Tinh thần quyết tâm xây dựng đất nước phải có trong của mọi cán bộ, công chức, nhất là trong Chính phủ và Quốc hội.

Theo Thủ tướng, trong thời đại mới hội nhập quốc tế rất sâu rộng, nhưng vấn đề độc lập, tự chủ nền kinh tế các nước cũng đặt ra. Đảng, Nhà nước cũng đặt ra phải độc lập, tự chủ về nền kinh tế.

“Vậy phải làm thế nào để độc lập về kinh tế? Độc lập, tự chủ kinh tế trước hết là không phụ thuộc thị trường, không phụ thuộc đối tác trong tình hình biến động những vấn đề lớn của nền kinh tế.

Ví dụ như tiền tệ, năng lượng, lương thực, những cân đối này phải được đảm bảo để không có nền kinh tế phụ thuộc vào nước khác”, Thủ tướng đặt vấn đề.

Thủ tướng nhấn mạnh, chúng ta phải có nhiều biện pháp để xây dựng nền kinh tế độc lập, tự chủ, trong đó có vấn đề tái cơ cấu nền kinh tế, có xây dựng thể chế kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa, trong đó có việc phát triển các thế mạnh của Việt Nam.

Xây dựng nền kinh tế phải dựa vào thế mạnh sẵn có, Thủ tướng khẳng định nông nghiệp Việt Nam là một thế mạnh không phải nước nào cũng có được.

Để phát huy thế mạnh này cần tháo gỡ về xử lý vấn đề hạn điền hiện nay, có giải pháp tích tụ ruộng đất, áp dụng công nghệ cao, tăng vốn đầu tư nông nghiệp, phát triển thương mại dịch vụ để giải quyết vấn đề đầu ra.

Trước băn khoăn của Đại biểu Trần Hoàng Ngân (đoàn TP.HCM) về việc làm thế nào để đạt được mục tiêu tăng trưởng kinh tế trong giai đoạn 2016 - 2020 với tốc độ tăng 6,5 -7%, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cho biết, một nền kinh tế chưa đến 200 tỷ GDP, bình quân mới trên 2.000 đô la Mỹ, đặt ra mục tiêu trên là một cố gắng rất lớn và gặp nhiều khó khăn.

“Nhưng trong bối cảnh như vậy, chúng ta không có cách nào khác là phải phấn đấu cao, nếu phấn đấu cao chúng ta sẽ gặp khó khăn trong các chỉ tiêu vĩ mô khác.

Phải có biện pháp để giải quyết tăng trưởng, trong đó có nhiều biện pháp, chúng ta bám vào các thành tố của GDP.

Các thành tố GDP đã được Chính phủ bám vào để triển khai đồng bộ, nhất là tạo môi trường đầu tư kinh doanh tốt hơn nữa để người dân hăng hái đầu tư, tạo ra sản phẩm xã hội, tạo ra GDP, giải quyết việc làm thì mới đạt được mục tiêu tăng trưởng này, trong đó có vấn đề tái cơ cấu trở lại nền kinh tế", Thủ tướng cho biết.

Mai Anh

Nguồn Giáo Dục VN: http://giaoduc.net.vn/kinh-te/khi-nao-viet-nam-sanh-vai-duoc-voi-cac-cuong-quoc-nam-chau-post172544.gd