Khi nào ông Huỳnh Văn Nén sẽ nhận được tiền bồi thường oan sai?

Tòa án nhân dân tỉnh Bình Thuận đã thỏa thuận được mức bồi thường oan sai cho ông Huỳnh Văn Nén hơn 10 tỷ đồng.

Sau 7 lần thương lượng, đến nay, Tòa án nhân dân tỉnh Bình Thuận đã thỏa thuận được mức bồi thường thiệt hại oan sai cho ông Huỳnh Văn Nén với số hơn 10 tỷ đồng. Dù vậy, ông Nén vẫn chưa thể nhận được tiền bồi thường ngay, mà phải chờ cấp có thẩm quyền thẩm định theo trình tự pháp luật.

Ông Huỳnh Văn Nén, người bị tù oan hơn 17 năm trong cả 2 vụ giết người xảy ra ở huyện Hàm Tân, tỉnh Bình Thuận.

Lãnh đạo Tòa án nhân dân tỉnh Bình Thuận cho biết: Trong cuộc thương lượng ngày 12/1, phía ông Huỳnh Văn Nén đã đưa ra yêu cầu bồi thường tổng cộng hơn 10,8 tỷ đồng (giảm nhiều so với mức 18 tỷ đồng ban đầu).

Qua thương lượng, giải thích quy định pháp luật, TAND tỉnh Bình Thuận đã đề nghị phía bị hại chấp nhận bồi thường số tiền khoảng 10 tỷ đồng. Lời đề nghị được phía ông Huỳnh Văn Nén chấp nhận, nên buổi thương lượng đã kết thúc thành công. Hai bên cũng thống nhất “kết quả thương lượng chỉ có giá trị pháp lý khi được cơ quan có thẩm quyền thẩm định”.

Ông Biện Văn Hoan, Chánh án TAND tỉnh Bình Thuận giải thích: Cơ quan có thẩm quyền chính là TAND Tối cao. Khi kết quả thương lượng được thẩm định, Tòa án nhân dân tỉnh Bình Thuận sẽ ban hành quyết định bồi thường. Hết thời hạn 15 ngày kể từ ngày TAND tỉnh Bình Thuận ra quyết định, nếu người bị thiệt hại không có khiếu nại gì, thì quyết định bồi thường của TAND tỉnh Bình Thuận sẽ có hiệu lực.

Ông Biện Văn Hoan, Chánh án TAND tỉnh Bình Thuận trả lời báo chí trong cuộc họp báo sáng 17/1.

Tiếp đó, trong vòng 5 ngày, TAND tỉnh Bình Thuận sẽ gửi hồ sơ yêu cầu lên TAND Tối cao. Cũng trong vòng 5 ngày, TAND Tối cao sẽ gửi hồ sơ qua Bộ Tài chính. Trong hạn 10 ngày, Bộ Tài chính có trách nhiệm xem xét thẩm định lại và cấp kinh phí về cho TAND tỉnh Bình Thuận để thực hiện việc chi trả cho ông Huỳnh Văn Nén.

Lãnh đạo Tòa án tỉnh Bình Thuận cho biết có nhiều lý do dẫn đến chậm trễ hoàn tất thương lượng bồi thường cho ông Huỳnh Văn Nén trong thời gian qua. Trong đó, trở ngại lớn nhất chính là quy định của pháp luật bồi thường nhà nước chưa cụ thể, không quy định mức bồi thường và giới hạn rõ ràng đối với một số khoản bồi thường.

Chẳng hạn như: thiệt hại đối với trường hợp có hai bản án oan như ông Nén; các khoản thiệt hại khác chưa có quy định cụ thể như thiệt hại uy tín, danh dự, tổn thất tinh thần của cha, mẹ, vợ và con của người bị oan...

Ngoài ra, TAND tỉnh Bình Thuận cho rằng trong quá trình yêu cầu bồi thường, ông Nén ủy quyền cho nhiều người (cụ thể là 5 người) tham gia việc giải quyết tại Tòa, nên khó đảm bảo sự có mặt đầy đủ của người đại diện khi thương lượng.

Một số người thân giúp ông Nén kêu oan yêu cầu Nhà nước bồi thường cho mình một số tiền lớn. Lúc đầu hơn 9,5 tỷ đồng, sau rút xuống còn hơn 5,6 tỷ đồng là quá cao, không đúng thực tế, không có căn cứ và cao hơn nhiều so với thiệt hại của cá nhân ông Nén, trong khi pháp luật chưa quy định về vấn đề này.

Đối với việc xử lý các cán bộ để xảy ra oan sai, ông Biện Văn Hoan, Chánh án TAND tỉnh Bình Thuận thông tin: Thực hiện chỉ đạo của TAND Tối cao, lãnh đạo TAND tỉnh đã tổ chức kiểm điểm hai cuộc vào ngày 18/2/2016 và ngày 4/10/2016. Các tập thể và cá nhân để xảy ra oan sai đối với ông Huỳnh Văn Nén đã được xử lý.

Thẩm phán chủ tọa phiên tòa vào năm 2000 (là ông Nguyễn Thanh Tâm), sau khi kiểm điểm, đã bị Chủ tịch nước CHXHCN Việt Nam ra quyết định miễn nhiệm thẩm phán trung cấp ngày 9/1/2017. Thẩm phán này cũng đã bị Chánh án TAND tỉnh Bình Thuận quyết định miễn nhiệm chức vụ Phó Chánh tòa Hình sự TAND tỉnh Bình Thuận đương nhiệm vào ngày 16/1/2017.

Còn thẩm phán thành viên Hội đồng xét xử đã bị Chánh án TAND tỉnh quyết định tạm ngưng làm thẩm phán 1 năm kể từ ngày 1/10/2016. Hết 1 năm kiểm điểm, cơ quan quản lý sẽ tiếp tục xem xét có được làm thẩm phán nữa hay không.

Trong số 3 thành viên khác của Hội đồng xét xử có 1 hội thẩm qua đời do già yếu; 2 thành viên còn lại đã nghiêm túc kiểm điểm, rút kinh nghiệm. Tập thể lãnh đạo và tập thể Ủy ban thẩm phán TAND tỉnh Bình Thuận cũng đã kiểm điểm và rút kinh nghiệm sâu sắc sau vụ oan sai.

TAND tỉnh Bình Thuận thông tin chính thức về việc bồi thường cho ông Huỳnh Văn Nén.

Ông Huỳnh Văn Nén (SN 1962), là người mang 2 án oan về tội giết người trong lịch sử tố tụng Việt Nam. Tháng 4/1998, ông bị bắt vì bị tình nghi đã giết bà Lê Thị Bông ở cùng xã Tân Minh, huyện Hàm Tân để cướp nhẫn vàng. Ngày 31/8/2000, ông bị TAND tỉnh Bình Thuận kết án, xử phạt tù chung thân về 3 tội: giết người, cướp tài sản công dân và cố ý hủy hoại tài sản công dân.

Trong thời gian bị điều tra vụ án giết bà Bông, ông Nén và 9 người thân bên vợ bị cáo buộc giết bà Dương Thị Mỹ trong vụ án vườn điều xảy ra trước đó 5 năm. 12 năm sau, những người này được trả tự do vì cơ quan tố tụng không chứng minh được hành vi phạm tội của họ. Nhưng ông Nén vẫn thi hành án chung thân trong vụ giết bà Lê Thị Bông.

Ngày 12/11/2014, Tòa hình sự TAND Tối cao đã xét lại bản án sơ thẩm ngày 31/8/2000 của TAND tỉnh Bình Thuận theo trình tự giám đốc thẩm và hủy một phần bản án hình sự mà tòa cấp tỉnh đã tuyên để điều tra lại vụ ông Nén theo thủ tục chung. Ngày 27/11/2015, cơ quan Cảnh sát điều tra Công an tỉnh Bình Thuận đã đình chỉ điều tra vì hành vi của ông Nén không cấu thành tội “Giết người” và “Cướp tài sản của công dân” trong bản án năm 2000.

Ngày 3/12/2015, tại thị trấn Tân Minh, huyện Hàm Tân, Tòa án nhân dân tỉnh Bình Thuận chủ trì phối hợp với lãnh đạo Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an tỉnh và Viện kiểm sát nhân dân tỉnh Bình Thuận đã tổ chức xin lỗi công khai ông Huỳnh Văn Nén về những gì ông đã gánh chịu trong hơn 17 năm bị oan sai./.

Việt Quốc/VOV-TPHCM

Nguồn VOV: http://vov.vn/vu-an/khi-nao-ong-huynh-van-nen-se-nhan-duoc-tien-boi-thuong-oan-sai-586881.vov