Khi nào người dân sẵn sàng từ bỏ xe máy?

Để người dân từ bỏ thói quen sử dụng xe máy, trước hết các thành phố lớn phải hoàn thiện cơ sở hạ tầng tốt và hệ thống phương tiện vận tải công cộng thuận tiện.

Phố Láng Hạ, quận Ba Đình, Hà Nội, nơi có tuyến xe buýt nhanh (BRT) đang hoàn thiện, thường xuyên ùn tắc vào giờ cao điểm - Ảnh: K.Linh

Từ bỏ thói quen không dễ

Có thể thấy quyết tâm của hai thành phố: Hà Nội và Hồ Chí Minh trong việc giảm dần, tiến tới cấm xe máy cá nhân. Vấn đề đặt ra là làm sao để người dân từ bỏ được thói quen sử dụng xe máy ở bất cứ đâu, thậm chí chỉ đi vài chục mét đường cũng chễm chệ trên yên xe máy mà không chịu đi bộ hoặc các phương tiện giao thông thô sơ như xe đạp.

Chia sẻ về chủ trương hạn chế xe máy, nhiều người cho rằng, nếu hệ thống vận tải khách công cộng thực sự thuận tiện, sẵn sàng từ bỏ xe máy. Anh Nguyễn Thành Trung, ở thôn Ngọc Đại, Đại Mỗ, Q. Nam Từ Liêm, Hà Nội cho biết, đã từng đi xe buýt từ nhà sang bệnh viện 198 ở Cầu Giấy. Nếu đi bằng xe máy chỉ mất khoảng chục cây số, với gần 20 phút là tới nơi. Tuy nhiên, đi xe buýt phải chuyển tuyến 1 lần, đi lòng vòng mất 2 tiếng mới tới, đấy là còn chưa kể thời gian chờ xe cũng lâu.

"Hiện nay chỉ có khu vực Hoàn Kiếm và Ba Đình mới làm được một số tuyến phố đi bộ. Sắp tới, Hà Nội cũng có chủ trương mở rộng không gian đi bộ ra khu vực xung quanh hồ Hoàn Kiếm và nhiều khu vực khác, hạn chế xe máy đi vào những tuyến giao thông công cộng đã đáp ứng được nhu cầu đi lại. Với lộ trình 10 năm, tôi tin rằng với sự phát triển giao thông công cộng, ý thức người dân tốt hơn sẽ cấm được xe máy vào năm 2025”.

Ông Vũ Văn Viện
Giám đốc Sở GTVT Hà Nội

“Sau lần ấy tôi không dám đi xe buýt nữa, mà chỉ sử dụng xe máy hoặc đi taxi nếu di chuyển trong nội thành”, anh Trung nói. Tuy nhiên, anh Trung cũng cho biết, sau khoảng chục năm nữa khi phương tiện giao thông công cộng phát triển, thuận tiện đi lại, anh sẽ từ bỏ xe máy để sử dụng tàu nội đô hoặc xe buýt. Đây là những phương tiện công cộng văn minh, chi phí rẻ và an toàn.

Bác Nguyễn Hòa, ở dốc Nghệ, Phú Xuyên, Hà Nội cũng nhận định đi xe máy hiện nay rất mất an toàn. “Đại bộ phận người dân hiện nay sử dụng xe máy chẳng qua do phương tiện công cộng còn đang hạn chế, không thuận tiện, thậm chí mất vệ sinh, thái độ phục vụ của nhân viên rất kém. Mấy năm nữa có đường sắt nội đô, xe buýt nhanh chắc sẽ thuận tiện hơn. Thông thường hiện nay, gần như mỗi thành viên trong gia đình đều có một chiếc xe máy. Thử tưởng tượng mỗi người ra đường đều đi xe máy thì không tắc mới lạ”, bác Hòa nói.

Ở một góc nhìn khác, theo anh Nguyễn Ngọc Động, ở đường Nguyễn Văn Trỗi, Hà Đông cho biết: “Công việc khiến tôi phải sử dụng xe máy thường xuyên. Phương tiện giao thông công cộng có lẽ chỉ phù hợp với những người làm việc một chỗ, không phải di chuyển nhiều. Thay đổi thói quen sử dụng xe máy không dễ nếu phương tiện công cộng không thực sự thuận tiện”, anh Động cho biết.

Tại cuộc họp với báo chí mới đây, Giám đốc Sở GTVT Hà Nội Vũ Văn Viện cũng thừa nhận, để thay đổi thói quen sử dụng xe máy của người dân là rất khó. Nhiều người có tâm lý cứ ra đường là đi xe máy bất kể đoạn đường di chuyển ngắn hay dài. Tuy nhiên, Sở GTVT và các ban ngành chức năng sẽ kiên trì tuyên truyền để người dân hiểu, sử dụng phương tiện công cộng vì mục tiêu chung đảm bảo ATGT, giảm ùn tắc giao thông, làm đẹp bộ mặt đô thị hiện đại và an toàn.

Làm sao hạn chế xe máy?

Tại Hà Nội, thống kê hiện có 5,5 triệu xe cá nhân, trong đó 500.000 ôtô, hơn 5 triệu xe máy và với tốc độ tăng bình quân 10%/năm. Giám đốc Sở GTVT Hà Nội Vũ Văn Viện cũng cho biết, cấm xe máy là một trong những giải pháp để giảm ùn tắc. Tất nhiên, việc này cần phải có lộ trình phù hợp để thực hiện, đến khoảng năm 2025 có thể thực hiện được.

Theo ông Viện, sở dĩ đặt ra mốc đến năm 2025 có thể cấm được xe máy là nhờ cơ sở hạ tầng khung cơ bản hoàn thành. Lúc đó 8 tuyến đường sắt đô thị đã đưa vào hoạt động, với tổng chiều dài hơn 310km bao phủ các tuyến vành đai và trung tâm đi qua các khu dân cư, công sở, trường học... Kết nối đô thị trung tâm với các đô thị vệ tinh.

Hơn nữa theo quy hoạch, Hà Nội sẽ xây dựng các tuyến tàu điện một ray (monorail) nhằm khai thác tốt hơn cho toàn bộ hệ thống đường sắt đô thị. Mạng lưới xe buýt nhanh (BRT) cũng được quy hoạch 8 tuyến gồm Kim Mã - Lê Văn Lương - Yên Nghĩa; Ngọc Hồi - Phú Xuyên; Sơn Đồng - Ba Vì; Phù Đổng - Bát Tràng - Hưng Yên; Gia Lâm - Mê Linh; Mê Linh - Sơn Đồng - Yên Nghĩa - Ngọc Hồi - QL5 - Lạc Đạo; Ba La - Ứng Hòa; Ứng Hòa - Phú Xuyên.

Theo nhiều chuyên gia giao thông, để hạn chế xe máy, một yếu tố quan trọng nữa là cơ sở hạ tầng cho người đi bộ, đi xe đạp cũng phải được quan tâm. Thực tế, nếu đoạn đường di chuyển ngắn chỉ vài trăm mét, thậm chí một vài km hoàn toàn có thể đi bộ hoặc đạp xe thay vì dùng xe máy. Hiện nay chính vì vỉa hè thường xuyên bị lấn chiếm, các cầu và hầm chui cho người đi bộ qua đường thường nhếch nhác và không thuận tiện nên người dân rất ngại đi bộ.

Thiện Anh

Nguồn Giao Thông: http://www.baogiaothong.vn/khi-nao-nguoi-dan-san-sang-tu-bo-xe-may-d156764.html