Khi nào một bức ảnh trở thành tác phẩm nghệ thuật?

Thời nay, khi bà con quăng cả triệu tấm hình lên facebook mỗi ngày, đi đâu, mở mắt ra là thấy ảnh tự sướng, thì ảnh trở nên bão hòa. Xưa, câu cửa miệng dân mới tập tành chụp hỏi 'làm sao xóa được phông?' thì nay chả ai thèm hỏi, bởi các phần mềm tích hợp trong các loại máy thừa khả năng xử lý những chuyện khó hơn rất nhiều. Câu hỏi mới là: Làm sao chụp được một bức ảnh nghệ thuật?

Một tác phẩm chụp một lễ hội ở Ấn Độ của huyền thoại Steve Mc Curry (Mỹ). Nguồn ảnh: Internet

Đẹp không bằng cảm xúc

Chụp ảnh đẹp đã khó, chụp hay, tạo cảm xúc còn khó hơn cả trăm lần.

Với máy di động xịn thời nay, điều kiện nào cũng bất chấp hết, gần xa, mưa nắng, ngày đêm đều “chơi tuốt” và chất lượng “không phải dạng vừa đâu”, trừ việc phóng ảnh quá to để trưng bày thì mới cần máy “pro” (chuyên nghiệp).

“Đẹp” là nhận xét đầy cảm tính vì đẹp phụ thuộc vào gu thẩm mỹ của mỗi người. Vậy mà nhiều bức ảnh ánh sáng đẹp, nhân vật đúng điểm mạnh, bố cục chặt đến như không có “pixel” nào thừa cả, mà ảnh vẫn không gợi cho ta cảm xúc.

Một lát cắt cuộc sống chỉn chu đẹp đẽ được khuôn lại đông cứng trong một góc nhìn lý trí đến vô cảm. Thực ra đẹp là gợi cảm xúc, còn ở đây gọi là đẹp nhưng đúng ra mới chỉ dừng ở mức “đèm đẹp”.

Và muốn gợi cảm xúc nơi người xem, trước hết người chụp ảnh phải có cảm xúc thực sự đặc biệt với đối tượng. Anh chỉ chụp những gì anh rung cảm thực sự, chỉ bấm máy khi muốn nói một tiếng nói riêng về cuộc đời. Và cảm xúc đó muốn kết nối được với người xem bắt buộc người cầm máy phải sáng tạo. Có câu nói rất hay của Hugh Macleod, một họa sĩ biếm họa nổi tiếng người Pháp: “Cái giá của việc làm cừu là nhàm chán. Cái giá của việc làm sói là cô đơn. Làm cừu hay làm sói, hãy cân nhắc kỹ đi”.

Sáng tạo là cái tôi riêng, đậm đặc của mỗi cá nhân. Henry Bresson có phong cách chụp riêng không ai có thể bắt chước, nhất là ảnh báo chí. Ông cũng là cha đẻ của thuật ngữ “khoảnh khắc quyết định”, chụp tại chỗ và về sau không hề cắt cúp một centimet nào. Ansel Adam - nhà nhiếp ảnh phong cảnh lừng danh thổi hồn vào những bức ảnh để có bức trở thành kiệt tác mà sự mơ hồ của một cái gì đó khó nắm bắt cứ trở đi trở lại trong đầu người xem ảnh. Hay những bức chân dung kỳ ảo của Man Ray mà “Nước mắt thủy tinh” là minh chứng sống động nhất.

Sáng tạo không chỉ nằm ở hình thức mà cư trú ở tinh thần, linh hồn của tác phẩm. Có rất nhiều bức ảnh na ná nhau hệt như cừu Dolly nhân bản, như vá lưới, làm muối, ruộng bậc thang… đẹp thì có đẹp nhưng nhàm chán, làm hại thị giác vì chúng chả có một chữ ký nào cả. Nó là những bản sao (photocopy) nhòe nhoẹt của một ai đó khởi đầu đi trước.

Một bức ảnh chỉ trở thành tác phẩm khi bạn phải có tư tưởng, nhẹ nhất là ý tưởng. Và diễn đạt nó ra thật mạch lạc.

Lời khuyên của các chuyên gia

Với các chuyên gia hàng đầu trong nền công nghiệp nhiếp ảnh thế giới, những người đã nhìn thấy nhiều hơn hàng vạn bức ảnh, điều gì khiến mắt họ đọng lại ở một bức ảnh trong số vô vàn.

Natasha Egan - Giám đốc điều hành Bảo tàng Nhiếp ảnh đương đại ở Học viện Columbia (Chicago, Mỹ) khi trả lời phỏng vấn tạp chí “Lens Culture”(Mỹ) đã nói: “Tôi bị hấp dẫn bởi những bức ảnh có nhiều lớp lang về thị giác, về ý niệm và có khả năng liên kết để kể nhiều câu chuyện đa dạng. Tôi cũng quan tâm đến hình ảnh giáo dục cho người xem về một chủ đề. Tôi thú vị với những bức ảnh phong cảnh mang tính chính trị xã hội hay những series ảnh như một bộ phim truyền hình về cá nhân con người trong một bối cảnh rộng lớn, phá vỡ ranh giới của nhiếp ảnh truyền thống”.

Louise Clements - Giám đốc nghệ thuật, Festival nhiếp ảnh quốc tế Quad & Format (Derby, Vương quốc Anh) khẳng định ông muốn nhìn thấy một cái gì đó thật độc đáo và điều quan trọng là tác phẩm đó phải tươi mới, thực sự là những gì trong tâm khảm của tác giả.

Trong khi Jim Casper - người sáng lập Lens Culture (Mỹ) thì nhấn mạnh: “Mỗi bức ảnh tuyệt vời phải kể một câu chuyện thú vị và có thể đứng độc lập, nhưng người xem thường háo hức muốn biết thêm một chút về đằng sau bức ảnh. Vì vậy, một tiêu đề hoặc chú thích giản dị, chỉ một vài từ, có thể làm cho một hình ảnh tuyệt vời thực sự đi vào cuộc sống trong trí tưởng tượng của một ai đó. Nếu bạn đã tạo ra một loạt các hình ảnh, hãy suy nghĩ như là một câu chuyện. Chọn một hình ảnh rất mạnh mẽ để bắt đầu series, tạo một ấn tượng mạnh mẽ đầu tiên. Mỗi hình ảnh cần đóng góp một cái gì đó tươi mới cho series và làm sáng tỏ thêm về tính cách nhân vật”.

Khuôn mặt của chính mình

Như thế, để bức ảnh trở thành tác phẩm, chắc chắn hình ảnh phải biết kể chuyện và kể chuyện một cách duyên dáng, hấp dẫn nhờ vào việc sử dụng thành thạo các yếu tố thu hút và kích thích thị giác từ ánh sáng, đường nét, những chi tiết mang tính biểu trưng.

Có quá nhiều hình ảnh lặp lại hằng ngày, vì thế ai cũng muốn tìm một sự độc đáo và tươi mới. Một câu chuyện chưa từng nhìn thấy trước đó là quá khó, vậy thì một cách tiếp cận độc đáo cho một câu chuyện không mới, làm người xem bất ngờ cũng khiến bức ảnh đó đi xa.

Mỗi người một tạng, một tiếng nói riêng, có một sở trường riêng. Kẻ thích áo dài, người thích rêu phong. Anh mê chân dung bà già, trẻ nhỏ, tôi chỉ háo hức với sự hòa hợp giữa con người và thiên nhiên. Người có đam mê với tĩnh vật, với những thứ bé nhỏ, bị lãng quên trong đời sống thường nhật..., kẻ lại đắm say với “hoa của đất”, với vẻ đẹp nguyên thủy của người phụ nữ mà thiên nhiên, tạo hóa ban tặng.

Và có một thực tế là càng chụp nhiều, càng phát hiện ra chính mình mới lạ. Nghệ thuật không chỉ chữa lành vết thương mà còn giúp người ta tìm ra chính bản lai diện mục của mình.

Việt Văn

Nguồn Lao Động: http://laodong.com.vn/van-hoa-giai-tri/khi-nao-mot-buc-anh-tro-thanh-tac-pham-nghe-thuat-658156.bld