Khỉ Macca khẳng định giả thuyết về nguồn gốc của sắc giác ở người

Khả năng phân biệt màu sắc là thuộc tính rất hữu ích đối với sự sinh tồn của loài khỉ và là nguồn gốc tiến hóa sắc giác ở người.

Hầu hết con người chúng ta thấy thế giới với màu sắc sống động và chi tiết đa dạng tươi đẹp và mù màu là một dị thường không may. Nhờ hệ thống thị giác đó, chúng ta có ưu thế vượt trội so với mọi động vật có vú khác.

Nhưng làm thế nào và với mục đích gì hệ thống thị giác của chúng ta phát triển khác các loài linh trưởng khác?

Nhà nghiên cứu sinh lý học thị giác người Canada Amanda Melin ở Đại học Calgary (Canada) trong một bài phát biểu tại Hội nghị thường niên của Hiệp hội Mỹ vì sự tiến bộ của khoa học đã giới thiệu các kết quả quan sát đối với khỉ Macca giúp xác nhận giả thuyết về nguồn gốc của sắc giác ở người.

Các tế bào cảm thụ màu nhạy sáng cung cấp cho mọi người cơ hội để phân biệt màu sắc, là những tế bào ở võng mạc. Và ở người, có ba loại tế bào cảm thụ màu: một số nhạy cảm với các bước sóng dài (đỏ), số khác - nhạy cảm trong các bước sóng trung bình (màu xanh lá cây) và thứ ba - nhạy cảm trong các sóng ngắn (màu xanh nước biển và màu tím).

Các nhà nghiên cứu tin rằng sự xuất hiện của ba loại tế bào cảm thụ màu tạo ra khả năng sắc giác (phân biệt màu sắc), giúp tổ tiên xa xưa của chúng ta là loài linh trưởng chọn để ăn những loại hoa quả chín. Các nhà nghiên cứu đã cố gắng chứng minh điều đó qua những quan sát đối với khỉ Macca.

Do biến đổi di truyền mà một số khỉ cái Macca có cả ba loại tế bào, còn những con khác - chỉ có hai loại. Các nhà nghiên cứu cho rằng những con khỉ cái sở hữu cả ba loại tế bào cảm thụ màu đã thành công nhiều hơn trong việc tìm kiếm trái cây chín. Những quan sát đầu tiên được thực hiện trong điều kiện nuôi nhốt xác nhận giả thiết này, nhưng các nhà nghiên cứu trong một thời gian dài đã không đạt được kết quả khi quan sát những con khỉ sống trong rừng rậm.

Nhà nghiên cứu Amanda Melin đã ghi lại tổng cộng hơn 20.000 trường hợp 80 con khỉ Macca khác nhau hái lượm quả trong khu rừng trên lãnh thổ Puerto Rico. Mặc dù loài khỉ này sống trong tự nhiên ở Cựu lục địa, nhưng năm 1938 Đại học Puerto Rico (thuộc Mỹ) đã tạo ra một quần thể khỉ trên một hòn đảo nhỏ Cayo Santiago, cách Puerto Rico khoảng 1 km để phục vụ cho mục đích nghiên cứu.

Hòn đảo này không có thú ăn thịt, khí hậu phù hợp cho khỉ sống tự do và chỉ có các nhà khoa học mới được phép tiếp cận. Tất cả khỉ sống ở đó đều là những hậu duệ của 409 con khỉ, nhập khẩu từ Ấn Độ. Bây giờ số đầu khỉ đã lên đến trên 1.000, chúng ăn hoa quả chín của 30 loài cây.

Đúng như các nhà nghiên cứu nhận định, những con khỉ cái có cả 3 loại tế bào cảm thụ màu sắc chọn hái quả chín thành công hơn những con chỉ có 2 loại tế bào. Do vậy, khả năng phân biệt màu sắc là thuộc tính rất hữu ích đối với sự sinh tồn của loài khỉ và là nguồn gốc tiến hóa sắc giác ở người.

Vũ Trung Hương

Nguồn Một Thế Giới: http://motthegioi.vn/khoa-hoc-cong-nghe-c-68/thien-nhien-moi-truong-c-105/khi-macca-khang-dinh-gia-thuyet-ve-nguon-goc-cua-sac-giac-o-nguoi-57403.html