Khi lòng tốt trao đi quá dễ dãi, người ta sẽ không ngại dùng nó làm công cụ kiếm tiền

Người ta có thể khổ, nhưng đừng biến nỗi khổ của mình thành một loại mặt hàng rao bán…

Suốt bốn năm qua, những tưởng cuộc sống của anh Nghị đã có thể thay đổi phần nào nhờ những sự giúp đỡ đó. Ấy vậy trong một chương trình truyền hình gần đây nhất, ông bố 'gà trống nuôi con' ấy lại một lần nữa xuất hiện và tiếp tục kể lại câu chuyện đời mình với những cay đắng và khổ cực hệt như lúc trước.

Anh Nghị chia sẻ câu chuyện thương tâm của mình..

Trong tất cả các video, clip chia sẻ, những góc ảnh phủ kín mặt báo những ngày gần đây, khán giả vẫn bắt gặp hình ảnh anh Nghị 'khóc nức nở' 'thuật lại câu chuyện cuộc đời mình'.

Truyền thông lại được phen săn đón, những nhà hảo tâm lại tiếp tục mủi lòng. Câu chuyện cuộc đời anh cứ thế được trải dài với những tình tiết éo le hơn, thương tâm và xót xa hơn trước với chi tiết bỏ đi và ruồng rẫy của chị vợ. Chỉ đến khi người vợ cũ của anh quá bức xúc, phải ba mặt một lời lên tiếng bóc mẽ những bịa đặt, anh Nghị mới cất lời xin lỗi các mạnh thường quân.

Người vợ phải lên tiếng trước thông tin ruồng rẫy chồng con, gánh chịu búa rìu dư luận.

Nhiều người trách anh đã dùng hai cậu con trai bệnh tật như một công cụ kiếm tiền là việc làm đi quá giới hạn đạo đức. Người ta có thể hạ mình vì con, nhưng khi được giúp đỡ vẫn tiếp tục chìa tay, 'thấy bở đào mãi' bằng việc đổ tiếng xấu cho người vợ đang bị bệnh hiểm nghèo, thì dường như sự việc đã đi quá giới hạn.

Ừ thì anh Nghị cùng vẫn khổ thôi! Các mạnh thường quân đến rồi đi, một người cha phải loay hoay với hai đứa trẻ bại não suốt quãng đường dài sau này cũng đâu có dễ dàng gì? Nhưng nếu như nỗi khổ ấy đang được biến thành món hàng để đổi lấy lòng tốt và sự tử tế của mọi người thì thật đáng buồn.

Và lòng tốt, hãy trao cho đúng chỗ, đúng người

Còn nhớ cách đây 4 năm, câu chuyện ông lão bán me trên đường phố Sài Gòn gây xót lòng hàng nghìn dân mạng cũng từng bị lật tẩy tương tự. Mặc dù nhận được số tiền ủng hộ từ mọi người lên tới tiền triệu mỗi ngày nhưng hai ông bà vẫn tiếp tục duy trì cuộc sống tạm bợ và công việc bán me. Chỉ khi những người dân xung quanh quá bức xúc mà lên tiếng chia sẻ về hoàn cảnh thật của ông lão, mọi thứ mới được phơi bày.

Ông cụ bán me để dành tiền lô đề, hút chích. Nhà cửa đều có, con cái cũng thành đạt nhưng ông cụ vẫn chọn cách bán me để người ta thấy tội nghiệp còn cho tiền.

Ông cụ bán Me từng nhận hàng chục triệu mỗi ngày

Rõ ràng là trong xã hội hiện đại này, mỗi khi xuất hiện một câu chuyện thương tâm làm xôn xao dư luận, thì ngay sau đó, hàng loạt góc khuất nhanh chóng bị phơi bày.

Người ta không tiếc gì tặng nhau một sự tử tế. Nhưng thật buồn là khi những điều tuyệt vời đó được trao đi quá dễ dãi, nhiều người đã chẳng ngần ngại sử dụng nó để trục lợi và lòng tham cũng từ đó nhân lên…

Trở lại với câu chuyện của anh Đặng Hữu Nghị, sau khi những thông tin gây tranh cãi về những bịa đặt trong câu chuyện cuộc đời của anh bắt đầu râm ran thì đã kịp có biết bao gương mặt nghệ sĩ, và vô số các nhà hảo tâm đã mang hết danh dự và uy tín của mình ra để lên tiếng kêu gọi giúp đỡ cho người đàn ông đáng thương này.

Cái nhìn đăm chiêu và thất thần của Trấn Thành trong một góc quay kín đáo khi giọng hát của anh Nghị cất lên, những chia sẻ ngoài lề của MC Thanh Vân về việc anh Nghị lên sóng truyền hình bằng bộ đồ đi mượn, rồi cái ôm chân thành của ca sĩ Cẩm Ly phút cuối chương trình đều khiến những ai dõi theo sự việc này cảm thấy chạnh lòng.

Gương mặt xúc động của Trấn Thành sau khi nghe anh Nghị hát bài Gà Trống Nuôi Con

Vì những san sẻ và đồng cảm từ cộng đồng đều rất thật. Nhưng có lẽ tất cả sẽ trọn vẹn hơn nếu như những hành động đầy tính nhân văn này dành cho một câu chuyện thương tâm không kèm theo những góc khuất xấu xí…

Thiết nghĩ, lòng tốt và sự tử tế trong xã hội luôn là thứ nên được khuyến khích và coi trọng. Bởi những người có hoàn cảnh éo le, khốn khó, suy cho cùng họ là những người đáng thương. Chúng ta không thờ ơ trước nỗi đau của những người kém may mắn nhưng trước khi quyết định ủng hộ, giúp đỡ ai đó cần tỉnh táo tìm hiểu kỹ thông tin để số tiền mà mình trao đi được sử dụng một cách hiệu quả và đúng chỗ.

Và quan trọng hơn là bản thân những người nhận được sự hỗ trợ, cần thức tỉnh và hãy biết sử dụng sự tử tế và lòng tốt của cộng đồng một cách 'đúng mực và văn minh'! Để những người đã yêu thương, đã giơ một bàn tay về phía khó khăn không cảm thấy hụt hẫng vì mình đã trao lòng tốt nhầm chỗ, nhầm người.

Theo Đất Việt

Nguồn PNNews: http://phununews.vn/doi-song/khi-long-tot-trao-di-qua-de-dai-nguoi-ta-se-khong-ngai-dung-no-lam-cong-cu-kiem-tien-177353/