Khi lãnh đạo xã lên tiếng xin lỗi

Vụ chính quyền xã Cẩm Thủy “bêu” tên học sinh trên loa truyền thanh vì cha mẹ các em này chưa đóng các khoản phí xây dựng đã gây phản ứng trong dư luận xã hội.

Ảnh minh họa từ internet.

Mới đây, chính quyền xã Cẩm Thủy (Cẩm Xuyên, Hà Tĩnh) đã đứng ra xin lỗi công khai người dân về vụ việc này. Đồng thời với việc nhận lỗi, chính quyền xã cũng đã sửa sai những việc do nóng vội mà áp dụng những “hình thức hành chính” không đúng với nhân dân trong xã. Có thể coi đây là một động thái cầu thị từ phía chính quyền, khác hẳn với cách xử sự thông thường là từ chối trách nhiệm, đổ lỗi, quanh co né tránh và im lặng.

Ở một trường hợp khác, cái sai cũng thuộc về chính quyền cơ sở. Đó là việc xã Đông Cương (An Dương, Hải Phòng) ra quyết định xử phạt 5 triệu đồng đối với một lão nông. Ông lão này cho người hàng xóm thuê ruộng để trồng trọt nhưng họ lại xúc bùn ruộng đi bán, ông tố cáo việc này với UBND xã sở tại. Thay vì xử lý người thuê ruộng kia thì chính quyền lại xử phạt ông lão này và yêu cầu khôi phục lại nguyên trạng ruộng. Ông khiếu nại quyết định xử phạt, các cơ quan chức năng vào cuộc và kết luận chính quyền xã đã sai. Giờ đây, UBND xã đã rút lại quyết định xử phạt ông lão này, thừa nhận mình đã sai nhưng hẳn là còn thiếu với ông một lời xin lỗi.

Qua hai sự việc trên, có thể nhận thấy cách hành xử khá tùy tiện, không đúng pháp luật của các chính quyền cấp cơ sở. Có nhiều dẫn chứng để chứng minh điều đó, ví dụ như việc không chứng nhận hồ sơ, giải quyết thủ tục hành chính cho các hộ dân còn nợ phí hoặc phổ biến nhất là trong quản lý đất đai, có những hành vi trái pháp luật, ép buộc người dân hoặc dùng những cách thức thiếu văn hóa đối với người dân. Song, rất ít chính quyền nhận sai để sửa và xin lỗi người dân.

Tương tự, gần đây có chuyện ở Hà Tĩnh, chính quyền địa phương điều động các cô giáo đi làm nhiệm vụ tiếp tân. Vụ việc được công khai thì lãnh đạo chính quyền cho rằng đó là “nhiệm vụ chính trị”, là “vinh dự” đối với các cô giáo, là “nét văn hóa” địa phương... Đây dứt khoát là một cách hành xử không đúng, chí ít thì cũng cần “rút kinh nghiệm sâu sắc” từ phía lãnh đạo chứ không được đổ lỗi cho “nạn nhân” là cần phải biết từ chối trước sự điều động không đúng đó. Xin thưa, đến bây giờ mà lãnh đạo vẫn cho đó là “nhiệm vụ chính trị” thì trong cái lúc bị điều động đó, ai mà dám chống lại, có khi bị kỷ luật như chơi!

Cách quản lý cán bộ, công chức cùng với những “biện pháp điều hành” của một số địa phương, cơ quan đang có vấn đề, kể cả cấp Bộ. Dư luận đang chờ hành động tiếp theo ở Bộ Công Thương về tình trạng tương tự...

Nhị Ngọc

Nguồn Pháp Luật VN: http://baophapluat.vn/ban-doc/khi-lanh-dao-xa-len-tieng-xin-loi-305261.html