Khi 'kỹ sư tâm hồn' đánh mất tâm hồn

Nhà giáo thường được ví như những “kỹ sư tâm hồn”, người góp phần lớn hình thành nên tâm hồn, đạo đức, nhân cách của các công dân tương lai ngay từ khi những đứa trẻ còn ngồi trên ghế nhà trường. Họ, hơn ai hết, hẳn phải thấm nhuần những bài học về đạo đức, về nhân cách.

Họ, hơn ai hết, hẳn phải thuộc nằm lòng “Năm điều Bác Hồ dạy thiếu niên, nhi đồng” mà họ dạy cho học sinh hết lớp này đến lớp khác. Điều cuối cùng, nhưng không phải là điều kém quan trọng nhất mà ngược lại là điều quan trọng hàng đầu trong năm điều này nhằm hình thành đạo đức, nhân cách, phẩm chất con người, là: Khiêm tốn, thật thà, dũng cảm. Đặc biệt là thật thà, dũng cảm. Càng đặc biệt trong xã hội bây giờ, khi mà sự giả dối, sự gian dối dường như lan tràn trong mọi ngóc ngách của cuộc sống, từ thành tích giả, học giả, bằng cấp giả, cho đến phân bón giả làm hại nông dân, thực phẩm bẩn đội lốt sạch gây hại cho sức khỏe con người khiến ai cũng nơm nớp lo sợ.

Ấy vậy mà bà hiệu trưởng trường tiểu học Nam Trung Yên (Cầu Giấy, Hà Nội) Tạ Thị Bích Ngọc đã không thực hành điều mà bà dạy cho các em học sinh. Sau khi chiếc taxi chở bà và bà hiệu phó chạy vào sân trường trong giờ học sinh ra chơi khiến một em học sinh lớp 2 bị tông gãy chân, bà hiệu trưởng chẳng những không bước xuống khỏi xe để xem học sinh của mình bị tai nạn ra sao và lo chăm sóc cho cháu mà còn không đủ thật thà, không đủ dũng cảm để thừa nhận chiếc xe taxi chở bà chạy vào sân trường trong giờ chơi đã gây ra tai nạn cho em học sinh. Khi gia đình học sinh bị gãy chân tố cáo là bà báo cáo lên trên không đúng sự thật, bà lại tiếp tục gian dối bày trò tổ chức “khảo sát” để buộc tất cả giáo viên và học sinh làm chứng gian là không thấy xe taxi đụng em học sinh, bày trò cho một số giáo viên viết “tâm thư” gửi Phòng Giáo dục - Đào tạo kể lể công lao hiệu trưởng và xin giữ bà ở lại trường.

Hình ảnh trên trang web trường tiểu học Nam Trung Yên: trong những người phải thực hiện các câu khẩu hiệu này, không có hiệu trưởng? Ảnh: CTV

Nếu đủ thật thà, dũng cảm, ngay từ đầu bà hiệu trưởng đã có thể xử lý vụ việc một cách chóng vánh và hợp tình hợp lý để không gây bất bình trong dư luận như trong thời gian qua, khiến cả đến ông Bộ trưởng Bộ Giáo dục - Đào tạo phải lên tiếng hối thúc và ông Chủ tịch thành phố Hà Nội phải đích thân họp để ra quyết định kỷ luật cách chức. Đó là bước xuống xe đỡ em học sinh bị tai nạn dậy, xin lỗi gia đình và góp phần chữa trị cho em. Nhưng bà đã không làm vậy, có thể vì vô cảm, vì thiếu cái tâm của một người làm sư phạm, một “kỹ sư tâm hồn”, hoặc cũng có thể vì cậy vào một thế lực chống lưng nào đó. Bà hiệu trưởng, một “kỹ sư tâm hồn”, đã đánh mất tâm hồn và qua đó làm gương xấu cho những học trò của mình, những công dân tương lai. Chờ đợi gì ở những “kỹ sư tâm hồn” như vậy?

Nhìn ở phạm vi rộng lớn hơn, cách xử sự, đối phó của bà hiệu trưởng đã gây mất niềm tin trong một xã hội vốn đã thiếu niềm tin. Đó là niềm tin vào nền giáo dục vốn đang loay hoay chưa tìm ra con đường cải cách, niềm tin vào nhà trường, niềm tin vào nhà giáo và bao trùm là niềm tin vào các thiết chế của xã hội. Còn chăng sự thật thà giữa người với người khi chính một nhà giáo, lại là hiệu trưởng, thiếu thật thà? Còn chăng sự dũng cảm nhận trách nhiệm khi chính nhà giáo không đủ dũng cảm về việc làm sai trái của mình?

Đừng tưởng những vụ bạo lực học đường, những vụ học sinh đánh nhau trong và ngoài nhà trường, những vụ trò đánh thầy ngay trong lớp học; bạo lực, gian dối, chối bỏ trách nhiệm trong xã hội và trong giới quan chức... không liên quan gì đến cách hành xử gian dối như của bà hiệu trưởng. Tất cả đều bắt nguồn từ sự mất niềm tin vào những con người lẽ ra là tấm gương cho những người trẻ noi theo. Một khi người trẻ mất niềm tin, dễ hình dung ra họ sẽ sống như thế nào, hành xử ra sao khi trưởng thành.

Qua cách hành xử của bà hiệu trưởng trường tiểu học Nam Trung Yên, nạn nhân lớn nhất chính là niềm tin trong xã hội vậy.

Đoàn Khắc Xuyên

Nguồn Người Đô Thị: http://www.nguoidothi.net.vn/vn/news/nguoi-tre/dung-lai-nguoi/7103/khi-ky-su-tam-hon-danh-mat-tam-hon.ndt