Khi 'khẩu hiệu' cũng… di động

Theo quy định mới nhất, xe ô tô tham gia chở hành khách nếu không niêm yết hoặc niêm yết không chính xác khẩu hiệu “Tính mạng con người là trên hết” sẽ bị phạt tiền, mức cao nhất đến 4 triệu đồng...

Mới đây, Tổng cục Đường bộ Việt Nam đã tổ chức hội nghị triển khai Nghị định 46/2016/NĐ-CP của Chính phủ quy định về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giao thông đường bộ, đường sắt vừa được Chính phủ ban hành ngày 26.5.

Đáng chú ý nhất là theo quy định mới, nếu trên ô tô chở hành khách thiếu khẩu hiệu “Tính mạng con người là trên hết” sẽ bị xử phạt tiền với mức từ 1-2 triệu đồng đối với cá nhân, từ 2-4 triệu đồng đối với tổ chức kinh doanh vận tải, dịch vụ hỗ trợ vận tải…

1 tấm biển như vậy có giá từ 50.000 - 100.000 đồng. Việt Nam hiện có trên 7.000 đơn vị được cấp phép kinh doanh vận tải hành khách bằng xe ô tô theo hợp đồng và vận chuyển khách du lịch với trên 35.000 xe. Như vậy, chỉ tốn khoảng 1,75 - 3,5 tỉ đồng để "trang bị" hoàn chỉnh những tấm khẩu hiệu này cho xe khách.

Nhưng vấn đề ở chỗ ai đọc những tấm biển ấy? Theo quy định, biển này được đặt ngay kính lái, hướng về phía trước. Và khi xe đang lưu thông, chỉ có người điều khiển xe ngược chiều với ô tô mang "khẩu hiệu" mới nhìn thấy tấm biển này. Và tài xế tập trung chạy xe thì liệu họ có đọc biển ấy viết gì không? Nếu họ chịu khó đọc, thậm chí còn có tác dụng ngược lại là mất tập trung, gây tai nạn.

Ai sẽ đọc những "khẩu hiệu" che khuất tầm nhìn này?

Để an toàn giao thông, cơ quan chức năng hô hào phát quang đường sá, hạ cây cối cản trở tầm nhìn… Nhưng lâu nay, nhiều địa phương trưng bày dày đặc các khẩu hiệu 2 bên đường, vừa trông phản cảm, vừa gây lãng phí mà chưa đem lại ích lợi gì nhiều vì chẳng mấy ai đọc.

Nhiều khẩu hiệu trưng đầy đường mà chịu khó dừng xe lại đọc có khi… không hiểu. Như là: “Hãy lái xe bằng cả trái tim”, “Tiết kiệm nước là yêu nước”, “Vượt đèn đỏ chỉ dành cho người ít học”, “Sống và làm việc phải có lương tâm và trách nhiệm - Đừng bao giờ em tưởng”… Khổ cho người tham gia giao thông quá!

Nay, "khẩu hiệu" lại được… di động khi xe chở khách phải trưng theo khẩu hiệu “Tính mạng con người là trên hết”. Làm vậy để xe ngược chiều có… lòng tin khi đối mặt xe mang "khẩu hiệu"?

Đã là lái xe, tài xế nào cũng hiểu tính mạng con người là quan trọng, bởi trong xe còn có chính bản thân họ. Và đương nhiên tính mạng họ so với những người đi cùng tất nhiên đều quan trọng như nhau, không ai dại gì xem thường tính mạng của mình.

“An toàn” đã là 2 chữ nằm trong đầu các tài xế. Tất nhiên, vẫn có người vì lý do nào đó như áp lực tăng chuyến, mệt mỏi, chủ quan… nên mới gây ra tai nạn. Vậy, khẩu hiệu mang trưng ra trước đầu xe để làm gì? Chỉ để… tạo thêm công ăn việc làm cho các cơ sở khắc biển hiệu, để cơ quan chức năng bắt lỗi và xử phạt?

Như trong ngành y, các bác sĩ khi tốt nghiệp đều tuyên thệ khi đọc lời thề Hippocrates: “… Chỉ vì lợi ích của người bệnh!”. Và trong đầu họ, y đức là tất cả phải vì người bệnh. Nếu nhắc nhở cẩn thận quá như ngành giao thông, thì chắc không lâu, ngành y tế cũng sẽ có quy định buộc các bác sĩ, bệnh viện… phải trang bị những tấm biển “Tính mạng, sức khỏe bệnh nhân là trên hết”.

Văn hóa "khẩu hiệu", loa phường… tưởng như đã lui vào dĩ vãng; nhưng không, nó vẫn còn và những ai quên "khẩu hiệu" sẽ bị trừng phạt. Và tất nhiên, đẻ ra càng nhiều chi phí cho doanh nghiệp, cho nhà xe, thì gánh nặng ấy sẽ dồn vào hành khách - những người dân.

Nguyễn Hồ

Nguồn Một Thế Giới: http://motthegioi.vn/thoi-su-c-66/xa-hoi-c-94/khi-khau-hieu-cung-di-dong-35915.html