Khi Hội An chìm trong mưa lũ

Những ngày qua, người dân các tỉnh Nam Trung Bộ đã hứng chịu những trận mưa lũ khủng khiếp. Làng mạc, nhà cửa, ruộng đồng chìm trong lũ dữ, và Hội An, một Di sản thế giới cũng ngâm mình trong biển nước suốt gần cả tuần nay.

Phố cổ Hội An được UNESCO công nhận vào ngày 4/12/1999. Dù với người dân Phố cổ, từ hàng trăm năm nay, lũ lụt đã trở thành một điều tất yếu diễn ra trong cuộc sống của họ. Nhưng ngồi trên con thuyền băng qua những ngôi nhà cổ oằn mình trong nước lũ, chứng kiến cảnh cô lập ngay giữa lòng thành phố, những ánh mắt đượm buồn, lo âu, tôi thật không khỏi xót xa.

Có lẽ cũng như tôi, hẳn rất nhiều du khách tới Hội An không khỏi xót xa cho người dân vì đời sống mùa lũ nhiều khó khăn, vất vả. Xót xa cho một thành phố du lịch đến mùa lại vắng vẻ, thất thu. Và xót xa cho một Di sản văn hóa thế giới năm nào cũng ngâm mình trong dòng nước lũ.

Tất nhiên, lũ lụt thiên tai là chuyện của trời, chuyện của tự nhiên, chẳng ai biết trước và cũng không ai thay đổi được điều gì. Và lũ lụt ở Phố cổ Hội An cũng đã diễn ra như một chu kì từ hàng trăm năm nay, mà không phải từ khi Hội An được công nhận là Di sản văn hóa thế giới. Nhưng rõ ràng, thiên tai xảy đến thì bao giờ cũng đem đến những thiệt hại nặng nề.

Hội An trong biển nước

Lịch sử Hội An từng ghi nhân cơn lũ năm 1964 (ngập 3,4m) và cơn lũ lịch sử thứ 2 là vào năm 1999, cũng chính vào dịp Phố cổ Hội An được công nhận là Di sản văn hóa thế giới, nước dâng cao 3,21m. Cơn “Đại hồng thủy” năm ấy đã nhấn chìm nhiều nhà cửa, cuốn trôi tài sản và cướp đi tính mạng người dân miền Trung.

***

Con người miền Trung luôn được coi là chịu thương, chịu khó, quanh năm gánh chịu thiên tai nênluôn sẵn bản năng để sống chung với thiên tai, dựa vào những đặc tính của thiên nhiên mà khai thác, nương tựa vào. Người dân phố Hội cũng vậy.

Từ bao đời nay, những ngôi nhà nằm trong khu phố cổ Hội An đều được xây dựng kỹ lưỡng từ việc lựa chọn những loại gỗ có đặc tính chịu nước và có thể ngâm trong dòng lũ nhiều ngày. Các ngôi nhà cũng được xây dựng với kiến trúc 2 gác để tránh lũ, gác đồ đạc vào mùa lũ. Những ngôi nhà cổ lâu năm có nguy cơ sụp đổ được bảo vệ bằng cách trùng tu, tôn tạo thật tốt trước mùa mưa lũ về.

Đối với Phố cổ Hội An, những cơn lũ cũng đã trở nên quen thuộc. Trong mưa lũ, thấy người dân chủ động ứng phó mà vẫn tạo cho mình những công việc mưu sinh như chèo thuyền, bơi lội, bán rau củ đến tận nhà, giao hàng cho du khách, khuân vác đồ đạc qua sông,… mà thấy đỡ nao lòng.

Cũng chính vì vậy, trong những lúc vất vả mưu sinh, nhiều người còn vui đùa bảo, nếu không có lụt thì không còn là Hội An. Hội An là thành phố hạ lưu sông Thu Bồn, sát bên là biển Cửa Đại, quanh năm nước lớn, chỉ một trận mưa đã ngập.

Bởi nước lớn và vị trí địa lý thuận lợi nên từ xa xưa đã được chọn làm nơi giao thương cảng biển quốc tế. Và nhờ có cảng biển chính là một trong những yếu tố mà nơi đây được công nhận là Di sản văn hóa thế giới.

Lịch sử, vị trí địa lý thì chẳng ai thay đổi được, tự nhiên và thiên tai cũng là chuyện không thể nói trước, khi con người luôn chủ động ứng phó với thiên nhiên và biết nương tựa vào thiên nhiên để khai thác thì sẽ sống tốt, đó cũng là điều đáng mừng khi ở Hội An những ngày này.

Hoàng Yến
Thể thao & Văn hóa

Nguồn TT&VH: http://thethaovanhoa.vn/dien-dan-van-hoa/khi-hoi-an-chim-trong-mua-lu-n20161217063542969.htm