Khi học sinh 'nghiện' Facebook

Gần đây, chị Dung đến cơ quan luôn trong trạng thái ủ rũ, không tập trung vào công việc, thấy vậy, chị Mai, đồng nghiệp cùng phòng hỏi: - Sao em thấy mấy hôm nay chị như người “trên mây” thế?

Chị Dung tâm sự: Hôm trước cô con gái học lớp tám vào mạng xã hội Facebook bằng tài khoản cá nhân của mình trên điện thoại của mẹ mà quên thoát ra, đến tối mở điện thoại ra, đọc được những dòng tâm sự của con trên đó khiến chị choáng váng.

- Em thấy bọn trẻ dùng Facebook bây giờ phổ biến mà - chị Mai thắc mắc. - Ừ, thì mình cũng nghĩ đơn giản. Thường ngày vẫn nghĩ rằng con gái còn “tồ” lắm, vậy nhưng lại viết ra được những dòng tâm sự rất người lớn. Hơn nữa, còn nói ra những ngôn ngữ mà thường ngày mình chẳng bao giờ nghe thấy - chị Dung thở dài.

Câu chuyện của chị Dung cũng là nỗi lo lắng chung của các bậc phụ huynh hiện nay vì hội chứng “nghiện” Facebook đang trở thành thực trạng đáng báo động trong học sinh nói riêng và giới trẻ nói chung. Hầu hết các học sinh đều lập ra cho mình một Facebook cá nhân, trong đó, mọi vui, buồn, chán nản đều được cập nhật lên như một trang nhật ký mở. Không khó để bắt gặp những dòng cập nhật trạng thái (status) nói xấu thầy giáo, cô giáo, bố mẹ, bạn bè với những lời lẽ xúc phạm, thậm chí còn tung cả những hình ảnh phản cảm, không phù hợp với lứa tuổi học sinh.

Để ngăn chặn những hệ lụy đáng tiếc xảy ra, gia đình cần phối hợp nhà trường trong việc quan tâm đặc điểm tâm lý của con để kịp thời phát hiện và tuyên truyền nhằm giúp học sinh hình thành những hành vi ứng xử văn hóa. Đồng thời, phụ huynh học sinh cần giám sát thời gian vào mạng xã hội của con và phân tích, giải thích cho các em biết cách bảo mật những nội dung, hình ảnh riêng tư của mình, không để kẻ xấu lợi dụng. Điều đó không chỉ giúp hình thành nhân cách tốt cho mỗi học sinh mà còn góp phần hình thành văn hóa ứng xử trong nhà trường, xã hội.

Nguồn Nhân Dân: http://www.nhandan.com.vn/giaoduc/item/31134002-khi-hoc-sinh-%e2%80%9cnghien%e2%80%9d-facebook.html