Khi HLV Hữu Thắng là 'đại ca cầm đầu'

Không cần “có biến” và một cuộc bỏ phiếu kín “trưng cầu dân ý” như động thái mà HLV Henrique Calisto Calisto phải làm trước thềm AFF Cup 2008, sự ủng hộ lẫn tôn trọng với HLV Nguyễn Hữu Thắng ở ĐT Việt Nam bây giờ gần như là tuyệt đối. Đó là một trong những cơ sở để có niềm tin tại chiến dịch AFF Cup 2016 này.

Từ bài học 2008 đến U.19 Việt Nam...

Đó là một hành trình kỳ lạ, khi ĐT Việt Nam của “thầy phù thủy” Calisto trải qua đến 13 trận chỉ hòa đến thua khi chuẩn bị AFF Cup 2008. Sau thất bại tại giải bóng đá giao hữu quốc tế TPHCM với 3 trận toàn thua và gây thất vọng với quá nhiều nghi ngờ, ghế của ông thầy người Bồ Đào Nha bắt đầu lung lay.

Tập trung lại tại Hà Nội, ông Calisto bất ngờ triệu tập một cuộc họp kín với tất cả các thành viên, phát cho mỗi người một tờ giấy trắng với 2 ô trống: Có hay không? Chỉ cần một phiếu nói không, ông sẽ xin từ chức ngay lập tức. Kết quả, 100% phiếu bày tỏ sự ủng hộ đối với ông.

Ngày 15.11), ĐT Việt Nam đã lên đường sang Myanmar để bước vào AFF Cup 2016. Ở trận khai mạc (20.11), thầy trò HLV Hữu Thắng sẽ gặp đội chủ nhà Myanmar.

Ảnh: Đăng Huỳnh.

Cuộc họp bí mật đó, cùng với việc ban lệnh “cấm vận” báo chí để hướng tất cả sự chú ý vào mình và trước đó là gọi riêng vài cầu thủ ra “nói chuyện phải quấy” rồi thẳng tay loại những người bất đồng quan điểm, có ý định nổi loạn sau Cúp TPHCM, sau này vẫn được các cầu thủ trong đội cho là đã giúp cả đội đoàn kết, chia sẻ để tạo nên sức mạnh. Sức mạnh tập thể đó giúp ĐT Việt Nam liên tiếp làm nên bất ngờ ở bán kết rồi chung kết và vô địch AFF Cup 2008, sau khi “hút chết” ở vòng bảng mà chúng ta chỉ đi tiếp nhờ bàn thắng từ “trên trời rơi xuống” trong trận cuối gặp Malaysia. Nó đến từ cách làm mạnh tay, sự quả quyết với độ “phũ” của một ông thầy ngoại, ở những thời điểm khó khăn nhất.

Chiến công lịch sử của bóng đá Việt Nam năm 2008 với HLV Calisto sau này được nhiều HLV nội đúc kết như một bài học. Người áp dụng và dám dùng “bàn tay thép” để rồi thành công, gần nhất phải kể đến HLV Hoàng Anh Tuấn: Vào bán kết giải U.19 Châu Á và có tấm vé dự World Cup U.20 thế giới.

Ông Tuấn nổi tiếng độc đoán, thậm chí quân phiệt. Sau thất bại ở giải U.19 Đông Nam Á mà U.19 Việt Nam bộc lộ không ít vấn đề, chuẩn bị cho giải U.19 Châu Á thì có 5 cầu thủ bị “trảm”, trong đó có những trụ cột bị cho là “chấn thương… cái đầu”. Làm mạnh tay, đưa tất cả vào khuôn khổ, áp đặt cái tôi lên đội bóng, đó chính là một trong những lý do giúp U.19 Việt Nam từ vị thế của đội “lót đường” đã liên tiếp gây địa chấn rồi vào đến tận bán kết giải châu lục.

... đến ĐT Việt Nam của HLV Hữu Thắng

Sau thất bại của HLV Phan Thanh Hùng rồi Hoàng Văn Phúc, việc HLV nội lên nắm ĐTQG là coi như không thể. Sáng giá và hội tụ đủ yếu tố như Lê Huỳnh Đức thì hơn một lần từ chối và cuối cùng, chỉ có Hữu Thắng dám xung phong “nhảy vào lửa”. Hiểu biết, ý thức được cái khó nhưng ông thầy này vẫn dám nhận và dám làm.

Không phải triệu tập hay lên tập trung làm nhiệm vụ quốc gia, HLV Hữu Thắng có thương thảo, ký hợp đồng với VFF cùng hàng loạt yêu cầu với sự bảo trợ pháp lý của luật sư. Ông ra điều kiện ngược với VFF và độc lập trong việc dẫn dắt ĐTQG, thậm chí ngay từ việc chọn lựa trợ lý khi lập BHL. Từ lên kế hoạch đến việc ăn ở, luyện tập, sinh hoạt, ông luôn giữ thế chủ động để kiểm soát, giải quyết tất cả theo cách của mình với toàn quyền cao nhất chứ không để bị can thiệp. Đó là khác biệt.

Có nhiều khác biệt khi HLV Hữu Thắng cầm đội. Ví dụ như danh sách tập trung của ĐT Việt Nam, ngay từ đầu cơ bản đã đóng khung và định hình rõ, với công thức “SLNA, HA.GL, Hà Nội T&T và…”. Ông chọn, trao niềm tin dựa trên những hiểu biết, toan tính để chọn lựa những con người phù hợp và quan trọng nhất là tâm phúc của mình. Thế nên khi phải loại cầu thủ trong đó có trường hợp Huy Toàn, vốn được gọi bổ sung do “lỗi đánh máy”, tự người trong cuộc đều hiểu, chấp nhận.

Thời HLV Miura, một trong những điểm mạnh của ĐT Việt Nam là tính tổ chức cao. Ông thầy người Nhật mang đến cách làm mới, với tư duy và tính tổ chức kỷ luật của người Nhật. Ở khía cạnh này, HLV Hữu Thắng đã và đang làm tốt, khi xây dựng, tổ chức lại ĐT Việt Nam mà ở đó nguyên tắc trật tự, kỷ luật được tôn trọng hàng đầu. Đây là khác biệt so với các HLV nội mà ông thầy này làm được ở môi trường bóng đá Việt Nam, với căn bệnh “nhờn mặt”. Đó là lý do suốt hành trình lên dẫn dắt, ở đội bóng của HLV Hữu Thắng không hề xuất hiện sự cố hay những phàn nàn âm ỉ trong nội bộ.

Hay dở và chuyên môn là vấn đề vô cùng có thể còn gây tranh cãi, nghi ngại, nhưng chắc chắn ĐT Việt Nam của HLV Hữu Thắng trước AFF Cup 2016 là một tập thể có sự đồng nhất cao. Ở đội bóng, các cầu thủ bị thuyết phục và có sự nể trọng với cách làm, con người của ông thầy xứ Nghệ.

NGUYÊN ANH

Nguồn Lao Động: http://laodong.com.vn/the-thao/khi-hlv-huu-thang-la-dai-ca-cam-dau-611845.bld