Khi danh tiếng được kiếm tìm từ nỗi đau của người khác

Từ thiện vốn là hành động tốt đẹp mang tính cộng đồng với tinh thần tương thân tương ái mà thời nào cũng cần và cũng được ghi nhận. Thế nhưng lợi dụng từ thiện để trục lợi, mua danh cá nhân thì không phải là câu chuyện hiếm thời nay.

Mua danh bằng “bọt” từ thiện

Ồn ào và được nhắc tới khá nhiều là những vụ đấu giá từ thiện mà đến khi trả tiền thì người thắng cuộc “chạy làng” bằng nhiều lý do, khác hẳn với những lời hùng hồn tuyên bố khi ống kính truyền thông chĩa vào trước đó.

Chắc hẳn còn nhiều người nhớ sự kiện đã diễn ra mấy năm trong chương trình đấu giá gây quỹ từ thiện "Đêm hội Hoa hậu Trái đất và doanh nhân hướng về miền Trung" ủng hộ đồng bào miền trung bị lũ lụt được phát trên sóng truyền hình. Kết thúc chương trình, ban tổ chức công bố thu được số tiền khá lớn, lên đến gần 74 tỉ đồng. Trong đó đáng chú ý là bộ tác phẩm tứ linh (long - lân - quy - phụng) – từng nhận giải xuất sắc tại Triển lãm sinh vật cảnh cao cấp toàn quốc trong dịp Đại lễ 1000 năm Thăng Long được đem ra đấu giá. Bộ tứ linh này có giá đấu khởi điểm là 40 tỷ đồng, chỉ sau vài phút, số tiền cho những linh vật này tăng dần từ 42 lên 45 rồi dừng lại ở con số 47,9 tỷ đồng với tên tuổi người thắng cuộc sở hữu tác phẩm nghệ thuật này là đại diện Công ty gốm sứ Bảo Long. Rồi chiếc trống đồng kỷ vật 1000 năm Thăng Long được một người trả 12 tỷ đồng; bức tranh đá quý có chữ ký của khoảng 80 thí sinh Miss Earth cũng được trả 3 tỉ đồng, viên đá ruby khổng lồ được trả giá 11 tỷ đồng. Thế nhưng số tiền thực tế thu được chỉ hơn 1 tỉ đồng, còn gần 73 tỉ đồng “bốc hơi” với nhiều lý do khác nhau.

Bộ tứ linh bị từ chối mua. Nguồn nld.com.vn

Trước đó, cuộc đấu giá từ thiện sim 8 số 8 được trả giá hơn 1 tỉ đồng cũng bị chủ nhân thắng cuộc từ chối thanh toán.

Đây chỉ là vài câu chuyện được xuất hiện trên truyền hình nên có lượng người biết đến khá nhiều. Còn thực tế, núp dưới bóng từ thiện nhan nhản những chuyện mua danh bằng nước bọt của cá nhân hoặc tổ chức rất đáng lên án. Một gia đình vừa bị mất đi người thân, nhưng người ta cũng tranh thủ đến từ thiện với cái bảng tiền và nụ cười méo mó để chụp ảnh đưa lên truyền thông. Một gia cảnh bi thương được chia sẻ trên mặt báo, kêu gọi sự giúp đỡ của cộng đồng thì người ta thấy cả người mang danh từ thiện đến “cầm hộ” tiền để chi trả, đến chụp ảnh với bảng tiền lớn rồi một đi không trở lại với số tiền mặt đã hứa giúp đỡ… Và số tiền này có thể mãi mãi là tiền ảo, nhưng cũng có thể sau đó được chuyển vào túi người trục lợi.

Đốt đền để mua danh

Chia sẻ những câu chuyện này, chuyên gia nghiên cứu tâm lý Nguyễn An Chất cho rằng: Bản chất con người ai cũng muốn có danh, muốn “mua” danh.

Vậy làm thế nào để có danh? Một là từ sự tài giỏi của bản thân sẽ tạo ra danh. Tuy nhiên cách này không phải ai cũng làm được, mà nếu làm được thì cũng phải có thời gian nhất định. Và cách nhanh hơn, đỡ tốn kém hơn chính là mua danh theo đúng nghĩa của từ mua - bán.

Ông cha ta đã nói người nổi tiếng là người xây đền và cả người đốt đền. Xây đền bao giờ cũng khó hơn đốt đền.

Họa sĩ Lê Thiết Cương từng chia sẻ trên báo chí rằng sở dĩ có tình trạng người thắng cuộc trong các cuộc đấu giá nhưng rồi từ chối thanh toán là vì chúng ta chưa có văn hóa đấu giá.

Ảnh minh họa. Nguồn internet.

Việc các cá nhân, tổ chức xuất hiện trong các buổi đấu giá, từ thiện luôn thu hút được sự quan tâm, ngưỡng mộ của cộng đồng. Trong mắt cộng đồng những người thắng cuộc luôn là người thành đạt, không chỉ biết làm kinh tế giỏi mà còn có tấm lòng, biết chia sẻ tới cộng đồng, quan tâm tới những hoàn cảnh bất hạnh, không may mắn… Từ đó, hình ảnh cá nhân, hình ảnh công ty, doanh nghiệp được chú ý. Mà sự chú ý ở đây là chủ động, là cộng đồng tự tìm đến chứ không phải chú ý “bị động” như những kịch bản quảng cáo. Đây chính là mặt “có lợi” từ việc “được biết đến”.

Vì thế, không ít cuộc đấu giá trong các chương trình từ thiện là tâm điểm chú ý của những doanh nghiệp rởm, doanh nhân rởm xuất hiện và dùng những xảo thuật để mang về lợi ích cá nhân, lợi ích trước mắt mà quên đi đạo đức, tình người, lương tâm trách nhiệm của chính mình và với cộng đồng.

Theo chuyên gia tâm lý Nguyễn An Chất trong những cuộc đấu giá, từ thiện… thì việc trả giá rồi không mua là sự giả dối nhưng lừa dối trong việc từ thiện, hứa làm việc thiện không làm thì họ đang bán quá rẻ lương tâm và giá trị của bản thân, cần lên án và phê phán. Đánh bóng tên tuổi kiểu này là nhẫn tâm.

Ông Nguyễn An Chất cũng lưu ý với truyền thông đang có sự nhầm lẫn khi gọi “đại gia”. Đại gia không chỉ đơn thuần là người nhiều tiền, mà phải xem tiền ấy từ đâu ra, có “trong sạch” không, có tham ô, tham nhũng mà có không, hay tự mình làm ra. Chỉ khi người “nhiều tiền” được gọi là “đại gia” ngoài việc phải làm giàu bằng bàn tay bằng khối óc thì còn phải không được làm hại cộng cộng, phải làm lợi cho cộng đồng, như thời xưa có cụ Bạch Thái Bưởi và cụ Hưng Ký.

Ngay cả với người nhiều khi nhiều tiền nhưng lừa dối cộng đồng, làm ảnh hưởng đến cộng đồng thì không thể gọi người đó là đại gia. Việc một cá nhân hay đại diện tổ chức trả giá thắng cuộc trong cuộc đấu giá, từ thiện, nhưng sau đó không thực hiện lời hứa thì đáng bị khinh bỉ, nhạo báng... Bất kỳ người nào mua danh kiểu này đều bị coi thường và không bền.

Tuy nhiên, cũng theo chuyên gia tâm lý Nguyễn An Chất, ngoài lên án việc “mua danh bằng bọt từ thiện” thì mỗi người hãy tự nhận thức cái gì là giá trị của bản thân, cái gì là giá trị với cộng đồng. Mọi người không thể lấy đồng tiền làm thước đo giá trị.

Bên cạnh đó cần có một chế tài cụ thể, quy định rõ ràng điều kiện để tham gia đấu giá, khi đã thắng trong cuộc đấu giá mà không thanh toán thì bị phạt ít nhất một nửa số tiền đó, thậm chí có thể bị đưa ra tòa. Nếu không có một chế tài đủ mạnh, ban hành và thực thi sớm thì kẽ hở này sẽ còn nhiều người lợi dụng và câu chuyện không hay này sẽ còn tiếp diễn.

Hà Anh

Nguồn Tổ Quốc: http://toquoc.vn/cua-so-van-hoa/khi-danh-tieng-duoc-kiem-tim-tu-noi-dau-cua-nguoi-khac-212841.html