Khi cơn lũ đi qua

Chúng tôi đi công tác ở các đồn biên phòng tuyến Bắc của tỉnh Đắk Lắk trong thời điểm cơn bão số 9 vừa đi qua, nhưng trời vẫn còn mưa. Mưa từ thành phố Buôn Ma Thuột, mưa vào đến tận biên giới. Dọc tỉnh lộ 16, những ổ trâu, ổ bò còn đọng đầy nước khiến cậu điều khiển chiếc U-oát không dám đi nhanh. Đến ngã ba Chư M'Lanh, chiếc U-oát ngoặt trái chạy kịch đường rồi rẽ phải theo con đường 14C. Trời đã vào trưa, cơn mưa cũng vơi dần. Nhìn dòng nước chảy xiết, tôi biết rừng ở đây đã bị khai phá cạn kiệt, làm sao mà ngăn cản được dòng lũ đổ về. Chiếc U-oát vượt con đập tràn chảy xiết. Dòng lũ nước ngập bánh, đẩy chiếc xe chòng chành...

Đại tá Đỗ Minh Hảo, Chỉ huy trưởng BĐBP Đắk Lắk xuống xã Cư Bang, huyện Ea Súp thăm hỏi, tặng quà những gia đình có nạn nhân bị mưa lũ cuốn trôi và những gia đình có hoàn cảnh khó khăn đặc biệt.

Ngồi trên xe, nhìn xuống hai bên đường, ngấn nước rút còn để lại những rều rác bám trên lùm cây, ngọn cỏ, hẳn biết cơn bão số 8, số 9 vừa qua để lại hậu quả rất lớn cho nhân dân trên địa bàn. Vừa tới Đồn BP Ea H'Leo, tôi gặp ngay Trung tá, Chính trị viên Mai Thế Bùi. Anh cho biết: Cơn bão số 8, số 9 vừa qua gây ra mưa trên diện rộng. Ban chỉ đạo phòng chống lụt bão BĐBP tỉnh do Đại tá Phạm Quang Hùng, Phó Chỉ huy trưởng làm Trưởng ban đã có mặt và chỉ đạo các đồn biên phòng phối hợp với chính quyền địa phương tuyên truyền cho nhân dân ở các thôn trong xã chủ động phòng chống ngập lụt; đồng thời chỉ đạo đội công tác địa bàn xuống các thôn trọng điểm giúp các hộ thiếu lao động vận chuyển nông sản đã thu hoạch từ ngoài ruộng lên khu an toàn. Thông báo cho 60 hộ trong diện ngập lụt chủ động phòng chống lũ kịp thời; chỉ đạo đội công tác giúp 18 gia đình và một trường mẫu giáo di dời khỏi vùng ngập lụt nguy hiểm. Phối hợp với lực lượng cứu hộ, cứu nạn của các đơn vị bạn thuộc Binh đoàn 16 đứng chân trên địa bàn và Trạm Cảnh sát bảo vệ biên giới của Đồn Ô Rô, Cam-pu-chia tham gia tìm kiếm nạn nhân ở xã Cư Bang, huyện Ea Súp bị dòng lũ cuốn trôi ngày 18-9. Trong thời điểm này, mưa lũ càng trở nên dữ dội hơn. Hơn 1km đường từ thôn Chiềng liên thông với thôn Đừng, thôn Án bị ngập, có đoạn tới cả mét nước. Đồng chí Hà Ngọc Lâm và đồng chí Y Juyên, đội công tác đã trực tiếp cùng anh em xuống địa bàn giúp dân di chuyển tài sản lên nơi khô ráo.

Vừa làm nhiệm vụ chống lũ lụt trong nội địa, đơn vị còn phải khẩn cấp triển khai ứng cứu lực lượng giúp Biên phòng nước bạn Cam-pu-chia bị nước lũ cô lập. Mới hơn 15 giờ 30 phút mà trời như đã quá chiều. Trung tá Mai Thế Bùi và anh Nguyễn Văn Thanh, Phó Đồn trưởng Nghiệp vụ khẩn trương vào trận. Anh Mai Thế Bùi nói Thiếu úy Nguyễn Đức điều khiển chiếc ca nô bé nhỏ luồn lách trong rừng, né tránh những cây cối nổi lềnh bềnh phóng theo dòng chảy. Chiếc xuồng men theo dòng nước mênh mang đỏ ngầu. Gần hai tiếng đồng hồ, xuồng mới sang tới Chốt 9 của bạn. Vừa thấy xuồng của Biên phòng Việt Nam tới, anh em trên chốt của bạn mừng vui khôn tả. Trung tá Mai Thế Bùi phát áo phao cho bạn và thúc giục mọi người đem vũ khí, trang bị lên xuồng. Chiếc xuồng lại tiếp tục hành trình. Lúc đi thuận lợi hơn lúc về, bởi xuồng vừa phải tải nặng, vừa phải bơi ngược dòng nước chảy xiết. Và cứ thế cho đến 20 giờ 30 phút cùng ngày, chiếc xuồng nhỏ cũng đã đưa được 5 cán bộ, chiến sỹ của chốt bạn sang Đồn BP Ea H'Leo tránh lũ an toàn.

Đó là tình hình ở Đồn BP Ea H'leo. Để hiểu rõ hơn về trận lũ lụt trên diện rộng, tôi đã trực tiếp liên lạc với anh Lương Văn Sơn, ở phòng Thống kê của xã Ia Lốp. Anh Sơn cho biết: Từ ngày 17 đến 19-9, cơn báo số 8 hoành hành, gây ra mưa lũ lớn. Nước ngập cả con đường vào thôn Nhạp, rất nhiều ngôi nhà ở hai thôn Án, Ba Tri bị ngập. Mưa lũ gây thiệt hại hơn 734,1ha hoa màu, nông sản của nhân dân, làm chết 1 con bò, 5 con dê, hàng trăm con gà, vịt... Nghiêm trọng hơn là mưa bão đã làm sạt lở hơn 10km đường giao thông liên thôn, thiệt hại lên tới 14,158 tỷ đồng.

Đại tá Phạm Quang Hùng, Phó Chỉ huy trưởng, Trưởng ban Chỉ đạo phòng chống lụt bão BĐBP Đắk Lắk thăm hỏi cán bộ, chiến sỹ Chốt 9 và Trạm Cảnh sát bảo vệ biên giới Cam-pu-chia được BĐBP Đắk Lắk đón sang Đồn BP Ea H'Leo tránh lũ.

Cùng trên dải đất liền kề của xã Ia Lốp, tôi tìm vào UBND xã Ia Rvê. Phó Chủ tịch xã Nguyễn Viết Sơn cho biết: Các cơn bão số 7,8,9 và 10 vừa qua xảy ra liên tiếp. Trong đó, cơn bão số 8 gây thiệt hại nặng nhất. Mưa lớn kéo dài, bên cạnh đó, việc xả lũ của hồ Ea Súp Thượng cùng lúc nên đã gây ra lũ lụt lớn. Cấp ủy, chính quyền địa phương ở đây đã chủ động đối phó kịp thời, phối hợp với Ban Phòng chống lụt bão của huyện, BĐBP và các đơn vị quân đội đứng chân trên địa bàn, phân công tổ trực 24/24 giờ tập trung ở các thôn trọng điểm, nên đã đưa được 100 người bị mắc kẹt ở chòi rẫy bị ngập lụt vào nơi an toàn. Lúa, khoai, bắp, mì, nghệ, gừng, cao su, bông vải... hầu hết bị ngập trắng, với tổng diện tích là 644,6ha. Một số hồ ao thả cá chìm trong lũ, trâu, bò bị cuốn trôi. Nghiêm trọng hơn là tuyến đường giao thông nông thôn bị sạt lở hơn 10km, 8 cầu cống bị hỏng. Thiệt hại nặng nhất là ở các thôn 7,8,9 và 13 của xã. Tổng thiệt hại ước tính trên 14,158 tỷ đồng.

Sau cơn bão, cấp ủy, chính quyền địa phương đã chỉ đạo Trạm Y tế phun thuốc chống dịch bệnh cho người và gia súc. Đề nghị trên giúp sức tu sửa lại đường giao thông huyết mạch; đồng thời cho nhân dân vay vốn tiếp tục sản xuất. "Ruộng đồng bị mất trắng, các hộ nghèo ở hai xã Ia Lốp và Ia Rvê lại tiếp tục tăng lên, có thể còn vượt lên trên 73%" - Anh Lương Văn Sơn nói với tôi vậy.

Để đối phó với cái đói, cái nghèo sau cơn lũ, trước mắt, người có sức khỏe bỏ nhà đi nơi khác làm thuê, cuốc cỏ, cạo mủ cao su, thu hái cà phê... người già và phụ nữ ở lại tiếp tục thu nhặt những gì còn sót lại trên đồng. Đứng trước những khó khăn chồng lên khó khăn, cấp ủy, chính quyền địa phương đã và đang kêu gọi các cơ quan, doanh nghiệp, các nhà hảo tâm hỗ trợ về vật chất. Vừa qua, các nhà chùa ở miền Tây cũng đã kịp thời vận chuyển hàng hóa như mì tôm, bột ngọt đến giúp đỡ. Cơn bão số 8 vừa đi qua, Đại tá Đỗ Minh Hảo, Chỉ huy trưởng BĐBP Đắk Lắk đã trực tiếp xuống xã Cư Bang, huyện Ea Súp hỗ trợ cho 7 gia đình có nạn nhân bị mưa lũ cuốn trôi, mỗi gia đình 2 triệu đồng và 4 hộ gia đình có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn, mỗi gia đình 50kg gạo. Món quà tuy nhỏ nhưng đã thể hiện tình cảm quân dân thắm thiết...

Lê Huy Thành

Email Print Góp ý

Nguồn Biên Phòng: http://www.bienphong.com.vn/BaoBienPhong/32/397/397/21979/Khi-con-lu-di-qua-/bbp.aspx