Khi cổ đông lơ mơ quyền làm chủ

SGTT.VN - Chuyện một nhóm vừa là lãnh đạo vừa là cổ đông đuổi một lãnh đạo cao cấp khác ra khỏi công ty, phá khóa lấy con dấu… của công ty Dược liệu trung ương 2 đang làm xôn xao thị trường.

Đại hội đồng cổ đông là một thiết chế dân chủ. Muốn thay đổi chức vụ của ban lãnh đạo cao nhất phải theo tiến trình chặt chẽ theo quy định của Luật. Ảnh chỉ mang tính minh họa. Ảnh: Lê Quang Nhật Hành xử của nhóm cổ đông này không chỉ vi phạm pháp luật, mà còn cho thấy nhiều nhà đầu tư vẫn chưa hiểu rõ quyền hạn và trách nhiệm cổ đông của mình. Cổ đông của công ty cổ phần Dược phẩm trung ương 2 đã ngơ ngác khi thấy những vệ sĩ, được cho là do một cổ đông có tỷ lệ sở hữu cổ phiếu cao thuê, đứng gác trước cửa đại hội vào cuối tuần qua (25.9). Đại hội đã bắt đầu không suôn sẻ, khi việc tranh cãi, bất đồng trong bầu chủ tọa đại hội đã chia đại hội ra thành nhiều nhóm cổ đông với các ý kiến trái ngược nhau. Trước đó, ngày 23.9, cuộc họp cuối nhiệm kỳ hội đồng quản trị của Dược liệu 2 đã không thống nhất biên bản cuộc họp và xảy ra sự bất đồng lớn. Ông Nguyễn Công Chiến, ủy viên HĐQT năm 2009, đã thu gom cổ phiếu sở hữu khoảng 20% vốn công ty Dược liệu 2, cùng với 3 ủy viên HĐQT khác yêu cầu “truất phế” ông Phan Thành Lây đang ở chức chủ tịch HĐQT kiêm tổng giám đốc công ty. Vị trưởng ban kiểm soát không đồng ý đã bỏ ra ngoài. Tuy nhiên, cuộc họp vẫn đưa ra văn bản miễn nhiệm ông Lây và được thi hành ngay lập tức vào tối khuya hôm ấy bằng cách phá két sắt để lấy con dấu đóng vào quyết định. Vào ngày đại hội, ông Chiến, với tỷ lệ sở hữu 20% đã tự bầu cho mình chức chủ tịch HĐQT. Dù vậy, việc không thành do ông đã ghi nhầm số lượng cổ phiếu nắm giữ từ con số 2,7 triệu thành 270.000 cổ phiếu. Đại hội đồng cổ đông đã bầu ông Phan Thành Lây tại vị chức chủ tịch HĐQT kiêm tổng giám đốc. Ông Chiến yêu cầu bầu lại nhưng đã bị từ chối. Lý do “đảo chính” là ông Lây đã có những sai phạm trong quá trình điều hành về hợp đồng kiểm toán, báo cáo tài chính 2009, các khoản phải thu, phải trả... Trong báo cáo tài chính 2009 của Dược liệu trung ương 2 do công ty kiểm toán AACSS kiểm toán, ý kiến của kiểm toán viên lưu ý rằng một số công nợ phải thu phải trả đến cuối năm chưa được đối chiếu, xác nhận và chưa nhận được phản hồi về một số khoản công nợ từ phía khách hàng. Kiểm toán cũng không thể tiến hành cuộc kiểm toán, không thể tham gia kiểm kê hàng tồn kho, tiền mặt, tài sản cố định của một số bộ phận trực thuộc công ty vài các bộ phận này đã tiến hành giải thể. Ngoài ra, kiểm toán cũng chưa điều chỉnh số liệu theo quyết định truy thu thuế của Cục thuế TP.HCM vì công ty đang có khiếu nại. Dù vậy, báo cáo tài chính đã được thông qua với kết luận: đã phản ánh trung thực và hợp lý trên các khía cạnh trọng yếu tình hình tài chính công ty… Theo quy định, đại hội cổ đông phải họp thường niên trong thời hạn 4 tháng kể từ ngày kết thúc năm tài chính, hoặc xin gia hạn nhưng không quá 6 tháng. Song Dược liệu trung ương 2 đã vi phạm quy định khi đến tháng 8 năm nay mới có báo cáo kiểm toán tài chính và tổ chức đại hội năm 2009. Nhiều cổ đông không hiểu quyền của mình, họ cứ nghĩ mua cổ phiếu là có quyền làm chủ, tùy tiện hành xử mà không căn cứ vào luật. Tranh chấp quyền lực và hành xử theo “luật rừng” ở công ty Dược liệu 2 không lạ trên thị trường. Trước đó, tranh chấp quyền lực trong nội bộ công ty cổ phần Đay Sài Gòn, công ty Bông Bạch Tuyết… cũng khiến các cổ đông đau đầu, kinh doanh sản xuất đình đốn, tài chính và nội bộ công ty mất dần sự minh bạch… Một lãnh đạo của Dược liệu 2 cho biết, công ty sẽ đâm đơn kiện nhóm cổ đông này vì đã có hành vi phá hoại tài sản công ty. Tuy nhiên, vấn đề được quan tâm là, khi sự việc xảy ra, cổ đông vẫn không thấy mình đang vi phạm luật và điều lệ công ty, cũng như chưa hiểu rõ quyền và trách nhiệm của một cổ đông. Đại hội đồng cổ đông là cơ quan có quyền quyết định cao nhất của một công ty cổ phần, nhưng ở đại hội Dược liệu 2, không thấy các cổ đông đã sử dụng quyền lực của mình để làm rõ động cơ của nhóm cổ đông trên, cũng như làm rõ những gì chưa rõ trong báo cáo tài chính. Luật Doanh nghiệp đã có hướng dẫn và bảo vệ quyền cổ đông. Cổ đông hoặc nhóm cổ đông sở hữu trên 10% tổng số cổ phần phổ thông có quyền đề cử người vào HĐQT và ban kiểm soát, xem xét và trích lục sổ biên bản và các nghị quyết của HĐQT, yêu cầu triệu tập đại hội đồng cổ đông nếu HĐQT vi phạm nghiêm trọng quyền của cổ đông, ra quyết định vượt quá thẩm quyền được giao… Theo TS Luật Phạm Duy Nghĩa, đại hội đồng cổ đông là một thiết chế dân chủ. Theo quy định của Luật doanh nghiệp 2005, đại hội đồng cổ đông sẽ bầu, miễn nhiệm, bãi nhiệm thành viên hội đồng quản trị. Còn HĐQT có quyền bổ nhiệm, miễn nhiệm, cách chức, ký hợp đồng, chấm dứt hợp đồng đối với giám đốc hoặc tổng giám đốc. Muốn thay đổi chức vụ của ban lãnh đạo cao nhất phải theo tiến trình chặt chẽ theo quy định của Luật. Việc phá khóa lấy con dấu của nhóm cổ đông trên là hành vi phá hoại tài sản, vi phạm pháp luật, trật tự. Ngoài ra, quyết định miễn nhiệm trên dù có đóng dấu nhưng vẫn không hợp lệ, bởi quy định văn thư đóng dấu, không phải ai đóng cũng được công nhận. Tình trạng tranh giành quyền lực xảy ra phổ biến trong tình hình quản trị công ty hiện tại. “Lý do là nhiều cổ đông không hiểu quyền của mình, họ cứ nghĩ mua cổ phiếu là có quyền làm chủ, tùy tiện hành xử mà không căn cứ vào luật”, ông Nghĩa nói.

Nguồn SGTT: http://sgtt.vn/kinh-te/130115/khi-co-dong-lo-mo-quyen-lam-chu.html