Khi bong bóng, đồ chơi tình dục, người dọn vệ sinh… được rao giá trên trời

Đó là một vài trong số những tác phẩm nhận được sự chú ý tại hội chợ nghệ thuật hàng đầu thế giới

Đến hẹn lại lên, một trong những hội chợ nghệ thuật lớn nhất trên thế giới – Frieze London vừa diễn ra tại thủ đô nước Anh, từ ngày 6-9/10. Năm nay, với sự tham gia của 170 phòng tranh lớn từ hơn 30 quốc gia, Frieze London 2016 tiếp tục khẳng định tên tuổi, xứng đáng là sự kiện truyền cảm hứng cho nghệ thuật đương đại toàn cầu.

Cùng điểm qua những điểm nhấn chính làm nên sự thành công của Frieze năm nay.

Nghệ thuật trình diễn

Raphael Gygax, curator (giám tuyển viên) của bảo tàng Migros fur Gegenwartskunst tại Zurich, Thụy Sỹ là người chịu trách nhiệm cho “Các dự án của Frieze” – một chương trình phi lợi nhuận đặt hàng các tác phẩm nghệ thuật dành cho trưng bày ngay tại hội chợ.

Một trong những tác phẩm được Gygax chọn năm nay là một vở kịch rối, đồng sáng tác của nhà văn Sibylle Berg và nghệ sỹ Claus Richter. “Vở rối này khắc họa một tương lai khi vai trò của người đàn ông được thay thế bằng phụ nữ và robot”, Victoria Siddal, giám đốc của Frieze London 2016 cho biết.

Juile Verhoeven trong tác phẩm “Người dọn nhà vệ sinh… Hãy rửa tay nào”

Nghệ sỹ đến từ nước Anh Juile Verhoeven cũng được đặt hàng sáng tạo tác phẩm trưng bày tại khu vực… nhà vệ sinh của hội chợ. Với “Người dọn nhà vệ sinh… Hãy rửa tay nào”, Verhoeven đóng vai một nhân viên lau dọn ngồi trước cửa nhà vệ sinh, mang theo các dụng cụ lau chùi màu sắc tinh tế, được tẩm hương dưa hấu thơm phức và cả những giai điệu âm nhạc thịnh hành… sẵn sàng chào đón các du khách có nhu cầu giải quyết “nỗi buồn cá nhân”. Tác phẩm của cô được đánh giá là đã làm nổi bật lên “hiện thực thường không được nhìn thấy của những nhóm người lao động trong xã hội.”

“Được mùa” tác phẩm sắp đặt

Khách tham quan Frieze London 2016 được khuyến khích trực tiếp bước vào các tác phẩm nghệ thuật; nổi bật trong số đó là trình diễn sắp đặt ánh sáng của James Turrell. “Đây là một tác phẩm rất được ưa thích. Người xem phải xếp hàng trong nhiều giờ để thưởng thức nó”, Siddall giải thích.

Sắp đặt ánh sáng của James Turrell

Ngoài ra, không thể không kể đến căn phòng đầy bóng bay của Philippe Parreno hay "L'atelier d'artistes” – một gian trưng bày của gallery Hauser & Wirth, trong đó giới thiệu cả những tác phẩm xịn và giả của các nghệ sỹ mà phòng tranh này đại diện.

Căn phòng bóng bay của Philippe Parreno

Hauser & Wirth giới thiệu cả các tác phẩm xịn và giả của mỗi nghệ sỹ

Tôn vinh phụ nữ

Tại Frieze London năm nay, các nữ nghệ sỹ nhận được nhiều sự chú ý với một loạt các gian trưng bày cá nhân như của Latifa Echakhch, Channa Horwitz và Goshka Makugar. Third Line, một gallery đến từ Dubai đã có hẳn một buổi giới thiệu về các nữ nghệ sỹ nổi bật của Trung Đông, trong khi gallery New York P.P.O.W đem đến hội chợ các tác phẩm của bốn thế hệ nữ nghệ sỹ. Tại gian hàng của P.P.O.W, người xem có thể được chiêm ngưỡng tác phẩm của Portia Munson “Dự án màu hồng: Bàn” – một bộ sưu tập các đồ vật khác nhau đều mang sắc hồng dễ thương.

“Dự án màu hồng: Bàn” của Portia Munson

“Tình trạng mất cân bằng nam nữ vẫn luôn diễn ra trog thế giới nghệ thuật. Tuy nhiên, tôi cảm thấy rằng, với nghệ thuật đương đại, một thế hệ nghệ sỹ mới sẽ đem đến những điều khác biệt và san bằng hố phân cách đó”, Siddall nói.

Thập niên 90 trở thành xu thế mới

Frieze London 2016 cũng đem đến một cái nhìn hoài niệm về thập niên 90 với khu vực trưng bày 12 tác phẩm được chọn ra bởi nhà phê bình nghệ thuật Nicholas Trembley. Được đánh giá là “thực sự ảnh hưởng đến thế hệ nghệ sỹ trẻ hiện nay,” trong khi sự quay lại của thập niên 90 đã làm mưa làm gió trên các sàn diễn thời trang trong thời gian gần đây, thì với nghệ thuật đương đại, nó vẫn đang là một xu hướng mới.

Tác phẩm Aperto '93 của Massimo De Carlo

(Theo CNN)

Minh Đức

Nguồn Tổ Quốc: http://toquoc.vn/cua-so-van-hoa/khi-bong-bong-do-choi-tinh-duc-nguoi-don-ve-sinh-duoc-rao-gia-tren-troi-214180.html