Khép tội kiểu nào cũng đúng

Tại buổi họp báo mới đây, Vụ trưởng Vụ Pháp luật hình sự - hành chính (Bộ Tư pháp) Nguyễn Thị Kim Thoa khẳng định, Bộ luật Hình sự (sửa đổi) 2015 đã cơ bản khắc phục được những khái niệm định tính, trừu tượng, khó xác định như: Nghiêm trọng, rất nghiêm trọng hay đặc biệt nghiêm trọng, từ đó tạo điều kiện thuận lợi để việc triển khai luật trong thực tế thống nhất, tránh tiêu cực phát sinh. Song, thực tế Bộ luật này không phải là đã hết khái niệm trìu tượng, thậm chí còn có sự sai sót, chồng chéo giữa các điều khoản của bộ luật này.

Tại Bộ luật Hình sự (BLHS) 2015 (có hiệu lực từ ngày 1/7/2016) có sự “tua lại” trùng lặp giữa các điều khoản hết sức đáng tiếc, nếu không kịp thời sửa chữa sẽ dẫn đến những hậu quả khôn lường. Cụ thể, ngay trong Điều 249 BLHS 2015, tại Điểm h, Khoản 2 và Điểm c, Khoản 3 đều quy định: “Lá, rễ, thân, cành, hoa, quả cây cần sa hoặc lá cây côca có khối lượng từ 25 kg đến dưới 75 kg”. Tuy nhiên, ở Khoản 2 thì người phạm tội chỉ phải chịu mức khung hình phạt 5-10 năm tù, trong khi ở Khoản 3 thì mức án là 10-15 năm tù.

Cùng Điều 250 BLHS 2015, nhưng Điểm d, Khoản 1 và Điểm i, Khoản 2 đều quy định: “Lá, rễ, thân, cành, hoa, quả cây cần sa hoặc lá cây côca có khối lượng từ 10 kg đến dưới 25 kg”. Trong khi mức án ở khoản 1 điều này là 2-7 năm tù thì mức án ở khoản 2 là 7-15 năm tù. Tương tự, quy định tại Điểm d, Khoản 1, Điều 252 BLHS 2015 được tua lại tại Điểm h, Khoản 2, tức là người phạm tội có thể chỉ phải chịu mức án 1-5 năm tù, nhưng cũng có thể phải chịu mức án từ 5-10 năm tù.

Tại Khoản 1, Điều 14, Hiến pháp 2013, đạo luật gốc của mọi đạo luật quy định: Các quyền con người, quyền công dân về chính trị, dân sự, kinh tế, văn hóa, xã hội được công nhận, tôn trọng, bảo vệ, bảo đảm theo Hiến pháp và pháp luật. Tại Khoản 3, Điều 102 Hiến pháp 2013 chỉ rõ: Tòa án nhân dân có nhiệm vụ bảo vệ công lý, bảo vệ quyền con người, quyền công dân, bảo vệ chế độ xã hội chủ nghĩa, bảo vệ lợi ích của Nhà nước, quyền và lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân. Song, TAND bảo vệ quyền con người, quyền công dân kiểu gì đây khi luật cho phép cơ quan công tố có thể truy tố người phạm tội ở bất cứ khoản nào trong một điều luật?

Phó Thủ tướng Trương Hòa Bình (nguyên Chánh án TAND Tối cao) từng khẳng định: Hiện TAND đang phải xét xử căn cứ trên hồ sơ, tài liệu, chứng cứ do CQĐT thu thập và hồ sơ truy tố của Viện KSND, mà không thể “xử ngoài hồ sơ” được. Điều này dẫn đến tình trạng “sai cả dây”, tức là khi CQĐT bị lệch hướng, Viện KSND truy tố nhầm (nếu không muốn nói là sai) thì đương nhiên án tại hồ sơ TAND phải theo đó mà tuyên thôi. Và trong trường hợp này khi BLHS có sự trùng lặp giữa các khung hình phạt thì không chỉ gây ra sự tùy hứng của các cơ quan tố tụng, mà còn dẫn đến việc quyền con người và quyền công dân được hiến định sẽ bị vi phạm.

Lý giải cho những sai sót nghiêm trọng này, một số ý kiến cho rằng do thời gian chuẩn bị dự án luật quá ngắn (chuẩn bị qua 2 Kỳ họp Quốc hội, chứ không được 3 kỳ như đề xuất) nên không tránh khỏi lỗi. Song, phải sòng phẳng với nhau rằng, dù có gấp gáp đến đâu cũng không thể có lỗi nghiêm trọng như vậy trong luật, đặc biệt là pháp luật hình sự vì nó có liên quan đến quyền con người, quyền công dân đã được hiến định. Không thể để xảy ra tình trạng khép tội thế nào cũng được.

Hải Phong

Nguồn Đại Đoàn Kết: http://daidoanket.vn/giam-sat-phap-luat/khep-toi-kieu-nao-cung-dung/97082