Khát vọng xanh

Nhà xuất bản Hội Nhà văn Việt Nam vừa phát hành cuốn thơ 'Thành phố tôi đang sống' của Nguyễn Hoa.

Thơ Nguyễn Hoa nhiều màu xanh, màu xanh mang nghĩa thực của trời nước, cỏ cây, hoa trái… và rất nhiều màu xanh mang nghĩa bóng của cuộc đời đang xôn xao cựa quậy: “Hình như sắp mùa xuân/ Cỏ xanh dạ hội” (Bất ngờ); màu xanh non tơ phập phồng sự sống: “Với bàn tay của bạn tôi có thể đặt lên một chiếc lá xanh/ chiếc lá xanh cuống đang ứa nhựa”; sự sống tiếp nối sinh sôi: “Chiếc lá xanh ấy/ nó làm cho tôi giống cái cây trên đường/ nó làm cho tôi lẫn vào đêm-đêm xanh/ nó làm cho lẫn vào đất-đất xanh” (Với bàn tay của bạn). Màu xanh là ánh sáng, là trí tuệ thời đại soi chiếu: “Ánh sáng xanh tràn xuống mái nhà này” (Ánh sáng bản Luận cương). Đó là màu xanh của khát khao hòa bình: “Lá cây xanh-một mảnh trời xanh/ Cho tôi ngày ngày uống mát/ Sau những đêm lửa bỏng rát…” (Bạn hãy). Là ước ao tuổi trẻ đầy nhựa sống: “Lại ước/ Như em đẹp/ Lại ước/ Như anh/ Xanh” (Lại ước). Cao hơn, màu xanh còn là tư tưởng, tâm hồn, trí tuệ: “Sáng bừng xanh-đôi mắt-một nhà thơ” (Người về từ Đông Quan-viết về thiên tài Nguyễn Trãi). Màu xanh đồng nghĩa với khát khao những chân trời mới: “Tiếng lá đang xanh, chân trời đang khát” (Tổ quốc những điều gần gũi)… Có thể thống kê nhiều hơn nữa để chỉ ra màu xanh trong thơ Nguyễn Hoa là một tín hiệu thẩm mỹ riêng, một ẩn dụ giàu nghĩa.

Hồn thơ này trẻ, giàu ước ao, khát khao, phải vậy chăng mà thiên nhiên như đã hòa nhập vào con người thơ ấy: “Tôi nhiễm hương hoa sữa phố Nguyễn Du” (Bất ngờ). Đáng quý nhất là niềm khát khao, say mê lý tưởng, mà lý tưởng nhất của tất cả chúng ta ở ngày hôm nay là tâm hồn, tư tưởng, cách sống và lối sống của Bác Hồ: “Tên Bác đã thành niềm thơ/ Con vẫn ước làm cơn gió/ Đến rung quả chuông be bé/ Tháng ngày ngân nga giữa xanh trong” (Con ước làm cơn gió nhẹ)…

Giữa “biển khơi” thời nào, đời nào cũng nhiều “sóng gió”, cũng là đương nhiên và dễ hiểu vì cuộc sống là bất tận, cứ nứt ra, vỡ ra, nảy mầm những hy vọng mới để đẩy cái xưa cũ vào quá vãng lạc hậu. Cũng vì thế mà hồn thơ trẻ trong thơ Nguyễn Hoa có nhiều cật vấn, trăn trở mà biểu hiện ra bề ngoài văn bản là có rất nhiều câu hỏi. Nhìn hàng cây đổ sau bão, nhà thơ thảng thốt: “Và tôi/ Không biết bao nhiêu lần bão gió/ Có lần nào như cây đổ không?/ Và ánh sáng thủy chung-cuối cùng?” (Những cây đổ sau bão). Ý thơ xoáy vào trong tâm trạng chủ thể mà tự vấn, dĩ nhiên cũng xoáy cả vào suy nghĩ bạn đọc mà trăn trở. Hỏi nhiều nhất là hỏi về con người trong các mối quan hệ: “Trang sách ta không lúc nào không động/ Thơ về con người với con người?” (Và hôm nay với bạn); “Lời gió rì rào/ Rì rào…/ Con người thế nào?/ Con người thế nào?/ Trên trang viết các nhà văn!” (Trang viết). Con người thế nào ư? Đó là câu hỏi phổ quát và nhức nhối nhất của tất cả các triết học, triết thuyết xưa nay trên thế gian này. Nhưng ở đây nhà thơ trăn trở về con người sẽ ra sao trên những trang văn. Nhìn vào cả tập thơ này mỗi người sẽ tìm thấy nỗi tự vấn của chủ thể về con người, có thể là đồng cảm chỗ này chỗ khác hoặc chưa nhưng dù sao đây cũng là tập thơ đáng đọc, nó mời gọi nỗi suy tư về tính người, tình người, về thời thế và nhân thế!

NGUYỄN THANH TÚ

Nguồn QĐND: http://www.qdnd.vn/van-hoa-giao-duc/van-hoc-nghe-thuat/khat-vong-xanh-514432