Khát vọng Việt và hành trình tìm nhà quản trị kế thừa

SGTT.VN - Cùng hội Liên hiệp thanh niên Việt Nam và tập đoàn Trung Nguyên, câu lạc bộ Doanh nghiệp dẫn đầu cùng trung tâm Nghiên cứu kinh doanh và hỗ trợ doanh nghiệp BSA lên đường đi suốt cuộc “Hành trình vì khát vọng Việt”, đến hơn chục tỉnh thành, tổ chức cho 30 trường đại học các vùng miền và thanh niên nông thôn ở tám tỉnh cùng chia sẻ khát vọng lập chí, khởi nghiệp làm giàu cho mình và cho đất nước, xây dựng một đội ngũ các nhà quản trị trẻ đam mê kinh doanh và sẵn sàng vượt khó.

Những cuộc chia sẻ kinh nghiệm với thanh niên – sinh viên khởi nghiệp diễn ra khắp các thành phố lớn từ đầu năm nay được thực hiện bởi những doanh nhân thành đạt của CLB Doanh nghiệp dẫn đầu.

Chuyện con gà Ai Cập vùng nông thôn Đức Trọng

Anh Thiều Hữu Quý, ở thôn An Tĩnh, xã Liên Hiệp, huyện Đức Trọng, Lâm Đồng đến dự diễn đàn “Thanh niên nông thôn nghĩ giàu làm giàu” tại tỉnh Lâm Đồng hôm 31.10 với câu chuyện thật chính anh về những con gà gốc Ai Cập. 25 tuổi, bí thư Đoàn thôn, anh được vay vốn hỗ trợ 20 triệu đồng, được cha mẹ cho mượn mảnh ruộng đem vay ngân hàng được thêm 70 triệu nữa. Tất cả được anh đầu tư cho lứa gà giống Ai Cập có bộ lông bảy sắc tuyệt đẹp, đẻ trứng sai gấp đôi gà thường. Dậy từ 4 giờ sáng, lục đục với đám gà con, nuôi lớn, rồi gà đẻ trứng, rồi đem bán, rồi nuôi lứa kế, mỗi ngày anh bận rộn đến 12 giờ đêm. Để thu nhập tốt hơn, anh nuôi và giao gà giống, hướng dẫn các bạn cùng thôn làm vệ tinh lo nuôi gà, còn anh lo đi bán. Anh hỏi “tôi chặn đầu vào và đầu ra vậy, có phải là làm “chuỗi giá trị” mà cô Kim Hạnh nói? Giờ ổn chuyện gà, tôi tính thử nghiệm nuôi nhím và nuôi rắn… được chứ?

Đi tiếp, phát triển tiếp thế nào cũng là ưu tư của anh Vũ Công Đoàn, một bác sĩ thú y có hai năm khởi nghiệp trước đây gặp cảnh lao đao khi đàn lợn “dính” trận dịch lở mồm long móng không bán được. Anh tham khảo kinh nghiệm những người thành công, tổ chức chăn nuôi tiếp và tận dụng kiến thức chuyên môn, tư vấn cho bạn bè. Nay anh còn tập tành việc phân phối hàng hóa và đã trở thành nhà phân phối của công ty Thiên Long với doanh số gần 1 tỉ đồng mỗi tháng. Hai bạn trẻ khác lại nêu câu hỏi khó: thôn tôi nhiều nhà nuôi ong, thành phẩm nhiều mà đầu ra không có. Gia đình tôi trồng rau trong nhà lưới, cũng nắm các kỹ thuật nhưng vừa rồi bị trận lũ bất ngờ, mất trắng, hỏi ai để giải quyết nạn này?

Hàng loạt những câu chuyện và những thắc mắc của những người trẻ kiên quyết bám trụ làm giàu trên quê hương mình đang được tìm thấy qua chuỗi chương trình diễn đàn Thanh niên nông thôn ở huyện Phong Điền – Cần Thơ, huyện Đức Trọng – Lâm Đồng, huyện Tháp Mười – Đồng Tháp, huyện Dương Minh Châu – Tây Ninh và sắp tới là huyện Diên Khánh – Khánh Hòa, huyện Hòa Vang – Đà Nẵng hay ngược ra miền Bắc ở Bắc Giang, Hải Phòng… cho thấy đã xuất hiện một hình ảnh chung của một thế hệ nông dân mới, rất mới. Họ có khát vọng nhưng đang cần được tiếp sức để vươn lên…

Ở mỗi nơi diễn đàn đi qua, họ tự hình thành mạng lưới mang tên “Nghĩ giàu làm giàu trên quê hương mình” với lịch hoạt động khá phong phú của mỗi vùng miền. Họ đang hẹn nhau về dự “hội quân” toàn quốc tại TP.HCM hôm 23.11 sắp tới.

Đến chuyện của những sinh viên “hay cãi”

Ở Đà Nẵng, sáu đội sinh viên sáu trường đại học rất “sung” vào cuộc thi “Sáng tạo tương lai”. Phải bất ngờ với những ý tưởng kinh doanh sáng tạo của các bạn: kinh doanh phần mềm hướng dẫn du lịch, cung cấp tour du lịch học tập đa dạng, cung cấp lao động bán thời gian hàng loạt cho du lịch và nhà hàng khách sạn, kinh doanh nông sản sạch kết hợp du lịch xanh, xe buýt nghệ thuật… Những ý tưởng này xuất phát từ nhu cầu thực sự, nếu các nhà quản lý địa phương nắm bắt được sẽ có thể có nguồn lực và sức trẻ sáng tạo để phát triển thành phố nhanh hơn nữa. Điều nổi bật là các bạn đều thực sự đam mê, tự tin và quyết tâm đeo đuổi ý tưởng mình. Các giám khảo thấy mến phục các bạn ở khát vọng và muốn tiếp sức thêm cho các bạn về khả năng tranh biện, khả năng tự viết một kế hoạch kinh doanh đúng nghĩa, biết nghiên cứu thị trường và tận dụng lợi thế cạnh tranh của mình. Và cũng thấy có không ít, kiến thức, kỹ năng mà các bạn đã không được học ở trường đại học. Hành trình “Sáng tạo tương lai” đưa các bạn đến với nhau, cùng thi đua, học tập nhau, nhưng cũng cho thấy các bạn cần được tiếp tục tạo điều kiện trải nghiệm thực tế kinh doanh nhiều hơn nữa. Có thể cần cả những vườn ươm như cách mà nhiều nước như Israel, Singapore, Hoa Kỳ đang làm.

Chính hành trình đã thu gặt được nhiều điều bổ ích để tiếp tục đồng hành cùng tuổi trẻ trường học và nông thôn trong nhận thức rõ rệt là hãy làm tiếp nhiều việc cụ thể cho các bạn, thực sự đồng hành và hành động vì các bạn.

V. Khánh – K. Chinh

Ngày 30.11 tới đây, chặng cuối của chuỗi chương trình “Doanh nghiệp dẫn đầu và thế hệ quản trị kế thừa” của LBC sẽ diễn ra tại đại học Bách khoa TP.HCM, hứa hẹn nhiều câu chuyện hay. Một năm đi dọc chiều dài đất nước với các bạn sinh viên dám nghĩ dám làm dám khát vọng, hành trang của những doanh nhân hàng đầu trong câu lạc bộ Doanh nghiệp dẫn đầu như ông Phạm Phú Ngọc Trai, ông Văn Đức Mười, ông Nguyễn Lâm Viên, ông Cổ Gia Thọ, ông Lâm Văn Hải hay các đại sứ hàng Việt Tạ Minh Tâm, Quyền Linh, Sỹ Hoàng, Phạm Sỹ Sáu đang dày lên với những câu chuyện, những gởi gắm và những kỳ vọng vào một thế hệ những bạn trẻ đang góp sức định hình một giai đoạn mới của nền kinh tế.

Nguồn SGTT: http://sgtt.vn/kinh-te/184946/khat-vong-viet-va-hanh-trinh-tim-nha-quan-tri-ke-thua.html