Khát vọng ít nhất có 20ha đất tập trung của 'Vua chuối đất Bắc' sao mà khó thế?

Con số 20ha nghe có vẻ đơn giản, nhưng là cả một thử thách cho người đang ôm mộng đưa quả chuối Việt Nam vươn ra thế giới.

Trồng chuối nếu có đầu tư, đạt tiêu chuẩn XK, dễ dàng cho lợi nhuận 200-300 triệu đồng/ha/năm. Tuy nhiên để có sản lượng chuối tối thiểu để có thể XK, doanh nghiệp cần ít nhất 20ha đất tập trung.

Ở phía Bắc, anh Phạm Năng Thành, chủ cơ sở SX-XK chuối mang thương hiệu Thuận - Tâm - Thành (xã Đại Tập, Khoái Châu, Hưng Yên) được mệnh danh là “vua chuối đất Bắc”, đã nhận được nhiều giải thưởng vinh danh của ngành nông nghiệp.

Khó khăn tìm kiếm đất đai khiến anh Thành vẫn chưa đạt được tâm nguyện với cây chuối

Chính Bộ trưởng Bộ NN-PTNT Nguyễn Xuân Cường là người rất quan tâm tới cách làm của vị nông dân điển hình này. Được sự gợi ý của Bộ trưởng, Báo NNVN đã tìm tới anh Thành, lắng nghe những tâm tư, quan điểm, khó khăn vướng mắc từ thực tiễn tích tụ đất với mong muốn đưa quả chuối thành mặt hàng XK lớn, vươn ra thị trường quốc tế.

Thị trường rộng mở

Người viết bài này từng nhiều lần gặp anh Thành cách đây vài năm về trước, khi anh chính thức đưa những container chuối tiêu hồng đầu tiên XK sang thị trường Trung Đông. Gặp lại lần này, sự hăm hở đam mê, khát vọng đưa SX chuối Việt Nam thành hàng hóa lớn của anh vẫn thế.

Anh Thành cho biết, thị trường chuối quốc tế thời gian qua vẫn tiếp tục rất mở rộng. Hiện cơ sở của anh đã XK được chuối tiêu sang các thị trường khó tính như Hàn Quốc, Nga, Trung Đông (Ai Cập, Ảrập Xêút, Dubai…). Thời gian cao điểm, cơ sở anh Thành XK một lúc 15 container chuối. Năm 2016, giá chuối XK có tín hiệu tăng mạnh trở lại, mức giá XK trên 600 USD/tấn, cao hơn 30 - 40% so với năm 2015.

Với giá chuối XK khá ổn định này, trừ đầu tư, nông dân cầm chắc mức lợi nhuận trên 300 triệu đồng/ha. Thị trường chuối Việt Nam đang được nhiều nhà XK lớn trên thế giới quan tâm bởi mẫu mã, chất lượng tốt, đặc biệt là các khách hàng từ Nhật Bản, Hàn Quốc có nhu cầu NK rất lớn.

Tuy nhiên, khó khăn lớn nhất của chuối Việt Nam chưa thể vươn ra XK ở các thị trường khó tính, có giá trị cao vẫn là vấn đề rủi ro về dư lượng thuốc BVTV, nhất là quy mô SX không tập trung, chưa thấm vào đâu so với yêu cầu của các nhà NK.

Theo anh Thành, chuyển đổi đất lúa, gắn với HTX là hướng đi khả thi tạo điều kiện để có diện tích lớn

Theo anh Thành, muốn XK được chuối theo lô bằng đường biển, sẽ phải cần ít nhất 20ha đất trồng chuối tập trung. Còn để có sản lượng XK ổn định hàng tháng theo yêu cầu của các nhà NK, phải có ít nhất 100ha đất trồng chuối, càng tập trung càng tốt.

Tuy nhiên, hiện nay là vô cùng khó, nhất là tại phía Bắc. Bản thân anh Thành, đến nay sau hàng chục năm đi gom đất trồng chuối XK, cũng chỉ thuê được chưa nổi 60ha, nhưng lại phải trải mành mành ra tới tận 3 tỉnh gồm Hưng Yên, Bắc Giang và Thanh Hóa. Quy mô quá nhỏ, rời rạc, không liền vùng cũng khiến việc xây dựng cơ sở sơ chế, đóng gói, rủi ro giập nát, chi phí khi vận chuyển tăng lên…

“Quả thực là không dễ chút nào, đôi khi thấy bế tắc”, anh Thành phân trần.

Xoay đủ đường, vẫn đang bí!

Anh nói thị trường XK chuối luôn không có hàng để bán. Nhưng ngay Hưng Yên là vùng trồng chuối khá lớn, riêng huyện Khoái Châu cũng đã có diện tích trên 500ha, thế nhưng năm ngoái, người trồng chuối khóc ròng vì chuối rớt giá, không biết bán cho ai đấy thôi?

Đúng là ngay ở quê tôi diện tích chuối rất lớn, nhưng tôi xin khẳng định là không ai có thể dám mua chuối của nông dân để XK, nhất là sang các thị trường lớn như Hàn Quốc, Nhật Bản, Trung Đông… Bởi ngoài yếu tố mẫu mã, kích cỡ, thời vụ không đồng đều, thì rủi ro về dư lượng thuốc BVTV rất lớn.

Chuối chuẩn bị XK tại cơ sở anh của anh Thành

Tôi đã thử giám sát trên diện tích chuối của mình, cho thấy nếu nhà bên cạnh cách đó 500m phun thuốc BVTV, thì vườn chuối nhà mình vẫn bị dính dư lượng. Huống hồ gì, chuối của nông dân chúng ta trồng thế nào thì ai cũng biết. Mỗi nhà bón phân, phun thuốc một loại, mỗi nhà phun một thời điểm. Nhà này phun thì nhiễm luôn sang nhà bên… Với diện tích mỗi nhà vài ba mẫu là nhiều, chúng tôi cũng không thể nào lấy mẫu từng vườn để đi phân tích, nên không thể mạo hiểm mua để XK được.

Anh Phạm Năng Thành

Hiện nay, mỗi container chuối của chúng tôi muốn XK sang Hàn Quốc thì trước hết đã phải tìm hiểu tường tận xem phía họ không cho phép sử dụng loại hoạt chất thuốc BVTV nào, mỗi lô đều phải lấy mẫu đi kiểm tra dư lượng BVTV mới dám XK.

Khi tàu cập cảng, cơ quan chức năng của họ lấy mẫu kiểm tra, nếu đạt yêu cầu họ mới báo cho nhà NK tới cảng lấy hàng. Còn nếu phát hiện loại hoạt chất BVTV nào không được họ cho phép, hoặc vượt dư lượng là lập tức bị buộc tái xuất ngay.

Ngoài việc phải mất trắng 100% giá trị lô hàng, nếu bị dính vi phạm thì các nhà XK như chúng tôi sẽ buộc phải chịu chi trả 100% chi phí tái xuất, rồi tiêu hủy… vô cùng phức tạp.

Tóm lại, muốn có hàng XK được thì phải có diện tích đủ lớn, tập trung, chủ động chắc chắn kiểm soát được 100% rủi ro về chất lượng, dư lượng thuốc BVTV, đồng thời có thể đầu tư được hạ tầng thời gian dài hạn. Tuy nhiên, để có được diện tích lớn theo yêu cầu đó là vô cùng khó khăn trong điều kiện vốn liếng như chúng tôi rất hạn hẹp.

Nhưng hiện nay cũng có nhiều hình thức tích tụ để có diện tích lớn, tập trung như chuyển nhượng, thuê đất, liên kết SX với nông dân…?

Để có đất bằng cách chuyển nhượng ở ĐBSH chỉ để trồng chuối thì xin khẳng định là không thể. Ngay chính tôi, đã từng đi tích cóp tiền gom mua đất tại Khoái Châu (Hưng Yên) để trồng chuối, nhưng cộng cả phần đất của gia đình nữa thì hiện chỉ có vài ba mẫu, không đáng kể gì. Ở Hưng Yên, những nơi có đất bãi, đất màu như Khoái Châu, Văn Giang, giá đất chuyển nhượng bèo nhất cũng 100 - 150 triệu đồng/sào, có nơi trồng cam, cây cảnh thì 300 - 400 triệu đồng/sào, nếu mua để trồng chuối là chuyện trên trời.

Ảnh: Lê Bền

Vì vậy để có đất trồng chuối tập trung vài chục ha/điểm, chúng tôi buộc phải đi thuê lại đất ruộng ở những tỉnh khác với giá chấp nhận được, xoay quanh 30 triệu đồng/ha/năm. Hiện gần 60ha đang trồng chuối của tôi là đều phải đi thuê, mỗi nơi 10 - 15ha.

Nói thật, tôi đã thử xoay đủ đường để gom đất vào diện tích lớn, nhưng quá khó khăn. Liên kết SX với nông dân cũng đã thử, nhưng cách này rất lỏng lẻo. Bởi để có vài chục ha, sẽ phải hợp tác với hàng trăm nông dân, nhưng nông dân thì không ai bảo được ai, không ai đứng mũi chịu sào.

Thuê đất rất rủi ro

Việc thuê đất cũng không đơn giản chút nào, và cũng rất rủi ro. Bởi việc thuê đất chỉ có UBND xã đứng làm trung gian chứng nhận, thời gian thuê chỉ có 3 - 5 năm. Trồng chuối hay trồng gì thì rồi đây vẫn phải đưa công nghệ, đầu tư hạ tầng vào. Ví dụ chuối thôi, cũng phải có hệ thống tưới, nhà sơ chế, nhưng với thời gian thuê chỉ 3 - 5 năm, nếu đầu tư vào thì rất lãng phí do thời gian khai thác quá ngắn…, anh Phạm Năng Thành chia sẻ.

Bản thân tôi từng thất bại với cách làm này do chỉ hợp tác được vài vụ, khi làm ăn được thì dân bỏ liên kết, gặp lúc giá thị trường cao một chút là bán sản phẩm ra ngoài, hoặc tách ra làm riêng mỗi nhà mỗi kiểu, lại bát nháo như cũ…

Vậy hướng đi sắp của anh làm gì?

Với đặc thù SX của cây chuối, tôi đang có hướng vào khu vực các tỉnh Đông Nam Bộ sẽ thuận lợi hơn. Hiện nhiều cá nhân, DN tại khu vực này cũng đang thuê đất diện tích lớn để trồng chuối XK.

Ở phía Bắc, có một cách có thể tập trung được đất về diện tích lớn mà tôi đã và đang triển khai, có thể sẽ khả thi, đó là liên kết SX với các HTX. Nhưng muốn thế thì chính quyền lại phải ủng hộ và cho phép chuyển đổi đất trồng lúa sang trồng chuối mới được.

Ví dụ ngay ở Hưng Yên, những huyện trồng lúa như Phù Cừ, Tiên Lữ… thì giá cho thuê ruộng lại rất rẻ, chỉ ngang 1 tạ thóc/sào/năm, tương đương 30 triệu đồng/ha.

Nếu được chuyển đổi từ lúa sang chuối, có các HTX được thành lập tự nguyện hợp tác trồng chuối để có lợi nhuận cao hơn thì vẫn có thể làm được.

Theo đó, tôi có thể đầu tư cho HTX toàn bộ về giống, quy trình canh tác, bao tiêu sản phẩm, hoặc một phần phân bón…

Xin cảm ơn anh!

Nguồn Nông Nghiệp: http://nongnghiep.vn/khat-vong-it-nhat-co-20ha-dat-tap-trung-cua-vua-chuoi-dat-bac-sao-ma-kho-the-post179122.html