Khát vọng đưa sản phẩm chè đạt đẳng cấp quốc tế

Cả cuộc đời gắn với nghề làm chè, người phụ nữ qua tuổi lục tuần đã góp phần tôn vinh, đưa tiếng thơm về nghề chè và sản phẩm chè của quê hương mình vượt trùng dương đến tận trời Tây.

Bà là Đỗ Thị Hiệp, Giám đốc HTX chè Tân Hương (xã Phúc Xuân, TP Thái Nguyên, tỉnh Thái Nguyên).

Giấy thông hành cho chè Việt xuất ngoại

Với vai trò Chủ nhiệm HTX, bà Hiệp là người góp công lớn để sản phẩm chè Tân Hương được cấp chứng nhận đạt tiêu chuẩn Quốc tế UTZ Certified vào đầu tháng 11/2011. Chứng nhận UTZ Certified đã đưa chè Tân Hương trở thành sản phẩm chè đầu tiên của Việt Nam đảm bảo hội tụ đủ điều kiện để hội nhập và lưu thông trên thị trường quốc tế.

Nguyên Bộ trưởng Bộ NN-PTNT Cao Đức Phát thăm và làm việc tại HTX chè Tân Hương

Đầu năm 2011, khi tham gia một hội thảo về nâng cao chất lượng sản phẩm chè nông nghiệp, bà Hiệp nghe đến chứng nhận UTZ Certified. Qua tìm hiểu, bà Hiệp khẳng định, đây chính là thời cơ, là chìa khóa để mở ra thành công cho HTX. Bà Hiệp nói làu làu: UTZ, là "tốt" theo tiếng Maya, UTZ Certified là một chương trình chứng nhận toàn cầu cho hoạt động sản xuất và buôn bán trà có trách nhiệm.

Bộ Nguyên tắc UTZ Certified đề cập đến những vấn đề như các tiêu chuẩn về lưu giữ hồ sơ, việc sử dụng một cách tối thiểu và có ghi chép các hóa chất bảo vệ thực vật, bảo hộ quyền lao động và tiếp cận chăm sóc sức khỏe, giáo dục đối với người lao động và gia đình của họ.

Bà Hiệp họp Ban quản lý HTX diễn thuyết rồi tập hợp xã viên và yêu cầu thực hiện sản xuất để được cấp chứng nhận UTZ. Từ tháng 6/2011, HTX được chọn là đơn vị tiến hành tổ chức sản xuất theo tiêu chuẩn UTZ Certified. Chương trình được sự hỗ trợ của tổ chức phi chính phủ Hà Lan (Solidaridad) và Dự án QSEAP (nâng cao chất lượng an toàn sản phẩm nông nghiệp, Sở NN-PTNT tỉnh Thái Nguyên).

Tham gia thực hiện chứng nhận, HTX chè Tân Hương đã tập hợp được 37 hộ xã viên với diện tích 10,25ha và sản lượng 28 tấn. Các hộ được chia làm 7 tổ, các tổ trưởng có trách nhiệm đôn đốc và giám sát việc tuân thủ của từng hộ dân đối với các quy định thực hành sản xuất theo chứng nhận UTZ Certified.

Bà Hiệp cho biết, toàn bộ sản phẩm được chứng nhận đảm bảo có thể truy nguyên nguồn gốc đến từng hộ sản xuất. Làm chứng nhận UTZ Certified thì phải thực hiện việc ghi chép luân chuyển từ hộ gia đình đến HTX và ra thị trường, ghi chép sổ sách cho từng lô đầu vào và đầu ra cho đến tận tay người mua hay trên từng bao bì với ký hiệu lô cụ thể. Các lô hàng được để riêng biệt có nhãn mác sẽ không thể lẫn vào đâu được.

Bà Hiệp kể, khi họp xã viên để trình bày kế hoạch làm chứng nhận UTZ đã có không ít người phản đối. Đến lúc thực hiện, nhiều xã viên làm sai quy trình hướng dẫn, vậy là cả Ban quản lý phải đến từng nhà kiểm tra, giám sát rồi thì hướng dẫn thực hiện lại. Khi vận động đã khó, đến lúc thực hiện càng khó. Xã viên của mình quanh năm chân lấm tay bùn đâu có quen ghi chép rồi thì làm việc theo một lề lối mới, tác phong mới. Mình phải khéo léo uốn nắn không lại bị tự ái, bỏ dở giữa chừng.

Bà Lê Hồng Vân (Trưởng đại diện Solidaridad - tổ chức hỗ trợ chứng nhận) nhận xét, bà Hiệp thực sự là một nông dân kiểu mẫu ở Tân Hương với khát vọng và sự hăng say cháy bỏng để đưa sản phẩm chè Tân Hương đạt đến đẳng cấp quốc tế. UTZ Certified như là thương hiệu đặc biệt, cũng có thể coi đó là tấm vé thông hành để chè Tân Hương hấp dẫn, thu hút khách hàng trên phạm vi toàn cầu.

Điều bà Hiệp tâm niệm là sản phẩm cuối cùng sẽ thuyết phục được các xã viên của mình cũng như sự đón nhận của thị trường.

Đến giờ thì các xã viên của HTX đã thuần thục áp dụng được những kỹ thuật tiên tiến, bón phân hợp lý, sử dụng các biện pháp quản lý dịch bệnh tổng hợp, sản phẩm được thu hái đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm, không dư lượng hóa chất, đảm bảo lưu giữ và chế biến trong điều kiện vệ sinh...

UTZ là làm cho chính mình

Bà Ninh Thị Nhuần (thành viên HTX chè Tân Hương) cho biết, cây chè trồng theo tiêu chuẩn UTZ (chè UTZ) hoàn toàn không có gì khác biệt so với cây chè truyền thống, nhưng quy trình sản xuất ra chè UTZ phải tuân thủ hàng trăm quy định từ trồng, chăm sóc, thu hái, bảo quản, đóng bao bì… theo dây chuyền khép kín.

Trồng chè phải trên đất phù hợp, không nằm trong vùng quy hoạch, vùng đất bảo tồn, vùng đất cấm. Nước tưới chè không dùng nước ô nhiễm. Thuốc bảo vệ thực vật cũng phải được sự cho phép của quốc tế với cây chè...

Không gian thưởng trà tại HTX chè Tân Hương

Một thành viên khác của HTX, ông Nguyễn Ngọc Trung cho biết, chè UTZ dễ bán, bán được giá. Nhưng mục đích quan trọng, lâu dài hơn cả là người làm chè được làm thật, sống thật, tự hào và tin tưởng vào sản phẩm của mình. Đời đời con cháu sẽ kế thừa và phát triển để chè Tân Hương xứng tầm với danh tiếng đó.

Ông Nghiêm Ngọc Anh (Kiểm sát viên HTX) cho biết, chính bởi nhận thức sâu sắc của các thành viên HTX mà suốt 5 năm qua, từ 2011 đến nay, năm nào HTX cũng tự đầu tư để thuê tổ chức chứng nhận tiếp tục gia hạn chứng nhận UTZ Certified. Chè Tân Hương đã được tiêu thụ trong cả nước và thị trường quốc tế như Mỹ, Canada, Anh… HTX chè Tân Hương vinh dự được Thủ tướng Chính phủ tặng cờ thi đua trong 2 năm 2014 và 2015.

Không theo thành tích phù phiếm

HTX chè Tân Hương có hơn 20ha chè nhưng hiện tại mới có 12ha nằm trong chương trình sản xuất đề nghị cấp chứng nhận UTZ.

Bà Nguyễn Thị Nhài, Phó Giám đốc HTX, cho biết, cách làm của HTX là chậm, chắc, bền vững, không chạy theo thành tích phù phiếm mà xác định rõ là làm cho chính mình được hưởng thụ môi trường sạch trước khi phục vụ sản phẩm sạch cho thị trường.

Dù nguyện vọng của các thành viên muốn thực hiện 100% diện tích theo UTZ nhưng định hướng trong 2 năm 2017 và 2018, HTX sẽ dần dần cho áp dụng quy trình sản xuất để vừa khẳng định uy tín, chất lượng, vừa đảm bảo sản lượng tiêu thụ tốt cho các thành viên.

Nguồn Nông Nghiệp: http://nongnghiep.vn/khat-vong-dua-san-pham-che-dat-dang-cap-quoc-te-post177390.html