Khát vọng "Chấn hưng châu Phi"

Hôm qua, các nhà lãnh đạo châu Phi đã tập trung tại Thủ đô A-đi A-bê-ba của Ê-ti-ô-pi-a để dự lễ kỷ niệm 50 năm "Ngày châu Phi" và dự Hội nghị cấp cao lần thứ 21 Liên minh châu Phi (AU).

Hôm qua, các nhà lãnh đạo châu Phi đã tập trung tại Thủ đô A-đi A-bê-ba của Ê-ti-ô-pi-a để dự lễ kỷ niệm 50 năm "Ngày châu Phi" và dự Hội nghị cấp cao lần thứ 21 Liên minh châu Phi (AU).

Với chủ đề "Chủ nghĩa toàn Phi và Chấn hưng châu Phi", hội nghị lần này thảo luận các thành tựu đạt được đầy cam go trong nửa kế kỷ qua và tìm cách đối phó những thách thức của châu lục trong nửa thế kỷ tới, nhằm thực hiện ước mơ cháy bỏng về một châu Phi thống nhất, hòa bình và thịnh vượng.

Hội nghị cấp cao AU, với sự tham dự của các nhà lãnh đạo từ 54 quốc gia thành viên, diễn ra đúng dịp kỷ niệm 50 năm Ngày thành lập Tổ chức Thống nhất châu Phi (OAU) (25-5-1963 - 25-5-2013) - tiền thân của AU. Nửa thế kỷ qua, châu Phi đã trải qua thời kỳ đầy thách thức trong giải quyết các vấn đề an ninh và phát triển kinh tế - xã hội. Bản hiến chương thành lập OAU và sau này là AU, thể hiện quyết tâm thúc đẩy sự đoàn kết, thống nhất và tăng cường hợp tác khu vực nhằm cải thiện điều kiện sống của người dân châu lục vốn bị gắn với "thương hiệu" của đói nghèo, xung đột.

Ngay từ khi ra đời, OAU đã thể hiện tinh thần đoàn kết, thống nhất trong cuộc đấu tranh không mệt mỏi cho quyền tự quyết của các dân tộc và quyền con người, giúp hàng loạt quốc gia giành độc lập, thoát khỏi ách thực dân và chủ nghĩa phân biệt chủng tộc. Kế thừa tinh thần đoàn kết, thống nhất của OAU, trong hơn 10 năm qua, AU đã đóng vai trò quan trọng trong việc giải quyết những thách thức nhiều mặt đối với châu Phi và nâng cao vị thế của châu lục trên trường quốc tế. AU đã nhanh chóng triển khai thực hiện mục tiêu tăng cường hợp tác quốc tế và khu vực, đấu tranh cho quyền lợi của châu Phi tại các diễn đàn quốc tế nhằm phục vụ công cuộc chấn hưng châu lục. Với mục tiêu thúc đẩy hòa bình, an ninh và ổn định, AU đã chứng tỏ muốn tự giải quyết các vấn đề "nóng" của châu lục như triển khai các hoạt động can thiệp tại nhiều quốc gia thành viên, trong đó có lực lượng gìn giữ hòa bình quy mô lớn ở Xô-ma-li-a. Với mức tăng trưởng kinh tế trung bình hơn 5%, châu Phi đã trở thành khu vực có tốc độ tăng trưởng kinh tế nhanh thứ hai trên thế giới, sau châu Á.

Châu Phi được ban tặng nhiều tài nguyên thiên nhiên, song "món quà" này cũng là một trong những nguyên nhân biến châu lục trở thành điểm nóng của các cuộc xung đột tranh giành nguồn tài nguyên, cũng như luôn là tâm điểm trên "bản đồ lợi ích" của các cường quốc trên thế giới. Hiện có tới gần 10 nước châu Phi vẫn chìm trong xung đột, bất ổn. Trong khi đó, châu Phi chưa tỏ ra đủ năng lực để có thể tự giải quyết các vấn đề an ninh của mình. Sự phản ứng chậm trễ đối với các cuộc khủng hoảng ở Ma-li, CHDC Công-gô, hay cuộc nổi dậy ở Li-bi năm 2011 đã tạo điều kiện cho sự can thiệp quốc tế vào các cuộc xung đột này. Sự thiếu tài chính và năng lực khiến các hoạt động của các lực lượng châu Phi chưa hiệu quả. Kể từ năm 2007 đến nay, đã có khoảng 3.000 binh sĩ châu Phi thiệt mạng trong cuộc xung đột ở Xô-ma-li-a. Xung đột đã biến nhiều quốc gia châu Phi trở thành căn cứ để tổ chức khủng bố An Kê-đa ăn sâu bám rễ và mở rộng địa bàn hoạt động, gây bất ổn toàn khu vực.

Sự phụ thuộc tài chính đã khiến các nước châu Phi đứng trước nguy cơ ngày càng bị can thiệp từ bên ngoài. Lục địa đen đã trở thành nơi phương Tây và nhiều nước mới nổi đang đổ xô tới nhằm tranh giành lợi ích cũng như mở rộng ảnh hưởng tại khu vực giàu tài nguyên này. Mặc dù thu hút nhiều đầu tư nước ngoài, song mặt trái của việc đầu tư ồ ạt vào châu Phi vô hình trung biến khu vực này thành "miếng bánh" bị xâu xé. Sự phụ thuộc kinh tế dẫn tới sự can thiệp chính trị. Chính Bộ trưởng Hợp tác và Quan hệ quốc tế Nam Phi M.N.Ma-sa-ban đã thừa nhận tại các cuộc thảo luận trong tuần lễ cấp cao AU rằng, việc giảm sự phụ thuộc tài chính là nền tảng cơ bản giúp lục địa này chấm dứt phụ thuộc về chính trị. Bởi, các đối tác nước ngoài, gồm Liên hiệp châu Âu (EU), Đức, Mỹ hiện tài trợ tới hơn 90% ngân sách cho các hoạt động của AU.

Chấn hưng châu Phi là mục tiêu mà lục địa đen đã phấn đấu từ nhiều năm qua và cần nỗ lực nhiều hơn nữa trong những năm tới. Trong bối cảnh "Mùa xuân A-rập" càn quét và làm chao đảo nhiều nước ở khu vực Bắc Phi, các "lò lửa xung đột" âm ỉ ở một số nước miền trung và nam châu Phi, "cái gai nhọn" của nguy cơ khủng bố từ lực lượng Hồi giáo cực đoan đang trỗi dậy khắp nơi, các nước châu Phi cần tìm ra con đường của riêng mình nhằm tạo môi trường ổn định, hòa bình để phát triển kinh tế. Hơn bao giờ hết, châu Phi phải đoàn kết để có thể tự đứng trên đôi chân của mình, chống sự can thiệp từ bên ngoài mới có thể trở thành một "ngôi nhà châu Phi" phát triển và thịnh vượng như khát khao của người dân lục địa đen trong suốt nửa thế kỷ qua.

BẢO THANH

Nguồn Nhân Dân: http://www.nhandan.org.vn/thegioi/tin-tuc/item/20414402-.html