'Khát vọng': Bài ca về sự yêu thương và tình nhân ái

NSƯT Tạ Xuyên được biết đến là một trong những cây bút tài hoa của Quân đội. Ông là tác giả, đạo diễn với những vở diễn có tiếng vang rộng rãi trên sân khấu như :“Khát vọng” (1992), “Thung lũng trắng” (1994), “Cuộc gặp gỡ muộn màng” (1995), “Mùa thu không vàng lá” (2001), “Bảy sắc cầu vồng” (2003), “Đảo cô đơn” (2003), “Mười ba bến nước” (2010)… trong đó “Khát vọng” được biết đến là vở kịch tâm lý sâu sắc, là bài ca về sự yêu thương và tình nhân ái của con người.

Tối 24/5, Nhà hát kịch Việt Nam tổng duyệt vở “Khát vọng” của cố tác giả, đại tá - NSƯT Tạ Xuyên, NSƯT Lâm Tùng đạo diễn.

Ảnh: NHK

Ảnh: NHK

NSƯT Lâm Tùng - một đạo diễn còn rất trẻ với niềm đam mê sân khấu và cách giải quyết vấn đề rất nhẹ nhàng đã dàn dựng một vở diễn vô cùng xúc động, như bài thơ, bài ca về sự yêu thương và tình nhân ái của con người. Anh có biết: “Kịch bản đầu tiên của vở kịch khởi nguồn từ truyện ngắn “Mùa hoa cải bên sông” của nhà văn Nguyễn Quang Thiều. Sau đó NSƯT Tạ Xuyên chuyển thể thành kịch bản sân khấu. Có đoàn phía Nam và đoàn Tổng cục đã dựng rồi, từ những năm 1992, 1993. Tôi thích kịch bản này là bởi vì tôi thấy ở đó nó có những cái tôi có thể khai thác được ở những góc độ sự khốc liệt của con người ta dồn vào bước đường cùng, thậm chí đánh đổi bằng cái chết. Tôi muốn giải quyết nó bằng những tình cảm rất ngọt ngào, nhẹ nhàng, như bài thơ để gỡ bỏ tất cả những cái hận thù ấy bằng tâm hồn trong trẻo của đôi trẻ”.

Ảnh: NHK

“Khát vọng” là câu chuyện kể về một gia đình làng chài sinh sống quanh năm trên mặt nước, vì mối hận không được chôn vợ trên đất liền mà ông bố đã quyết định để mối hận đó thành truyền kiếp, bắt các con tuyệt giao với những người trên bờ. Cuộc sống trên con thuyền nhỏ chật hẹp, bí bức đã làm cho những thành viên trong gia đình luôn sống trong cảnh tù túng, khó chịu. Họ khó chịu với những người xung quanh, với chính bản thân mình. Cuộc sống cứ như vậy cho đến khi Giang - cô con gái út quyết định phá bỏ lời nguyền truyền kiếp của gia đình để chuyển ngôi mộ của bà mẹ lên bờ và xây dựng hạnh phúc của mình cũng ở trên bờ. Và rồi cô đã thay đổi được cuộc sống của chính cô và những người thân…

Ảnh: NHK

“Trong con người ta lúc nào cũng có sự bảo thủ, cố hữu, kể cả là ở giai đoạn lịch sử nào đi nữa cũng có những phần đó trong mỗi con người. Tôi muốn đây là hồi chuông nho nhỏ để nhắc nhở mọi người, chính bản thân tôi cũng thế: Hãy nhìn nhận mọi việc một cách công tâm để tìm những hướng đi tốt nhất trong mỗi cá nhân”, đạo diễn chia sẻ.

Ảnh: NHK

“Ở trong sự khắc nghiệt nhất ở trái tim ông bố vẫn le lói những tình cảm ngọt ngào. Việc xử lý chi tiết ông bố chôn cất xác người trên bờ bị chết trôi là một trong những cái tôi rất thích vì trong sự khô cằn của tâm hồn con người vẫn có những cái tươi xanh, những cái lãng mạn đó. Bản thân ông bố là cố hữu nhất trong đó vẫn le lói những cái chuyển mình của ông từ đấy”.
Kết thúc vở kịch là cảnh cả gia đình lên bờ mừng nhà mới cho cô gái út đã xây dựng hạnh phúc với một chàng trai tốt bụng, ông bố nhận lỗi và không khí gia đình như có một luồng gió mới… là một cái kết có hậu. Cái kết giống như trong cổ tích. Đây chính là ý muốn của đạo diễn: Biến tất cả thành nhẹ nhàng, xử lý một cách nhẹ nhàng sự hận thù đó.

Đó cũng chính là lý do khiến cho “Khát vọng” mặc dù không mang tính thời sự nhưng vẫn vô cùng mới mẻ và lôi cuốn khán giả. Bởi sự yêu thương và tình nhân ái của con người không bao giờ cũ…

Nguyên Hà

Nguồn Tổ Quốc: http://toquoc.gov.vn/sites/vi-vn/details/13/lang-kinh/146538/khat-vong-bai-ca-ve-su-yeu-thuong-va-tinh-nhan-ai-.aspx