Khắp nơi vui cùng xuân mới, hào hứng xây dựng nông thôn mới

Những ngày Tết Nguyên Đán, có dịp đi chơi, thưởng thức mùa xuân ở một số tỉnh miền Tây như: Tiền Giang, Vĩnh Long, Cần Thơ,…, PV nhận thấy người dân hài lòng với một mùa xuân ấm áp, sung túc hơn.

Bài viết dưới đây chưa thể diễn tả được hết không khí rộn ràng những ngày Tết Nguyên Đán, nhưng cũng sẽ phần nào điểm tô lại không khí tưng bừng, hạnh phúc những ngày Xuân Đinh Dậu.

TIỀN GIANG: NGƯỜI DÂN HÂN HOAN XÃ NÔNG THÔN MỚI

Vào năm 2016, toàn tỉnh có thêm 12 xã đạt chuẩn và ra mắt xã nông thôn mới, nâng tổng số xã đạt chuẩn nông thôn mới trên địa bàn tỉnh hiện nay là 24 xã. Dự kiến năm 2017, vốn chương trình mục tiêu quốc gia dành cho đầu tư phát triển trên địa bàn lên đến 115,8 tỉ đồng, tăng 81,2% so năm 2016; trong đó 89 tỉ đồng dành cho chương trình xây dựng nông thôn mới, tăng hơn 4,3 lần so với năm 2016. Phấn đấu đến cuối năm có thêm ít nhất 16 xã cơ bản đạt 19/19 tiêu chí nông thôn mới, trong đó có từ 10-12 xã đạt chuẩn nông thôn mới theo Quyết định 1980/QĐ-TTg ngày 17/10/2016 của Thủ tướng Chính phủ…

Nhiều ngày vui Tết Nguyên Đán ở xã Tân Đông, huyện Gò Công Đông, PV cảm nhận được không khí vui tươi, hân hoan với kết quả mà toàn thể chính quyền và nhân dân xã Tân Đông đạt được trong quá trình xây dựng nông thôn mới… Những ngày gần Tết Nguyên Đán, người dân xã Tân Đông đã có thêm niềm vui mới từ việc được UBND tỉnh Tiền Giang quyết định công nhận là xã đạt chuẩn nông thôn mới của tỉnh…

Trước đó, tại Hội nghị Tổng kết 5 năm thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng Nông thôn mới giai đoạn 2011-2015, triển khai các hoạt động, phương hướng nhiệm vụ giai đoạn 2016 – 2020, lãnh đạo UBND tỉnh Tiền Giang đã tặng Cờ thi đua hạng Nhất cho huyện Gò Công Đông, hạng Nhì là TP.Mỹ Tho và hạng Ba cho Nhân dân và cán bộ huyện Chợ Gạo; tặng Bằng khen cho 14 tập thể và 63 cá nhân đã có thành tích trong thực hiện chuyên đề thi đua “Tiền Giang chung sức xây dựng NTM” 3 năm (2013- 2015).

Từ quyết tâm của chính quyền và nhân dân địa phương, được sự quan tâm sát sao của lãnh đạo Huyện Ủy, UBND huyện Gò Công Đông, xã Tân Đông đã hoàn thành chuẩn nông thôn mới, đạt 19/19 tiêu chí về xây dựng xã nông thôn mới. Đến xã Tân Đông, người đi đường dễ dàng cảm nhận sự phát triển, diện mạo của địa phương thay đổi rõ rệt. Hệ thống điện lưới Quốc gia được ngành điện đầu tư xây dựng mới hơn 12.300m đường dây trung thế và hạ thế đạt chuẩn; lắp đặt mới 10 trạm biến áp.

VĨNH LONG: ẤM ÁP MỘT VÙNG QUÊ

Không nhạc sống ồn ào, không pháo hoa,… nhưng những ngày Tết ở quê Thành Trí, xã Thành Lợi, huyện Bình Tân, tỉnh Vĩnh Long lúc nào cũng náo nhiệt, không kém phần sôi nổi. Đường quê chỉnh trang, giao thông tiện lợi, nhà mới xây nằm san sát bên nhau, chứng tỏ vùng quê ngày nào đã khấm khá hơn, thay đổi nhiều hơn. Có mặt với gia đình, cha mẹ, họ hàng,… vào ngày 30 Tết, điều đầu tiên là tôi ra khu vườn sau nhà, nơi mà thuở nhỏ, tôi từng chơi trốn tìm với bạn bè đồng trang lứa ở xóm, hoặc phá phách cây trái trong vườn bị cha mẹ, ông bà ngoại la rầy…

Và ở giữa khu vườn là phần mộ của ông, bà ngoại, thắm thoát mà đã 06 năm, tính từ ngày bà ngoại mất. Vườn cây thật tươi tốt, diện tích rất lớn, trải dài từ quốc lộ 54 đến bờ sông Hậu, có đủ loại trái cây mà tôi ưa thích như: bưởi, mít Thái, xoài Đài Loan, dừa,…

Ở Sài Gòn mỗi khi thèm ăn, ra chợ Phạm Thế Hiển (Q.8) mua với giá không rẻ. Cụ thể như mít Thái, loại trái dưới 10kg thì thương lái mua tại vườn với giá 6-8.000 đồng/kg, trái trên 10kg thì có giá 20.000 đồng/kg, mà loại trái mít trên 10kg thì đếm trên đầu ngón tay. Thương lái giải thích là loại trái trên 10kg thì mới vận chuyển đến Sài Gòn, Hà Nội và… Trung Quốc bán có giá (?). Trong khi ở chợ người bán lại nói chỉ có mít Thái loại 4-8kg là ngon, còn trái lớn hơn thì người tiêu dùng không chuộng!... Giá mít tại chợ là 30-35.000 đồng/kg, lột vỏ rồi từ 40.000 đồng/kg.

Tôi ra đến vườn là các em con cậu Út, cậu 5 chạy theo, hết đứa này đến đứa khác lựa từng trái mít, trái xoài,… toàn là mít chín, xoài chín treo lủng lẳng trên cây. Rồi mợ Út, mợ 5 lấy sẵn những trái cây ngon nhất vừa hái được để trong nhà mang ra sẵn cho tôi ăn… Với tôi, như thế đã đủ ấm lòng sau 365 ngày làm việc ở Sài Gòn, về quê được gặp cha mẹ, họ hàng, vừa được thưởng thức trái cây chín tại vườn nhà. Được ăn món thịt kho trứng mẹ nấu, được ăn bánh tét do gia đình gói và nấu vào đêm 30 Tết…

Ấm áp tình quê! Những ngày trước Tết Nguyên Đán, có dịp gặp lại anh Nguyễn Minh Thuận, cách nhà tôi ở chưa đầy 100m, hiện là Phó Chủ tịch UBND xã Thành Lợi, anh cho biết địa phương đang cố gắng xây dựng xã đạt chuẩn “Nông thôn mới” theo “Bộ tiêu chí quốc gia về xã nông thôn mới giai đoạn 2016-2020” số 1980/QĐ-TTg do Thủ tướng Chính phủ ban hành ngày 17/10/2016…

Đúng là tin vui đầu năm 2017 dành cho người dân và chính quyền xã Thành Lợi, huyện Bình Tân. Thêm một lần nữa, trong tôi chợt thấy ấm áp tình quê, với một cái Tết ở quê nhiều tình cảm thiết tha niềm tin và hi vọng.

Trương Vĩnh Anh Duy/ KD&PL

Nguồn GĐ&PL: http://giadinhphapluat.vn/khap-noi-vui-cung-xuan-moi-p45057.html