Khảo sát triển khai chương trình 'Nhịp cầu ước mơ' năm 2017

TGT - Tháng 6 vừa qua, Tập đoàn Tân Hiệp Phát, kênh truyền hình Let’s Việt đã phối hợp với các địa phương Kiên Giang, Bạc Liêu, Cà Mau tiến hành khảo sát thực tế để lựa chọn điểm đến tiếp theo của chương trình “Nhịp cầu ước mơ”.

Tại các tỉnh miền Tây Nam Bộ, chương trình “Nhịp cầu ước mơ” dự kiến sẽ xây dựng các cây cầu dây văng, với chiều dài từ 30 mét – 40 mét, chiều rộng 2.5 mét, có trọng tải 2.8 tấn từ ấp qua xã, từ xã qua xã, từ huyện qua huyện. Dự kiến sau khi hoàn thành sẽ đáp ứng khoảng hơn 18.000 lượt  người qua lại và vận chuyển hàng hóa.

Đối với người dân miền Tây Nam Bộ, cuộc sống từ lâu đã gắn liền với dòng sông, con đò. Thế nhưng, không phải nơi nào cũng may mắn có được chiếc cầu vững chãi để đi lại, an tâm sản xuất, phát triển kinh tế. Tuy nhiên, để được lựa chọn là điểm đến tiếp theo, các địa phương sẽ phải vượt qua những thử thách vui nhộn và thú vị của chương trình “nhịp cầu ước mơ”.

Theo đó, tại mỗi địa phương có hai xã có khó khăn về cầu đi lại sẽ được lựa chọn tham gia các trò chơi vận động để có thể giành quyền sở hữu cây cầu dây văng trị giá khoảng 700 triệu đồng. Xã thua cuộc sẽ nhận được phần thưởng 50 triệu đồng vào Quỹ Hỗ trợ người nghèo của xã.

Tại tỉnh Kiên Giang, chương trình “Nhịp cầu ước mơ” đã đến khảo sát các địa điểm tại hai xã Hoà Điền, xã Kiên Bình (huyện Kiên Lương) và xã Vĩnh Bình Nam, xã Vĩnh Phong (huyện Vĩnh Thuận).

Cầu 13 xã Kiên Bình, huyện Kiên Lương đã xuống cấp nghiêm trọng, người dân qua lại thường xuyên gặp tai nạn đặc biệt là mùa mưa

Không khác gì so với huyện Kiên Lương, đời sống bà con huyện Vĩnh Thuận (Kiên Giang) cũng gặp nhiều khó khăn, kinh tế chủ yếu là nông nghiệp và nuôi trồng thuỷ, hải sản; phương tiện đi lại của bà con nơi đây chủ yếu là xuồng vỏ lãi, điều kiện xây dựng cầu còn gặp nhiều khó khăn.

Cây cầu trên ấp Bình Thành, xã Vĩnh Bình Nam, huyện Vĩnh Thuận đã hư hỏng nặng, người dân qua lại thường xuyên gặp tại nạn, cả người và phương tiện đều rơi xuống kênh

Là hai xã vùng sâu của thị xã Giá Rai (Bạc Liêu), xã Tân Phong và Phong Thạnh Tây là vùng chuyên canh về nuôi trồng thuỷ hải sản, bị chia cắt bởi sông ngòi, phương tiện đi lại của bà con nơi đây chủ yếu bằng xuồng vỏ lãi. Một số nơi đã có cầu, tuy nhiên, những cây cầu phần lớn đã tồn tại hàng chục năm, do nằm trong vùng nước ngập mặn nên nhiều cây cầu sắt đã bị hoen rỉ, mục nát, lan can cầu hư hỏng hoàn toàn.

Cây cầu bắc qua kênh Thất Giồng 4, xã Phong Thạnh Tây, huyện Tân Phong, tỉnh Bạc Liêu nối liền với Khu du lịch sinh thái Vườn Chim đã hư hỏng nặng, mỗi ngày đều có xảy ra tai nạn

Huyện Ngọc Hiển, (Cà Mau) cũng là huyện có nhiều khó khăn về phương tiện đi lại. Vốn là vùng sông nước với kênh rạch chằng chịt, huyện Ngọc Hiển có 4 xã: Viên An Đông, Đất Mũi, Tân Ân Tây và Tam Giang Tây được chọn làm các địa điểm khảo sát để thực hiện chương trình “Nhịp cầu ước mơ”.

Một số xã đã có cây cầu nhưng nằm trong vùng ngập mặn nên cầu chỉ sử dụng được một thời gian ngắn là hư hỏng, dẫn đến nguy hiểm cho những người lưu thông trên cầu, đặc biệt là những học sinh đi học hàng ngày.

Đông Hường

Nguồn Thế Giới Trẻ: http://thegioitre.vn/tin-tuc/xa-hoi/khao-sat-trien-khai-chuong-trinh-nhip-cau-uoc-mo-nam-2017-29046.html